Tiếng Đức, tiếng Hàn là môn ngoại ngữ bắt buộc có phù hợp?

Nhiều phụ huynh lo lắng trước thông tin môn Tiếng Đức, tiếng Hàn trở thành môn học 'bắt buộc' từ lớp 3 đến 12. Các nhà giáo từng thí điểm môn học này nói gì?

Môn Tiếng Đức, tiếng Hàn sẽ được thí điểm tại các trường phổ thông trong thời gian tới. Ảnh minh họa: Q.A

Môn Tiếng Đức, tiếng Hàn sẽ được thí điểm tại các trường phổ thông trong thời gian tới. Ảnh minh họa: Q.A

Thí điểm chứ không phải là "bắt buộc"

Trong tuần qua, nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng khi nghe tin Bộ GD&ĐT sắp đưa môn Tiếng Đức, tiếng Hàn Quốc trở thành môn ngoại ngữ 1 và bắt buộc phải học từ lớp 3. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng đã lên tiếng xác thực về việc này. Đại diện của Bộ GD&ĐT giải thích, Bộ vừa mới ban hành quyết định về việc thí điểm môn Tiếng Đức, tiếng Hàn trở thành một trong các ngoại ngữ 1. Cụm từ "bắt buộc" không có nghĩa trở thành môn học bắt buộc với học sinh từ lớp 3 mà là một trong những ngoại ngữ được chọn làm ngoại ngữ 1. Ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc trong Chương trình Giáo dục phổ thông cùng với các ngoại ngữ khác như Anh, Trung Quốc, Pháp...

Theo Bộ GD&ĐT, nội dung cơ bản của Chương trình Giáo dục phổ thông môn Tiếng Hàn, tiếng Đức giúp học sinh có một công cụ giao tiếp mới; hình thành và phát triển cho học sinh năng lực giao tiếp thông qua các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Việc này giúp học sinh có được những kiến thức cơ bản về các nền văn hóa khu vực các quốc gia nói Tiếng Đức, Tiếng Hàn. Từ đó góp phần hình thành thái độ và tình cảm tích cực đối với các nền văn hóa này để họ thêm trân trọng giá trị văn hóa Việt Nam…

Sau thời gian thí điểm dạy Tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 2 ở một số địa phương và đạt hiệu quả, nhu cầu học tập của học sinh ngày càng nhiều hơn. Các cơ sở giáo dục phổ thông và học sinh có nguyện vọng lựa chọn môn học này là ngoại ngữ 1, để phù hợp với nhu cầu học tập của học sinh. Để giảm áp lực cho học sinh khi lựa chọn tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 2 vẫn phải học song song ngoại ngữ 1 khác, Bộ GD&ĐT quyết định thí điểm dạy Tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 1 để học sinh lựa chọn theo nhu cầu.

Ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, việc thí điểm Tiếng Đức, tiếng Hàn sẽ triển khai ở những nơi có nhu cầu và đảm bảo điều kiện thực hiện cả về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, tính liên thông giữa các cấp học, có đăng ký với Bộ GD&ĐT. Bộ sẽ giám sát quá trình thực hiện này để bảo đảm tính hiệu quả và quyền lợi cho người học.

Học sinh có thêm nhiều lựa chọn

Là người có kinh nghiệm trong công tác tổ chức dạy Tiếng Đức, tiếng Hàn trong nhà trường, thầy Nguyễn Quốc Bình - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) lại khá ủng hộ việc thí điểm của Bộ GD&ĐT. Theo thầy Quốc Bình, chúng ta đang bước vào thời kỳ toàn cầu hóa nên ngoại ngữ rất quan trọng, nếu tập trung nhiều vào Tiếng Anh, Trung Quốc, Nga, Pháp, Nhật… là chưa đủ. Còn đối với Đức, Hàn Quốc là 2 quốc gia chúng ta có quan hệ về nhiều mặt. Nếu trở thành ngoại ngữ 1, dù trở thành ngoại ngữ 1 bắt buộc nhưng vẫn là lựa chọn từ học sinh. Ở nhiều nước còn có thêm quy định ngoại ngữ 2, ngoại ngữ 3 nữa chứ không riêng gì ngoại ngữ 1.

Theo thầy Quốc Bình, việc dạy Tiếng Đức trong trường học không phải là chuyện hiếm, bởi tại Hà Nội có một số trường dạy tiếng Đức có nhiều học sinh tham gia như THPT chuyên ngữ, THPT Việt Đức. Một số trường THCS cũng triển khai dạy ngoại ngữ 2 tiếng Đức và cả thí điểm Tiếng Hàn. Ở giai đoạn thí điểm của Bộ GD&ĐT thì phụ huynh cứ yên tâm, không nên hiểu theo nghĩa "bắt buộc", là bắt buộc học ngoại ngữ chứ không phải là bắt buộc phải học môn đó, lựa chọn hay không là do học sinh.

Việc tổ chức thí điểm, theo thầy Quốc Bình, chỉ tổ chức khi nhà trường có cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và học sinh theo học. Ví dụ như Trường THPT Việt Đức nếu như năm 2008 chỉ có 20 - 30 em học Tiếng Đức, đến năm 2018 đã có khoảng hơn 100 học sinh theo học... Trước chỉ học 2 tiết/tuần, sau này các em tự nguyện 6 - 8 tiết/tuần. Chúng tôi còn tư vấn các em học Tiếng Đức để có thêm văn hóa của nước ngoài, vốn ngoại ngữ, đi du học… Trước kia, mở ra Tiếng Hàn là khá lúng túng vì thiếu giáo viên. Có năm Tiếng Đức có học sinh nhiều quá cũng rơi vào tình trạng thiếu giáo viên.

"Có 7 ngoại ngữ để học sinh lựa chọn, đa dạng. Về mặt thuận lợi, xu hướng toàn cầu hóa, cha mẹ học sinh có kiến thức và hiểu biết, các nhà trường đã có cơ sở vật chất, có điều kiện về đội ngũ giáo viên. Có sự chuẩn bị tốt thì triển khai thí điểm rất thuận lợi. Bộ GD&ĐT cũng đã có bộ tiêu chí để thẩm định. Thí điểm không có nghĩa là ào ạt, chỉ có trường có nguyện vọng thí điểm có kế hoạch, lấy ý kiến phụ huynh, khi có đủ học sinh thì được Sở phối hợp để triển khai. Không có khó khăn gì lắm, vì chỉ là thí điểm và chỉ có thể ở là một số trường nào đó", thầy Nguyễn Quốc Bình chia sẻ.

Ngày 9/2/2021, Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 712/QĐ-BGDĐT về Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) môn Tiếng Hàn, Tiếng Đức - ngoại ngữ 1 hệ 10 năm thí điểm. Trong phần đặc điểm môn học có nêu rõ: Môn Tiếng Hàn là ngôn ngữ 1 “bắt buộc” trong chương trình GDPT, giảng dạy từ lớp 3 đến lớp 12. Bộ GD&ĐT cho biết, sau thời gian dạy thí điểm là ngoại ngữ 1, Bộ sẽ đánh giá tính hiệu quả và khả thi, qua đó xem xét việc đưa hai môn học Tiếng Hàn, Tiếng Đức chính thức trở thành Ngoại ngữ 1 trong chương trình GDPT và thực hiện bình đẳng như các môn ngoại ngữ 1 khác.

Quang Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/tieng-duc-tieng-han-la-mon-ngoai-ngu-bat-buoc-co-phu-hop-20210309081903839.htm