Tiềm năng phát triển công trình xanh rất lớn

Tại Diễn đàn 'Thúc đẩy phát triển công trình xanh tại Việt Nam: Kinh nghiệm và giải pháp', do Bộ Xây dựng phối hợp UBND TP. Hà Nội tổ chức sáng 26.9, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà cho rằng, với tổng diện tích sàn xây dựng nhà ở, văn phòng trung bình hàng năm trên dưới 100 triệu m2, tiềm năng phát triển công trình xanh ở nước ta còn rất lớn.

Chưa phát triển do nhiều rào cản

Theo Thứ trưởng Phạm Minh Hà, công trình xanh xuất hiện ở nước ta từ hơn 15 năm qua. Tuy nhiên, khái niệm và nội hàm về công trình sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính (công trình xanh) mới được đưa vào Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Đây là những văn bản pháp lý quan trọng, đánh dấu việc công trình xanh được thể hiện chính thức trong các văn bản quy phạm pháp luật.

 Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Đ. Thanh

Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Đ. Thanh

Công trình xanh đã có sự phát triển mạnh thời gian gần đây. Đáng chú ý, vào tháng 9.2023, cả nước có hơn 300 công trình xanh thì đến giữa năm nay, con số này đã nâng lên gần 500, với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 11,5 triệu m2. “Việc thúc đẩy phát triển mạnh mẽ công trình xanh cũng là một giải pháp giúp chuyển đổi xanh ở cấp độ quốc gia nhanh hơn”, Thứ trưởng Phạm Minh Hà nhấn mạnh. Và với tổng diện tích sàn xây dựng nhà ở, văn phòng trung bình hàng năm trên dưới 100 triệu m2, chưa bao gồm diện tích nhà xưởng công nghiệp và các loại hình công trình khác, theo ông Hà, tiềm năng phát triển công trình xanh ở nước ta vẫn còn rất lớn.

Dù đã có sự phát triển mạnh thời gian qua song công trình xanh ở nước ta vẫn còn khá khiêm tốn so với các quốc gia trên thế giới. Bà Phan Thu Hằng, Chủ tịch Hội đồng Công trình xanh Việt Nam thông tin, hiện, Mỹ có gần 85.500 công trình xanh; Anh hơn 18.200 công trình; Ấn Độ hơn 2,1 triệu công trình; Singapore hơn 4.500 công trình; Hàn Quốc hơn 8.700 công trình…

Có nhiều lý do khiến công trình xanh ở nước ta chưa phát triển. Trong đó, theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, công trình xanh mới đang thực hiện ở hình thức khuyến khích, chưa có quy định bắt buộc; trình độ kỹ thuật, công nghệ, năng lực tài chính của chủ đầu tư còn hạn chế, khó khăn khi tiếp cận về nguồn tài chính xanh cho các dự án công trình xanh…

Một nguyên nhân khác được TS. Ngô Thế Vinh, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế phát triển đô thị, Viện Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng chỉ ra là suất đầu tư cho công trình xanh lớn hơn so với công trình thông thường, từ 1,2% đến hơn 10%, tùy theo mức độ chứng nhận; điều này cũng đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn hơn. Tuy nhiên, khi đầu tư cho công trình xanh sẽ giúp tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, thuận lợi hơn trong quản lý vận hành.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam Nguyễn Văn Long bổ sung, mặc dù công trình xanh là xu thế để góp phần phát triển bền vững, song sự vào cuộc vẫn chưa quyết liệt, thậm chí chỉ khi quốc tế, trong đó có EU, đưa ra một số quy định liên quan đến công trình xanh thì mới bắt tay vào làm. Chính sách cho công trình xanh đã có nhưng ở nhiều văn bản khác nhau, một số nội dung chưa được sửa đổi kịp thời để phù hợp với thực tiễn. Nguồn lực, bao gồm cả nhân lực và tài chính cho công trình xanh hiện vẫn thiếu... Những rào cản này đang khiến công trình xanh chưa thể phát triển mạnh.

Cần gỡ bài toán về vật liệu

Tại Hội nghị COP26, Việt Nam cam kết phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Để góp phần cụ thể hóa mục tiêu, việc phát triển công trình xanh nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, giảm phát thải là một trong những giải pháp quan trọng.

Muốn thúc đẩy các công trình xanh, TS. Ngô Thế Vinh cho rằng, Nhà nước cần có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các chủ đầu tư đầu tư xây dựng công trình xanh, từ đó làm giảm chi phí xây dựng, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho công trình xanh. Cùng với đó, cần nghiên cứu, ban hành lộ trình áp dụng cơ chế đầu tư xây dựng công trình xanh đối với một số loại hình công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Ông Hoàng Minh Lâm, Giám đốc Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp, Sở Công Thương Hà Nội bổ sung, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, có quy định cụ thể, chi tiết hơn về tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình công trình xanh. Cùng với đó, cần tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho kiến trúc sư, kỹ sư, nhà thầu, người làm quản lý dự án về công trình xanh. Ngoài ra, cần xây dựng nền tảng thông tin chia sẻ về công nghệ xanh, các dự án tiêu biểu để chia sẻ kinh nghiệm; phát triển thị trường vật liệu xanh, giúp chủ đầu tư và người tiêu dùng nhận diện rõ các vật liệu xanh và thiết bị xanh để phục vụ cho các công trình xanh.

Từ kinh nghiệm thực tế, Giám đốc Quản lý thiết kế, Văn Phú Invest Nguyễn Chiến Hữu chia sẻ, muốn phát triển công trình xanh, trước tiên chính doanh nghiệp phải xác định rõ ý nghĩa, vai trò của công trình này để từ đó đề ra định hướng, kế hoạch cụ thể. Hiện, các văn bản pháp lý đang dần hoàn thiện sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong triển khai.

Tuy nhiên, ông Hữu xác nhận, vướng mắc nhất hiện nay là tiêu chuẩn vật liệu. Vì thế, ông mong muốn Bộ Xây dựng sẽ tháo gỡ vấn đề này, để doanh nghiệp thuận lợi trong đầu tư, lựa chọn vật liệu xanh. Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công trình xanh để nâng cao nhận thức, hiểu biết của xã hội, qua đó tạo động lực để đầu tư vào công trình xanh.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của vật liệu trong đầu tư công trình xanh, TS. Thái Duy Sâm, Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam đề nghị, cần làm rõ về vật liệu xanh, giao rõ cơ quan chứng nhận cũng như cách chứng nhận. Mặt khác, suất đầu tư cho công trình xanh tăng lên tới hơn 10% so với công trình thông thường có thể khiến chủ đầu tư e ngại. Do vậy, Bộ Xây dựng cần nghiên cứu thêm về hiệu quả đầu tư các công trình xanh, cả về thời gian thu hồi vốn. Có dữ liệu này sẽ giúp chủ đầu tư cũng như người dân hiểu rõ và lựa chọn làm công trình xanh bởi những lợi ích lâu dài mà nó mang lại.

Đan Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tiem-nang-phat-trien-cong-trinh-xanh-rat-lon-post391540.html