Thực hiện dân chủ trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Bộ Công an đã ban hành Thông tư 18/2020/TT-BCA quy định về thực hiện dân chủ trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Công an nhân dân.

 Ảnh minh họa - Internet

Ảnh minh họa - Internet

Thông tư này áp dụng đối với Công an các đơn vị, địa phương; cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân hoạt động trên lãnh thổ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Mục đích thực hiện dân chủ trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là phát huy quyền làm chủ của nhân dân; huy động cơ quan, tổ chức, cá nhân tích cực tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát” theo quy định của pháp luật.

Thông tư quy định 8 nội dung công khai trong công tác của Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và các đơn vị Công an được giao thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ như sau:

1- Nội quy tiếp công dân; lịch tiếp công dân đến làm thủ tục; sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn nơi làm thủ tục.

2- Tên và số điện thoại (nếu có) của từng bộ phận, họ tên, cấp bậc, chức vụ và nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ được phân công tiếp công dân đến làm thủ tục liên quan đến phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; số điện thoại “đường dây nóng”.

3- Trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân đến làm thủ tục liên quan đến phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

4- Các loại phí, lệ phí theo quy định.

5- Quy định, hướng dẫn việc gọi điện đến số điện thoại khẩn cấp 114.

6- Danh mục các thủ tục hành chính, quy định, biểu mẫu, thời hạn giải quyết đối với tùng loại thủ tục về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ: a) Thủ tục kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; b) Thủ tục, thời hạn thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đối với dự án, công trình xây dựng và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy; c) Thủ tục và thời hạn cấp Giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ; d) Thủ tục và thời hạn cấp, cấp đổi, cấp lại Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đ) Trách nhiệm xây dựng và quyền hạn phê duyệt phương án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ; e) Thủ tục, lệ phí và thời hạn kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy; g) Thủ tục và thời hạn cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy; h) Thủ tục và thời hạn cấp, cấp đổi, cấp lại Chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy; i) Thủ tục và thời hạn cấp Giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

7- Kết quả xử lý kiến nghị, phản ánh của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

8- Danh sách công trình đưa vào sử dụng nhưng chưa nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 06/4/2020.

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/chinh-sach-moi/thuc-hien-dan-chu-trong-cong-tac-phong-chay-chua-chay-va-cuu-nan-cuu-ho/389542.vgp