Tinh giản chương trình, giảm áp lực cho học sinh

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 đang đến rất gần, nhưng vào thời điểm này, hầu hết học sinh trên cả nước vẫn nghỉ học kéo dài do dịch Covid-19. Để giảm áp lực cho học sinh lớp 12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã xây dựng kế hoạch tinh giản một số nội dung trong chương trình. Cùng với đó, nhiều trường đại học cũng chủ động thay đổi phương án tuyển sinh để thích ứng với tình hình mới.

Tăng cường nâng cao chất lượng dạy và học

Để bảo đảm chương trình giáo dục trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT đã hai lần điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020. Nếu như những năm trước đây, tháng 6 là thời điểm học sinh thi THPT quốc gia thì năm nay, Bộ GD&ĐT điều chỉnh thời điểm kết thúc năm học được lùi đến trước ngày 15-7, thi THPT quốc gia từ ngày 8 đến 11-8, chậm hơn một tháng rưỡi so với mọi năm. Dù có chút lo lắng nhưng em Nguyễn Đỗ Thành Hưng, học sinh lớp 12, Trường THPT Lạc Long Quân (tỉnh Hòa Bình) cho rằng: “Kế hoạch năm học của bộ được lùi chứ không bị co lại nên chắc chắn sẽ có đủ thời gian để học sinh ôn tập. Hiện tại, em duy trì cách học online, trên truyền hình, học nhóm từ 3 đến 4 bạn và sắp xếp thời gian biểu khoa học để giảm áp lực tâm lý”.

Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, hiện nay, các sở đã tiến hành rà soát, tinh giản nội dung dạy học, tăng cường triển khai dạy học qua internet, trên truyền hình. Tại tỉnh Bắc Giang, học sinh lớp 12 vẫn duy trì lịch học ở trường vào các buổi sáng hằng tuần. Bà Trần Thúy Hoàn, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang cho biết: “Sở đã có công văn hướng dẫn các nhà trường tập trung ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2020; yêu cầu các nhà trường nâng cao chất lượng dạy học và kiểm tra đánh giá kỹ năng vận dụng kiến thức của học sinh; hoàn thành chương trình giáo dục phù hợp với khung kế hoạch thời gian năm học, không được cắt xén, dồn ép chương trình”.

Các thí sinh sau khi hoàn thành kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.

Các thí sinh sau khi hoàn thành kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.

Ông Lưu Văn Xuân, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Sĩ Liên (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) cho biết: “Sau khi có công văn hướng dẫn của bộ, của sở, nhà trường đã triển khai rà soát chương trình học, tinh giản những nội dung mang tính chất nâng cao, tập trung vào kiến thức cơ bản để ôn tập cho các em lớp 12; đồng thời, tăng cường dạy học online, động viên học sinh ôn tập theo hình thức tại nhà. Chúng tôi cũng đang chờ đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT để học sinh, giáo viên thuận lợi trong ôn tập, chuẩn bị tốt cho kỳ thi THPT quốc gia”.

Chủ động thay đổi phương án tuyển sinh

Do tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và khung kế hoạch năm học điều chỉnh, vì vậy các mốc tuyển sinh đại học cũng sẽ thay đổi theo. Để thích ứng với tình hình mới, thời điểm này, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã chủ động lên kế hoạch dự phòng phương án tuyển sinh.

Năm 2020, Trường Đại học Duy Tân (TP Đà Nẵng) có 3 phương thức xét tuyển là: Xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT và theo đề án tuyển sinh của trường; xét kết quả kỳ thi THPT quốc gia; xét kết quả học bạ THPT lớp 12. Dựa vào thời gian thi THPT quốc gia, Trường Đại học Duy Tân sẽ phải lùi thời gian xét tuyển. TS Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân cho biết: “Chất lượng thí sinh phụ thuộc vào kết quả thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, thời điểm này, nhà trường đã chủ động lên phương án để nâng chất lượng đầu vào bằng cách tặng học bổng cho sinh viên tài năng như: Miễn học phí 4 năm học, miễn học phí các chương trình đào tạo cấp bằng quốc tế, miễn học phí 20%”.

Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng đưa ra 3 phương thức xét tuyển như Trường Đại học Duy Tân. Tuy nhiên, nhà trường vẫn giữ phần lớn chỉ tiêu để xét tuyển theo phương thức xét kết quả thi THPT quốc gia. Ngoài việc lùi thời gian xét tuyển, năm nay Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội chuẩn bị phương án để tổ chức xét tuyển theo phương thức mới sẽ áp dụng vào năm 2021 trở đi và có thể thử nghiệm ngay trong năm 2020. Cụ thể, bên cạnh 3 phương thức xét tuyển nêu trên, nhà trường sẽ tổ chức một kỳ thi sát hạch trình độ cho tất cả thí sinh, dự kiến diễn ra trước kỳ thi THPT quốc gia thay cho kỳ thi sát hạch riêng đối với thí sinh đã đỗ vào trường khi có kết quả của kỳ thi THPT quốc gia như mọi năm.

Lý giải về thay đổi này, PGS, TS Huỳnh Quyết Thắng, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng: “Việc bổ sung thêm một kỳ thi sát hạch nhằm mục đích thu hút số lượng thí sinh giỏi, chất lượng cao để từ đó nhà trường đánh giá được toàn diện năng lực của sinh viên. Hiện, nhà trường đang chuẩn bị trình và chờ Bộ GD&ĐT phê duyệt phương án này. Sau khi được bộ phê duyệt, chúng tôi sẽ công bố những bài thi mẫu chi tiết của kỳ thi sát hạch, giúp các em yên tâm học tập”.

Chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho thí sinh

Theo lịch trình của mọi năm, tháng 4 là thời điểm học sinh làm thủ tục đăng ký xét tuyển đại học. Nhưng trong điều kiện kỳ thi THPT quốc gia năm nay diễn ra muộn hơn, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, các mốc thời gian xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ lùi, nhưng kế hoạch tuyển sinh dự kiến vẫn sẽ kết thúc như các năm trước, vào ngày 31-12. Việc tuyển sinh từ cuối tháng 8 đến tháng 12 không ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh, các cơ sở giáo dục đại học vẫn chủ động điều chỉnh kế hoạch và thực hiện được. Bộ GD&ĐT chỉ ban hành kế hoạch tuyển sinh đợt một, áp dụng chung đối với các trường xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia. Căn cứ vào kết quả tuyển sinh đợt một và thời gian còn lại, các trường chủ động xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch các đợt tuyển sinh tiếp theo.

Được biết, Bộ GD&ĐT cố gắng giảm 5-7 tuần học so với chương trình hiện nay. Tuy nhiên, việc tinh giản không thực hiện cơ học và phải bảo đảm cung cấp đầy đủ kiến thức nền tảng, cốt lõi của chương trình cho học sinh, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình. Đề thi THPT quốc gia năm 2020 sẽ dựa trên chương trình giảm tải. Bộ GD&ĐT đang xây dựng đề thi tham khảo và sớm công bố trong thời gian tới.

Bộ GD&ĐT, các địa phương đã có những phương án tốt nhất để bảo đảm cho kỳ thi THPT quốc gia diễn ra tốt đẹp. Các trường đại học cũng sẽ đưa ra những phương án tối ưu để tạo mọi điều kiện cho thi sinh trong mùa tuyển sinh năm 2020. PGS, TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: “Trong bối cảnh hiện tại, các em có rất nhiều điều kiện để tự học như: Qua internet, trên truyền hình cùng sự giúp đỡ của thầy cô. Các em cần lên kế hoạch học tập chi tiết, khoa học và quan trọng là kiểm soát những suy nghĩ lo lắng, duy trì thật tốt cả sức khỏe tinh thần và thể chất để sẵn sàng bước vào kỳ thi sắp tới”.

Bài và ảnh: NGUYỄN HOÀI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/tinh-gian-chuong-trinh-giam-ap-luc-cho-hoc-sinh-613639