Thượng đỉnh Mỹ - Trung tại Hội nghị G20: Cơ hội hòa giải hay cuộc trường chinh mới bắt đầu?

Khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp nhau tại Hội nghị G20 vào tháng 6/2019, nhiều người hy vọng rằng họ sẽ đi đến một thỏa thuận nào đó nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp người đồng cấp Trung Quốc tại Hội nghị G7 tại Đức, năm 2017. (Nguồn: Opendemocracy)

Nhưng những hy vọng như vậy nhiều lần được khơi dậy rồi lại bị dập tắt kể từ khi cuộc chiến thương mại bắt đầu vào năm 2018. Tuy nhiên, các nhà quan sát vẫn đặt câu hỏi rằng, cuộc chiến này có thể kéo dài bao lâu?

"Chimerica"

Nền kinh tế của hai quốc gia có mối quan hệ mật thiết với nhau đến nỗi nhà sử học Niall Ferguson đã đặt ra thuật ngữ “Chimerica” để mô tả chúng. Một cuộc chiến thương mại kéo dài hẳn sẽ gây tốn kém cho cả hai. Đó hẳn đã là một sự khích lệ đủ lớn để hai bên giải quyết những bất đồng giữa họ trước khi cuộc xung đột trở nên dữ dội hơn nữa.

Cho đến lúc này, điều đó vẫn chưa xảy ra. Sau đợt áp thuế và thuế trả đũa ban đầu đối với số hàng hóa trị giá 50 tỷ USD của mỗi bên, Mỹ đã áp đặt mức thuế 10% đối với một loạt mặt hàng nhập khẩu khác từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD vào tháng 9/2018. Để đáp trả, Trung Quốc đã đánh thuế từ 5%-10% đối với một danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá 60 tỷ USD.

Kế đó, sau khi Trung Quốc rút lại các cam kết mà nước này đã đưa ra trong các cuộc đàm phán thương mại, Mỹ đã tăng thuế suất đối với danh mục hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD lên 25% vào tháng 5/2019. Trung Quốc đã làm theo khi tăng thuế suất đối với danh mục hàng hóa Mỹ trị giá 60 tỷ USD lên tới 25%.

Không chịu thua kém, Trump đã ra lệnh cho chính quyền chuẩn bị sẵn sàng để áp thuế mới đối với 300 tỷ USD hàng hóa còn lại mà Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc. Nếu Mỹ làm như vậy, có thể dự đoán rằng Trung Quốc sẽ áp thuế đối với số hàng hóa còn lại trị giá khoảng 20 tỷ USD mà nước này nhập khẩu từ Mỹ.

Giống như các cuộc chiến tranh thực sự, chiến tranh thương mại có thể vượt quá tầm kiểm soát. Vào một thời điểm nào đó, những tính toán cẩn thận về phí tổn và lợi ích bắt đầu trở nên kém quan trọng hơn so với ban đầu. Một cuộc chiến thương mại có thể dễ dàng leo thang trở thành lực cản kinh tế đối với cả hai bên tham chiến. Tuy nhiên, hiện cả Trung Quốc lẫn Mỹ dường như đều không quá quan tâm đến điều đó, bởi mỗi bên đều có quan điểm riêng về cuộc chiến thương mại này.

Quan điểm nào đúng đắn hơn?

Tuy nhiên, không chỉ căng thẳng về thương mại, giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới còn có các bất đồng khác trên nhiều mặt trận, từ cạnh tranh về công nghệ cho đến chiến lược. Với nhiều cọ xát chiến lược như vậy, thật khó có thể nhận biết được quan điểm nào đúng đắn hơn.

Một bảng tính điểm đơn giản đánh giá riêng biệt từng chiến lược sẽ không thể nắm bắt được cách mà tất cả những chiến lược này tương tác với nhau. Thay vào đó, việc theo dõi các thị trường, vốn có hiệu quả trong việc tổng hợp lượng thông tin khổng lồ, có thể là cách tốt nhất để biết được quan điểm nào thâu tóm tình hình hiện tại.

Vì thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn tương đối nông, nên thị trường tốt nhất để theo dõi có thể là thị trường tiền tệ, nhất là giao dịch bằng cặp tiền tệ là Nhân dân tệ và USD. Mặc dù Trung Quốc hạn chế giao dịch bằng cặp tiền tệ này ở mức đã xác định trước, song đồng tiền của Trung Quốc có thể trôi nổi trong giới hạn đó. Và sự dao động của đồng tiền này có thể nói lên nhiều điều.

Nếu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tiếp tục giảm so với Mỹ, thì Nhân dân tệ tự nhiên sẽ yếu hơn so với USD. Cuối cùng, nó sẽ vượt ngưỡng 7 Nhân dân tệ đổi 1 USD, bất luận những gì Trung Quốc có thể làm để ngăn chặn điều đó. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là Nhân dân tệ mất giá như thế nào. Nó sẽ giảm giá một cách có trật tự hay hỗn loạn? Sự sụt giảm nhanh chóng sẽ cho thấy tình trạng mất niềm tin vào khả năng của Trung Quốc trong việc giữ cho nền kinh tế nước này vận hành đều đặn. Điều đó có thể báo trước những vấn đề lớn hơn đối với Trung Quốc, có thể bao gồm cả một cuộc khủng hoảng nợ hay dòng vốn chảy ồ ạt ra bên ngoài. Rốt cuộc, một đồng tiền giảm giá sẽ không thu hút được vốn.

Tháng 5/2019, khi căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ bùng phát, giá trị Nhân dân tệ so với USD đã giảm 2,5% chỉ trong hơn 1 tuần.

Cuộc trường chinh mới?

Với việc mỗi bên tỏ ra khá thoải mái khi cho rằng họ có thể cầm cự lâu hơn đối thủ trong cuộc chiến thương mại, không bên nào có nhiều động lực để nhượng bộ vào lúc này.

Do đó, việc Trung Quốc rút lại những cam kết mà họ đã đưa ra trong các cuộc đàm phán thương mại trước đó hầu như không gây ngạc nhiên. Trong khi đó, có lẽ Chính quyền Tổng thổng Trump hầu như không cảm thấy sức ép khiến họ phải vội vàng tiến tới một thỏa thuận, nhất là nếu thỏa thuận đó không đáp ứng mục tiêu của họ.

Thượng đỉnh Mỹ - Trung tại Hội nghị G20: Cơ hội hòa giải hay cuộc trường chinh mới bắt đầu?. (Nguồn: FT)

Trái lại, điều gây ngạc nhiên là ông Trump hầu như không bị các đối thủ chính trị dường như rất kiên quyết trong đảng Dân chủ chỉ trích về cuộc chiến thương mại này. Cho đến nay, họ chỉ phê phán các chiến thuật của ông chứ không chỉ trích chính cuộc chiến này.

Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, một trong những chính trị gia cấp cao nhất của đảng Dân chủ, thậm chí còn lên tiếng khích lệ hành động của ông chủ Nhà Trắng. Trong khi điều đó có vẻ đáng chú ý, người ta cần nhớ rằng, chính đảng Dân chủ mới là đảng có truyền thống ủng hộ các chính sách mang tính bảo hộ hơn.

Quả thật, Tổng thống Trump đã gặp nhiều rắc rối hơn về vấn đề này với các thành viên trong chính đảng Cộng hòa của ông, những người từ lâu vốn ủng hộ thương mại tự do. Do vậy, ngay cả khi Bắc Kinh phải đối phó với một vị tổng thống Mỹ mới sau cuộc tổng tuyển cử tiếp theo của Mỹ, họ có thể sẽ không phải đối phó với một cách tiếp cận hoàn toàn mới, nhất là nếu các mức thuế của Chính quyền Mỹ đương nhiệm đã đem lại những tiến triển.

Như vậy, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có lẽ chỉ mới chứng kiến cái kết của sự khởi đầu và còn lâu mới chấm dứt.

Hồi tháng 5/2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu rằng, nước này đang ở trong “cuộc trường chinh mới”, đề cập tới hành trình nổi tiếng dài 4.000 dặm mà những người cộng sản Trung Quốc đã thực hiện để thoát khỏi kẻ thù vào những năm 1930. Ông Tập Cận Bình có thể đã phát tín hiệu đến người dân ở trong và ngoài nước rằng, cuộc chiến thương mại có thể kéo dài.

Nếu đúng như vậy, thì đối với Mỹ, việc chuẩn bị đối phó với thuế quan và những biến động kinh tế kéo dài sẽ là khôn ngoan. Tương tự, ông Tập Cận Bình cần đảm bảo rằng “cuộc trường chinh mới” của Trung Quốc do ông dẫn dắt sẽ không bị thất bại.

(theo Fpri.org)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thuong-dinh-my-trung-tai-hoi-nghi-g20-co-hoi-hoa-giai-hay-cuoc-truong-chinh-moi-bat-dau-96646.html