Tổn thương nặng tầng sinh môn, phải nhập viện cấp cứu vì bị ... trâu húc

Trong lúc đi chăn trâu, bà V.T.T ở Vĩnh Phúc đã bị trâu lồng húc ngã, bị tổn thương nặng tầng sinh môn... phải nhập Bệnh viện Việt Đức cấp cứu.

Sáng 23/9, thông tin từ Bệnh viện Việt Đức cho biết các bác sĩ của bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho trường hợp người bệnh bị tổn thương nặng vùng tầng sinh môn bao gồm âm đạo, hậu môn trực tràng do trâu húc.

Trước đó, bà V.T.T (56 tuổi, Vĩnh Phúc) trong lúc đi chăn trâu đã bị trâu lồng húc ngã, sau đó tiếp tục húc vào vùng tầng sinh môn gây chảy máu.

Các bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức thăm khám lại cho bệnh nhân sau phẫu thuật do bị trâu húc

Các bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức thăm khám lại cho bệnh nhân sau phẫu thuật do bị trâu húc

Người bệnh được gia đình nhanh chóng đưa đi cấp cứu tại bệnh viện tỉnh, khâu vết thương cầm máu sau đó chuyển Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng tỉnh táo, mạch huyết áp ổn định, tổn thương bầm tím xung quanh hậu môn, tầng sinh môn, có lỗ thủng thành trước trực tràng và thành sau âm đạo.

Qua thăm khám các bác sĩ chẩn đoán người bệnh tổn thương rách âm đạo trực tràng tầng sinh môn do trâu húc, vết thương đã khâu kín nên được chỉ định mổ cấp cứu đánh giá thương tổn và xử lý. Trong mổ các bác sĩ thấy ở tầng sinh môn tại vị trí 5 giờ có vết thương dài 7cm, đứt bán phần cơ thắt ngoài lóc lên trên gây rách thành sau âm đạo dài 5cm.

Do vết thương bị bẩn nên bác sĩ phải mở cắt lọc lại, khâu cầm máu và để hở da, đưa đại tràng phía trên ra làm hậu môn nhân tạo.

Hiện sau mổ tình trạng bà T. đã ổn định, hậu môn nhân tạo hoạt động tốt, vết thương sạch, được tiếp tục dùng kháng sinh và chăm sóc thay băng vết thương hàng ngày tại khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn và Chăm sóc vết thương.

ThS.BS Phạm Vũ Hùng, trưởng tua trực và là người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân T. khuyến cáo: Vết thương/chấn thương do vật nuôi không hiếm trong cuộc sống hàng ngày, người dân có thể bị các loại tai nạn khác nhau với mức độ nặng nhẹ khác nhau.

Khi tiếp nhận người bệnh cần khai thác đầy đủ và tỉ mỉ, tìm hiểu cơ chế tai nạn giúp chẩn đoán và trước khi đưa ra quyết định can thiệp nhằm đem lại kết quả điều trị tốt nhất cho người bệnh. Đặc biệt các vết thương gây ra do vật nuôi như trâu, bò húc, chó, lợn cắn …thường có nhiễm bẩn cần được xử lý sớm và đúng cách tại cơ sở y tế đề phòng các biến chứng.

Với người dân chăm sóc chăn nuôi gia súc cũng nên cảnh giác đề phòng các vết thương do bị cắn, húc như trường hợp bà T. Đã có trường hợp người dân bị trâu húc tử vong khi chăn dắt gia súc do người bệnh già yếu.

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ton-thuong-nang-tang-sinh-mon-phai-nhap-vien-cap-cuu-vi-bi-trau-huc-169220923120033978.htm