Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo pháp luật

TS. Nhị Lê, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

BPO - “Đảng ta là một Đảng cầm quyền… phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(1). “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội...”(2).

Đó là hai phương diện pháp lý và đạo lý làm nên tư cách, vị thế của Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, với tư cách là một Đảng duy nhất cầm quyền.

Nhưng, dù hơn 77 năm, Đảng cầm quyền vẫn luôn là vấn đề hết sức mới mẻ, vô cùng phức tạp và cực kỳ hệ trọng. Năm 2016, với kinh nghiệm dày dạn lãnh đạo, cầm quyền phong phú của mình, Đảng vẫn khẳng định: “Tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về đảng cầm quyền, xác định rõ mục đích cầm quyền, phương thức cầm quyền, nội dung cầm quyền, điều kiện cầm quyền; vấn đề phát huy dân chủ trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền; các nguy cơ cần phải phòng ngừa đối với đảng cầm quyền”(3).

Đặc biệt, chưa bao giờ như hiện nay, sự tiếp tục của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ đất nước, xét cả về quy mô, tính chất và chiều sâu của nó, nhất là xây dựng và phát triển Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng… đang thách thức vị thế, vai trò của Đảng. Thế giới toàn cầu hóa sau đại dịch Covid-19 càng biến đổi khôn lường. Chiến tranh bùng phát, dù cục bộ nhưng gây ảnh hưởng, chấn động toàn cầu. Sự phát triển rút ngắn, mang tính lịch sử ngắn hạn, với xung lực của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ 4.0 đã và đang “đảo lộn” cơ cấu, trật tự và đang sắp xếp lại thế giới…

Trong toàn bộ công cuộc lãnh đạo, cầm quyền của mình, vấn đề hành xử với thế giới nói chung; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, theo phương châm nắm chắc luật pháp để cầm quyền, bảo đảm sự thống nhất giữa vai trò, trách nhiệm lãnh đạo với đòi hỏi thượng tôn pháp luật xứng đáng với sự nghiệp đổi mới xã hội chủ nghĩa, phù hợp với lộ trình và nhịp độ hội nhập đời sống quốc tế trở thành vấn đề quan thiết, nóng bỏng và mang tầm chiến lược, trong tư cách vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, vừa là đứa con nòi của dân tộc ta, trên con đường đất nước vượt lên với khát vọng hùng cường, trong tầm nhìn tới năm 2030 và năm 2045.

Hơn 92 năm qua, sự lựa chọn của lịch sử và vị thế lịch sử, năng lực của Đảng, dù qua nhiều thăng trầm nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xứng đáng là lực lượng duy nhất lãnh đạo cách mạng. Và hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam duy nhất vừa có vai trò lãnh đạo vừa có vai trò cầm quyền. Nghĩa là thực thi đồng thời hai loại quyền lực: quyền lực chính trị (lãnh đạo) và dẫn dắt quyền lực nhà nước (cầm quyền). Đó là những quyền nhìn trên cả hai phương diện pháp lý và đạo lý; và sự thật lịch sử không gì bác bỏ được và không ai bôi nhọ được.

Quyền lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng được lịch sử lựa chọn và thừa nhận bởi nhân dân. Và, khi trở thành Đảng cầm quyền thì vai trò lãnh đạo đó được chế định trong Hiến pháp.

Và, là tự nhiên và tất yếu, 77 năm trong lịch sử 92 năm của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Quyền lực chính trị của Đảng được quy định tại Điều 4 Hiến pháp năm 2013, là quyền lực của một tổ chức chính trị “đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc”, là “đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam”; Đảng thực thi quyền lực chính trị của các giai cấp, tầng lớp, lực lượng xã hội mà mình đại diện bằng cách định hướng và dẫn dắt Nhà nước, để thông qua Nhà nước, bằng Nhà nước, hiện thực hóa quyền, lợi ích và ý chí của lực lượng xã hội mà Đảng là đại diện trung thành; Đảng kết tinh, thể hiện vị trí, phẩm giá và danh dự đất nước trên trường quốc tế, với tư cách là một Đảng cầm quyền.

Qua hơn 92 năm, dù dưới hình thức lãnh đạo nào, ở bất cứ thời kỳ nào, đặc trưng xuyên suốt của quyền lực lãnh đạo được thực thi, thể hiện và xác tín rằng, Đảng lãnh đạo bằng sự thuyết phục của mục tiêu chính trị - độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội và hấp dẫn bởi giá trị “là trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại” (V.I.Lênin), “là đạo đức, là văn minh”, “là con nòi của giai cấp lao động” (Hồ Chí Minh); bởi lý tưởng mà Đảng lựa chọn và hy sinh: “Không có mục đích nào khác, ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân”, kết tinh ở Cương lĩnh chính trị, đường lối chính trị; bằng tính tiên phong, gương mẫu hy sinh của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên của Đảng; bằng sự vận động, thuyết phục nhân dân qua hành động của đảng viên; tập trung cao nhất bằng sự ảnh hưởng, hấp dẫn và tỏa sáng một cách tự nhiên của Đảng - một thực thể chính trị trong xã hội trong cuộc cạnh tranh của các đảng phái chính trị và những thực thể chính trị khác.

Với tư cách là một Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo bằng kiến tạo tầm nhìn chiến lược phù hợp thời đại và xu thế phát triển của dân tộc, xuất phát từ dân tộc(4).

Về tất yếu cầm quyền và tính chính trị cầm quyền: Để xứng đáng là đội tiên phong chính trị của giai cấp, của dân tộc về trí tuệ và đạo đức, về bản lĩnh và văn hóa, trước hết là văn hóa chính trị, Đảng phải tự mình trưởng thành xứng đáng với dân tộc, không ngừng đổi mới, chống giáo điều, bảo thủ, trì trệ hoặc chủ quan, nóng vội dưới mọi hình thức, không đổi mới vô nguyên tắc. Các quyết sách chính trị phải phản ánh đúng quy luật khách quan và yêu cầu của thực tiễn, phù hợp nguyện vọng của nhân dân và sự phát triển của thế giới. Tất cả nhằm bảo vệ vô điều kiện lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc và nhân dân, với tư cách “là con nòi” của nhân dân. Nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ của toàn Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, trực tiếp và quyết định là cấp chiến lược; không dao động trong bất cứ tình huống nào. Nói khái lược, mục tiêu chính trị cầm quyền cao nhất của Đảng là, Đảng lãnh đạo để nhân dân là chủ và làm chủ đất nước.

Về nguyên tắc chính trị: Đảng giữ vị thế, vai trò lãnh đạo trực tiếp hệ thống chính trị và toàn xã hội, quyết không chia sẻ quyền lãnh đạo chính trị tất yếu đó cho bất cứ một lực lượng chính trị nào. Kiên định, phát triển độc lập, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trên thực tế Việt Nam, phù hợp với yêu cầu phát triển của thời đại, với mục tiêu bất di bất dịch: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Về nghệ thuật cầm quyền: Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và MTTQ Việt Nam. Ở đây, vấn đề trở nên cấp bách hơn hết bao giờ, Đảng hóa thân trong Nhà nước, trong hệ thống chính trị và trong xã hội(5), để thực thi sự cầm quyền của mình, thông qua đường lối chính trị, tổ chức đảng và đảng viên của mình, một cách dân chủ tập trung, công khai, minh bạch và thượng tôn pháp luật, chứ không phải bên cạnh hay ở trên… một cách đơn giản, cứng nhắc, chồng chéo và cơ học - nguồn gốc nảy nòi của các bệnh hoạn cầm quyền: vừa áp đặt quyền lực nhưng vừa bỏ trống quyền lực, lại vừa buông lỏng và lạm dụng quyền lực. Nói cách khác, đó là quá trình pháp luật hóa công việc lãnh đạo và tổ chức thực thi quyền lực chính trị của Đảng đối với Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội và toàn xã hội.

Đến lượt mình, Đảng gương mẫu thực thi nghiêm các quyền lực chính trị của mình và tự kiểm soát quyền chính trị theo Hiến định, luật định, nguyên tắc của Đảng và sự giám sát của nhân dân; không dung thứ bất cứ ai, tổ chức đảng nào đứng ngoài hoặc trên kỷ luật của Đảng và pháp luật, tổ chức chính trị, xã hội nào đứng trên hay đứng ngoài pháp luật. Nắm giữ hai tư cách quyền lực như thế, việc kiểm chứng và xác tín quyền lực chính trị của Đảng trước hết, dù với tư cách nào, đều được chế định tại Điều 4 Hiến pháp năm 2013. Khi Đảng “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” thì Đảng là một chủ thể lãnh đạo, thực thi quyền lực chính trị của giai cấp mà Đảng đại diện, chứ không phải là một chủ thể thực thi quyền lực nhà nước, dù trên thực tế, là Đảng duy nhất lãnh đạo và cầm quyền, có vai trò quyết định trong quá trình tổ chức ra Nhà nước. Đây là vấn đề căn bản, không thể lầm lẫn. Mặt khác, quyền lực của Đảng khi là “lực lượng lãnh đạo”, thì nó được giới hạn bởi quyền lực của Nhà nước. Bởi, Đảng không phải là Nhà nước, nên không được phép làm thay công việc của Nhà nước. Cương lĩnh chính trị, đường lối chính trị của Đảng được thể chế hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước và việc xây dựng, tổ chức thực thi và bảo vệ pháp luật là công việc của Nhà nước mà Đảng, với tất cả tổ chức và đảng viên của Đảng, có nghĩa vụ và quyền lợi gương mẫu chấp hành, không có ngoại lệ, không đứng trên hay bên cạnh luật pháp.

Đó chính là thước đo tính đúng đắn, khả thi, sức mạnh và hấp lực của cương lĩnh chính trị, đường lối chính trị của Đảng được pháp luật hóa, với ba tính chất: chính danh, chính pháp và chính năng của người lãnh đạo, cầm quyền dẫn dắt dân tộc.

Đó cũng là nội dung lãnh đạo, cầm quyền cốt lõi đòi hỏi sự tương dung của phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng để nhân dân là chủ và làm chủ trực tiếp và bằng Nhà nước, thông qua Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội của nhân dân bởi luật pháp. Đến lượt nó, phương thức lãnh đạo, cầm quyền phải thể hiện đúng đắn bất cứ ai, bất cứ tổ chức nào dù của Đảng hay Nhà nước tuyệt đối không được đứng trên nhân dân, đứng trên pháp luật và đứng ngoài Nhà nước, như không ít người cố tình hiểu sai và hành động lệch lạc hoặc một số ai đó xuyên tạc và bôi nhọ. Đó cũng chính là mục tiêu cầm quyền duy nhất và tối cao của công việc cầm quyền cốt tử của Đảng và Đảng chịu trách nhiệm lịch sử trước Nhà nước và nhân dân về quyền lãnh đạo chính trị của mình đối với Nhà nước và xã hội được pháp luật xác quyết và phát triển trên nền tảng luật pháp.

Không có mục tiêu, con đường hay cứu cánh nào khác trong toàn bộ lịch sử và đời sống, về sự hiện diện và phát triển tự nhiên của Đảng trong tư cách một Đảng lãnh đạo, cầm quyền chính danh và chính pháp ở nước ta.

(còn nữa)

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr.611.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.88.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, 2016, tr. 217.

(4) Xem Nhị Lê: Tầm nhìn chiến lược, định vị và phát triển Việt Nam, NXB Lý luận chính trị, Hà Nội, 2020, tr.406-416.

(5) Nhị Lê: Về sự cầm quyền của Đảng, Tạp chí Cộng sản, số 16, 8-2006, tr.44.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/138053/tiep-tuc-doi-moi-phuong-thuc-lanh-dao-cua-dang-theo-phap-luat