Thúc đẩy kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP An Giang

Chương trình OCOP có vai trò quan trọng, trong việc tạo ra sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao góp phần thúc đẩy kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các nhà sản xuất và các đầu mối tiêu thụ, từ đó giúp cho đời sống, kinh tế người dân nông thôn được cải thiện hơn.

Tại buổi Lễ khai mạc Ngày hội sản phẩm OCOP và hàng hóa đặc trưng các tỉnh, thành năm 2021 tại TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang mới đây, ông Trần Anh Thư- Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã cho biết như vậy.

 Các gian hàng được thiết kế - trưng bày - theo tiêu chuẩn nên rất bắt mắt.

Các gian hàng được thiết kế - trưng bày - theo tiêu chuẩn nên rất bắt mắt.

Theo ông Trần Anh Thư, các doanh nghiệp tham gia trong ngày hội đều được các tỉnh, thành chọn lọc, giới thiệu những doanh nghiệp uy tín, đảm bảo mang những sản phẩm đạt chất lượng đến với người tiêu dùng. Qua đó, tạo động lực thúc đẩy kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các nhà sản xuất và các đầu mối tiêu thụ, đồng thời định hướng phát triển sản phẩm OCOP theo nhu cầu của thị trường, tạo tiền đề giúp cho bức tranh kinh tế nông thôn ngày càng thay da đổi thịt.

Với chủ đề:" Sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng nổi tiếng của các tỉnh thành, xem chủ thể sản phẩm là đối tượng trọng tâm gắn kết với khách hàng, tính minh bạch về chất lượng và pháp lý của sản phẩm được thể hiện đầy đủ".

Ông Lê Trung Hiếu- Giám đốc Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang cho biết, ngày hội OCOP là dịp để các đơn vị, doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá, mở rộng thị trường và kết nối giao thương. Tuy nhiên, Ban tổ chức xác định không chạy theo quy mô, số lượng gian hàng mà mục tiêu hướng đến chất lượng của ngày hội, từ thiết kế - trưng bày - tiêu chuẩn sản phẩm tham gia; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP và hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác hoàn thành chỉ tiêu chất lượng, nhãn hiệu của từng sản phẩm làm ra.

Ông Trần Văn Linh- Giám đốc HTX Nông nghiệp An Bình (huyện Thoại Sơn) cho biết, với sản phẩm làm ra HTX đã đặt tiêu chí phải đảm bảo an toàn từ khâu chọn giống, gieo trồng, chăm sóc cho đến khi thu hoạch. Bên cạnh đó HTX còn được tỉnh quan tâm hỗ trợ thiết kế bao bì, thiết kế trang website, công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng. Nhờ đó mà lượng khách hàng của HTX ngày càng tăng thêm, dự kiến từ năm 2021 tăng 25% sản lượng so năm 2020. Hiện tại HXT An Bình mong muốn tìm nhà đầu tư hợp tác để giúp HTX tăng thêm nguồn lực và phát triển tốt hơn trong thời gian tới.

Theo bà Châu Ngọc Dịu- Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Palmania chuyên sản đường thốt nốt, hiện sản phẩm đường thốt nốt của công ty đã có mặt ở các thành phố lớn trong cả nước như TP. Hà Nôi, TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ, TP. Đà Nẵng... Bà Dịu kỳ vọng, chương trình OCOP sẽ góp phần giúp cho sản phẩm của công ty sẽ lan tỏa khắp cả nước trong tương lai.

Nhiều đơn vị khác chia sẻ rằng, tại ngày hội OCOP này, các doanh nghiệp đã có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc giao thương, liên kết, hợp tác kinh doanh, đầu tư, quảng bá thương hiệu, sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, đồng thời từng bước đưa sản phẩm thâm nhập thị trường nước bạn Campuchia.

Ngày hội OCOP được tổ chức với quy mô gần 150 gian hàng của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, làng nghề trong và ngoài tỉnh; các tổ chức xúc tiến thương mại, các đơn vị được giao chủ trì triển khai thực hiện chương trình OCOP thuộc 24 tỉnh, thành trong cả nước.

Trường Vũ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuc-day-ket-noi-cung-cau-san-pham-ocop-an-giang-155846.html