'Tiết kiệm tiền lẻ, chia sẻ khó khăn'

Tôi đã rất ngạc nhiên khi bắt gặp chiếc hộp kính đựng tiền tại nhà chỉ huy của Đồn Biên phòng Tam Giang Tây, BĐBP Cà Mau. Chiếc hộp được đặt ở nơi rất dễ nhìn thấy với dòng chữ 'Tiết kiệm tiền lẻ, chia sẻ khó khăn'. Hỏi ra mới biết, đây là mô hình mà đơn vị triển khai thực hiện với mục đích hết sức ý nghĩa - tạo nguồn vốn giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn có được sinh kế lâu dài.

Thiếu tá Nguyễn Đình Thắng (bên phải) cùng cán bộ của đơn vị kiểm đếm số tiền trong hộp tiết kiệm để đem đi trao tặng gia đình anh Kia. Ảnh: Bích Nguyên

Thiếu tá Nguyễn Đình Thắng (bên phải) cùng cán bộ của đơn vị kiểm đếm số tiền trong hộp tiết kiệm để đem đi trao tặng gia đình anh Kia. Ảnh: Bích Nguyên

Nguồn vốn nghĩa tình

Theo con đường bê tông sát mé kênh, vượt qua mấy cây cầu vồng, chúng tôi đi sâu vào ấp Chợ Thủ B, xã Tam Giang Tây, rồi dừng lại trước ngôi mới tinh. Người phụ nữ có vóc dáng nhỏ nhắn, da sạm đen vì nắng gió hồ hởi, mừng ra mặt khi chúng tôi tới nhà mà không hẹn trước. “Mấy chú vào đây uống nước. Sao xuống mà không nói trước để tôi chuẩn bị thứ gì đó mần ăn” - bà Tô Thị Bé bắt tay từng người mời vào nhà.

Bà Bé năm nay 66 tuổi, còn chồng bà đã 82 tuổi. Bao năm vật lộn với những lo toan của cuộc sống, năm vừa rồi, ông bà mới được hưởng niềm vui ở trong ngôi nhà mới vững chắc. Trước đây, vợ chồng bà ở trong ngôi nhà lá ọp ẹp. Mỗi lần mưa xuống, nước lênh láng, ngập cả sàn nhà. “Nhà cũ của tôi, cột kèo hư cả. Trời mưa gió, người ta ở trong nhà, còn chúng tôi phải chạy ra ngoài vì sợ nhà đổ lúc nào không biết” - bà Bé kể. Cuộc sống quá khốn khó, bà Bé không dám mơ về một ngôi nhà mới.

Thế rồi, Ban Từ thiện xã hội Phật giáo tỉnh Cà Mau biết được hoàn cảnh của bà Bé đã hỗ trợ kinh phí làm nhà, còn những người lính Biên phòng giúp gia đình san đắp nền nhà. Chỉ trong khoảng thời gian 1 tháng, ngôi nhà khung thép tiền chế đã được dựng xong. Vợ chồng bà Bé dọn vào nhà mới trong sự vui mừng, phấn khởi. “Tôi 82 tuổi rồi mới được ở trong ngôi nhà khang trang như thế này. Có được căn nhà này, vợ chồng tôi mừng lắm. Mưa gió, trong nhà không bị ngập nước nữa, chúng tôi ngủ nghỉ rất thoải mái” - chồng bà Bé bộc bạch.

Gia cảnh của bà Bé rất khó khăn, bởi hai ông bà đều đã lớn tuổi, không còn sức lao động, lại phải lo cho 2 cháu ngoại, một cháu 16 tuổi, một cháu 14 tuổi. Bà Bé kể: “Con gái tôi mất cách đây 4 năm, còn chồng nó bỏ đi từ 12 năm trước. Chúng tôi quá nghèo nên cháu lớn đã phải nghỉ học, giờ đi ghe cho cậu nó. Còn cháu gái đang học lớp 7. Nó ngoan, học giỏi nên vợ chồng tôi cố sức nuôi nó ăn học”.

Những người lính Biên phòng đồng cảm với người phụ nữ đã ở cái tuổi “gần đất xa trời” nên thường xuyên ghé thăm, động viên và giúp đỡ. “Lúc này, cuộc sống của chúng tôi đỡ hơn trước nhiều nhờ có các chú Biên phòng phụ giúp. Số tiền các chú gửi tặng, vợ chồng tôi mua vịt xiêm về nuôi. Một đàn vịt chỉ cần nuôi 45 ngày. Xoay qua, xoay lại là được bán, mau lắm. Mỗi tháng, tôi bán 2 đợt, mỗi đợt được 300-400 ngàn đồng” - bà Bé hồ hởi khoe với chúng tôi.

Nhân rộng niềm vui

Cũng trong buổi sáng hôm ấy, những người lính Đồn Biên phòng Tam Giang Tây đã đưa tôi đi đò qua sông Tam Giang đến thăm nhà vợ chồng anh Trần Văn Kia ở ấp Mai Vinh, xã Tam Giang Đông. Gia cảnh của anh Kia cũng giống như bà Bé, rất nghèo khó, vất vả. Ngôi nhà mà vợ chồng anh đang ở là nhà mượn của chủ một vuông tôm. Không đất canh tác, không ghe thuyền, vợ chồng anh Kia quanh năm suốt tháng đi làm thuê, làm mướn để kiếm sống. Cuộc sống làm lụng vất vả hằn rõ trên khuôn mặt khắc khổ, làn da đen sạm của anh. Anh Kia kể: “Ai mướn gì, tôi làm đó, từ đắp bờ, đốn cây tới be bờ, san nền, làm hồ. Vợ chồng tôi gắng bươn chải để nuôi con”.

Vợ chồng anh Kia có hai con trai, một học lớp 12, một học lớp 5. Riêng việc lo tiền học cho các con đã là một gánh nặng với vợ chồng anh, bởi thu nhập mỗi ngày của anh rất bấp bênh. Anh Kia cho biết: “Tôi đi be bờ thuê được 100 ngàn đồng tới 200 ngàn đồng nhưng không phải hôm nào cũng có việc”. Bởi thế, có sinh kế ổn định là điều mà vợ chồng anh mong mỏi nhất. Anh tâm sự: “Khó khăn nhất là không có đất canh tác. Càng ngày, tuổi tôi càng lớn, sức khỏe yếu đi, không làm việc nặng nhọc mãi được. Tôi chỉ mong có được nguồn sống ổn định”.

Chị Nương mừng rỡ nhận số tiền hỗ trợ do Đồn Biên phòng Tam Giang trao tặng. Ảnh: Bích Nguyên

Chị Nương mừng rỡ nhận số tiền hỗ trợ do Đồn Biên phòng Tam Giang trao tặng. Ảnh: Bích Nguyên

Trong làn gió biển mát rượi, Thiếu tá Nguyễn Đình Thắng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tam Giang trân trọng trao số tiền hỗ trợ vợ chồng anh Kia. “Cảm ơn các anh. Trước mắt, vợ chồng tôi sẽ dùng số tiền này mua thêm gà, vịt giống về nuôi” - anh Kia vui vẻ nói. Nhìn ánh mắt, nét mặt của chị Nương, vợ anh Kia, tôi có thể cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc của người phụ nữ nhận được sự giúp đỡ của những người lính Biên phòng.

Chia tay vợ chồng anh Kia, đi qua cây cầu khỉ, chúng tôi lên xe máy chạy về Đồn Biên phòng Tam Giang Tây trong niềm vui lâng lâng. Vậy là có thêm một gia đình nữa được những người lính Biên phòng trao tặng nguồn vốn để phát triển kinh tế gia đình. Bây giờ, Thiếu tá Nguyễn Đình Thắng mới có thời gian kể cho tôi nghe về nguồn gốc của chiếc hộp “Tiết kiệm tiền lẻ, chia sẻ khó khăn” của đơn vị. Anh cho hay: “Mỗi lần xuống địa bàn, chúng tôi đều bắt gặp những cảnh đời khó khăn. Điều đó khiến chúng tôi luôn trăn trở, tìm cách để giúp đỡ những người nghèo khó. Anh em trong đơn vị thảo luận và quyết định làm một chiếc hộp rồi khóa lại. Anh em sau khi lĩnh lương hay chi tiêu việc gì đó, có tiền lẻ sẽ bỏ vào chiếc hộp đó. Cứ vài tháng, chúng tôi mở hộp một lần, kiểm đếm số tiền tiết kiệm được rồi trao tặng một hộ dân khó khăn, có ý chí vươn lên để họ làm vốn phát triển kinh tế gia đình”.

Mô hình “Tiết kiệm tiền lẻ, chia sẻ khó khăn” do Đồn Biên phòng Tam Giang Tây triển khai tính đến nay đã được hơn 1 năm. Tôi không rõ đã có bao nhiêu hộ gia đình được đơn vị giúp đỡ từ mô hình này, chỉ biết rằng, nó sẽ tiếp tục được nhân rộng để nhân lên những niềm vui như Thiếu tá Thắng khẳng định. Đó cũng là một cách để những người lính Đồn Biên phòng Tam Giang Tây tri ân những người dân đã đồng hành, sát cánh cùng họ giữ gìn chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc.

An Nhiên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tiet-kiem-tien-le-chia-se-kho-khan-post439158.html