Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng: Nghị quyết có đúng có trúng mà chỉ đạo không quyết liệt thì không có kết quả

Bảo đảm quy hoạch đô thị có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm; văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển là một trong những yêu cầu của Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng tại Hội nghị 'Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045' tổ chức sáng 18/5.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, sau 35 năm đổi mới, lần đầu tiên Bộ Chính trị có nghị quyết về phát triển đô thị của Việt Nam tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị sẽ đổi mới tư duy, lý luận và phương pháp quản lý đô thị, đảm bảo quy hoạch đô thị có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm với mục tiêu tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%.

Số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2025 khoảng 950 - 1.000 đô thị, đến năm 2030 khoảng 1.000 - 1.200 đô thị. Tầm nhìn đến năm 2045, tỉ lệ đô thị hóa thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và Châu Á; xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế.

Nhấn mạnh các chỉ tiêu bình quân trên phạm vi cả nước về tỉ lệ đô thị hóa, số lượng đô thị, tỉ lệ đất xây dựng đô thị cho giai đoạn 2025-2030 trong Nghị quyết 06 là những chỉ tiêu quan trọng định hình tốc độ phát triển đô thị trên cả nước, đại diện Bộ Xây dựng đề nghị, các địa phương cần đánh giá đúng tình hình phát triển đô thị của hệ thống đô thị toàn tỉnh, đặt ra chỉ tiêu phù hợp với khả năng phát triển thực tế trong giai đoạn tới.

Ông LÊ QUANG HÙNG - Thứ trưởng Bộ Xây dựng: “Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương cần chủ động rà soát các cơ chế chính sách cần được ban hành để tạo thuận lợi cho quá trình phát triển đô thị từ công tác quy hoạch phát triển đô thị, như việc xây dựng luật quản lý phát triển đô thị, sửa đổi bổ sung một số pháp luật chuyên ngành đề xuất các cơ chế chính sách để thu hút các nguồn lực của xã hội cho đầu tư xây dựng.”

Trong khi đó, khẳng định nghị quyết có ý nghĩa rất lớn đối với thành phố, gợi mở và tháo gỡ nhiều vấn đề trong phát triển đô thị của thành phố cũng như mạng lưới đô thị cả nước, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề nghị sớm tổng kết mô hình chính quyền đô thị để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế.

Ông PHAN VĂN MÃI - Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh: "Sau một năm triển khai thực hiện Nghị quyết 131 của Quốc hội về chính quyền đô thị, bước đầu đã tạo điều kiện cho thành phố Hồ Chí Minh có những kết quả bước đầu tích cực, tuy nhiên cũng còn những vướng mắc, chúng tôi đang tích cực sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 131. Chúng tôi đề nghị Trung ương có chỉ đạo sơ kết 1 năm chứ không chờ 2 hoặc 3 năm mà cần phải nhận diện ngay những vấn đề khó khăn vướng mắc của chính quyền đô thị."

Phát biểu kết luận Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Thường trực Ban Bí Thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên cần nghiên cứu, quán triệt đầy đủ, sâu sắc nội dung nghị quyết quan trọng này. Đồng thời, phải nhận thức rõ đô thị hóa là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới. Sớm xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết với lộ trình rõ ràng, phân công cụ thể; bổ sung, cụ thể hóa các tiêu chí, các chỉ tiêu nêu trong Nghị quyết vào kế hoạch năm và theo từng giai đoạn ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.

Thường trực Ban Bí Thư VÕ VĂN THƯỞNG: “Nghị quyết có đúng có trúng đến thế nào đi nữa mà chúng ta chỉ đạo không quyết liệt thì không có kết quả, khắc phục tình trạng 10 năm sau chúng ta tổng kết, đánh giá lại, chúng ta lại nói rằng nghị quyết còn nguyên giá trị, cái này chúng ta phải quyết tâm làm. Đổi mới tư duy, lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị là rất quan trọng; phải bảo đảm quy hoạch đô thị có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm; văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển.”

Thường trực Ban Bí Thư Võ Văn Thưởng lưu ý, cần thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền các đô thị gắn với đề cao trách nhiệm, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý thống nhất của Trung ương. Phát huy và khai thác tốt các nguồn lực từ chính đô thị, nguồn lực từ xã hội cho phát triển đô thị và triển khai đồng bộ sáu nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong nghị quyết.

Yêu cầu, Ban cán sự Đảng, Chính phủ sớm ban hành chương trình hành động triển khai nghị quyết, bảo đảm bám sát các nội dung nghị quyết, phù hợp với từng địa phương, từng vùng; xây dựng và triển khai quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045; phê duyệt các quy hoạch phù hợp với tinh thần của nghị quyết; ưu tiên bố trí đủ nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ; khẩn trương chỉ đạo rà soát hoàn thiện các văn bản dưới luật thuộc thẩm quyền có liên quan đến đô thị hóa và quản lý đô thị.

Thực hiện : Thùy Linh Anh Đức

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/thuong-truc-ban-bi-thu-vo-van-thuong-nghi-quyet-co-dung-co-trung-ma-chi-dao-khong-quyet-liet-thi-khong-co-ket-qua