Tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022 theo phương án mới

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ được đổi mới để đảm bảo độ tin cậy khi xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học. Ảnh:THÚY HẰNG

Bộ GD-ĐT vừa có hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022. Trong đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ theo phương án được xây dựng cho giai đoạn 2022-2025, đảm bảo trung thực, khách quan, có độ tin cậy và sự phân hóa để xét tốt nghiệp THPT, đồng thời đánh giá chất lượng giáo dục ở bậc phổ thông.

Đổi mới thi

Với định hướng này, Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở GD-ĐT tăng cường chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ ở trường phổ thông theo định hướng đánh giá năng lực, bảo đảm sự đồng bộ và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, hiện Bộ GD-ĐT chưa công bố phương án cụ thể tổ chức kỳ thi cho giai đoạn 2022-2025 nên phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2022 ra sao là câu hỏi được rất nhiều người đặt ra, nhất là sau khi điểm chuẩn trúng tuyển đại học năm nay tăng mạnh.

Tại hội nghị về giáo dục đại học năm 2021 do Bộ GD-ĐT tổ chức hồi tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ phải thay đổi để năng động hơn, thích nghi với bối cảnh dịch bệnh. Việc đổi mới này sẽ theo hướng tăng cường phân cấp cho địa phương. Theo Bộ trưởng GD-ĐT, năm 2022 sẽ là năm có tính giao thời để chuẩn bị thực hiện đổi mới toàn diện vào các năm sau nữa. Bộ GD-ĐT sẽ lấy ý kiến các đơn vị để hoàn thiện phương án cụ thể về đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh trong thời gian tới.

Thực tế các kỳ thi tốt nghiệp THPT trong những năm qua đã có sự điều chỉnh theo hướng giao cho các địa phương chủ động tổ chức và chịu trách nhiệm ở tất cả các khâu. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT vẫn đảm nhiệm việc ra đề chung cho toàn quốc với hai mục đích là xét tốt nghiệp THPT và tuyển đại học, cao đẳng. Chính vì điều này nên kỳ thi vẫn căng thẳng, cồng kềnh. Đặc biệt là mùa tuyển sinh đại học năm 2021, điểm chuẩn tăng mạnh, điều đó khiến dư luận đặt câu hỏi liệu kỳ thi tốt nghiệp THPT có còn phù hợp để làm căn cứ tuyển sinh?

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ được Bộ GD-ĐT thay đổi để đảm bảo độ tin cậy và phân hóa được sức học của thí sinh. Ảnh: THÚY HẰNG

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ được Bộ GD-ĐT thay đổi để đảm bảo độ tin cậy và phân hóa được sức học của thí sinh. Ảnh: THÚY HẰNG

Khâu đề thi phải làm tốt hơn

Từ kết quả thi năm 2021, nhiều người cho rằng, điểm thi tốt nghiệp THPT ngày càng không thật sự phù hợp để phân loại học sinh giỏi, xuất sắc nhằm mục tiêu xét tuyển đại học, nhất là với các ngành hot, trường tốp trên. Nguyên nhân là do đề thi THPT có tính phân hóa chưa mạnh, dẫn đến kết quả điểm thi chưa phân loại được sức học của thí sinh. Nhiều thí sinh sau khi biết kết quả thi tốt nghiệp THPT với điểm số cao liền điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào các trường thuộc tốp đầu, tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt, điều này dẫn đến tình trạng dù điểm cao nhưng rất dễ trượt nguyện vọng 1.

Thực tế tuyển sinh những năm gần đây cho thấy, đa số các trường đều có nhiều phương thức tuyển sinh khác bên cạnh xét tuyển theo điểm kỳ thi tốt nghiệp như xét điểm học bạ, xét các chứng chỉ quốc tế, xét tuyển thẳng học sinh trường chuyên, tuyển thẳng thí sinh từ các kỳ thi học sinh giỏi… Dù đưa ra nhiều phương thức tuyển sinh, nhưng hầu hết vẫn phụ thuộc rất lớn vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, bởi đây là cách tiết kiệm, hiệu quả và chưa thể thay thế. Do đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn cơ bản gánh vác trọng trách tuyển sinh đại học. Tuy nhiên, theo nhiều người, khâu đề thi phải làm tốt hơn. Là Tổ trưởng Tổ Ngữ văn Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, ThS Hồ Tấn Nguyên Minh nhiều lần thẳng thắn chia sẻ khi nhận xét về đề thi tốt nghiệp THPT rằng phương pháp thi “2 trong 1” trong những năm qua vẫn theo lối mòn cũ, chưa có gì phá cách, nhất là chưa có sự phân loại mạnh mẽ sức học của mỗi thí sinh.

Nhiều chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, việc thay đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT và phương thức tuyển sinh của các trường trong năm 2022 là điều cần làm để tạo tính công bằng trong quá trình học và thi.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay không phải là kỳ thi cạnh tranh sàng lọc vào đại học, muốn bỏ kỳ thi này phải sửa Luật Giáo dục đại học sửa đổi và bổ sung. Thực tế rất khó để tổ chức một kỳ thi thỏa mãn cả hai mục đích, do đó việc điều chỉnh sẽ được thực hiện trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn

THÚY HẰNG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/264763/to-chuc-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2022-theo-phuong-an-moi.html