Tranh Kim Hoàng gọi mùa xuân đến

Trong không gian đậm màu cổ xưa của Bảo tàng Hà Nội, nghệ nhân Đào Đình Trung người làng Kim Hoàng, xã Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) ngồi trầm ngâm trước những vuông giấy vàng tàu đang tỉ mẩn đưa từng nét vẽ trên bức tranh 'Thần kê'.

Thỉnh thoảng lại có khách đến ngắm những bức vẽ rực rỡ sắc màu được treo thành hàng dài bay phấp phới như đang trở về phiên chợ quê xưa sắm tranh chơi Tết. Chú tâm trong từng nét vẽ nhưng khi được hỏi chuyện, nét mặt anh Trung giãn ra, ngời lên niềm vui. Thế rồi anh say sưa kể về dòng tranh quý của làng mình với niềm tự hào.

Ngôi làng nhỏ Kim Hoàng được lập từ cuối thế kỷ 16 trên cơ sở sáp nhập hai làng Kim Bảng và Hoàng Bảng (thuộc tổng Hương Canh, huyện Từ Liêm, trấn Sơn Tây). Nằm trong vùng không gian văn hóa xứ Đoài, lại có truyền thống khoa bảng, Kim Hoàng lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa độc đáo, trong đó có dòng tranh đỏ nức tiếng một thời. Vào khoảng nửa sau thế kỷ 18, cụ tổ dòng họ Nguyễn Sĩ và dòng họ Nguyễn Thế đã tạo ra dòng tranh mới trên cơ sở kết hợp kỹ thuật và mỹ thuật từ hai dòng tranh Đông Hồ và Hàng Trống. Nhờ những đặc điểm riêng nổi trội về màu sắc nên tranh Kim Hoàng được nhân dân trong vùng yêu thích mua về treo trong dịp Tết. Qua gần hai thế kỷ thăng trầm, đến năm 1945, tranh Kim Hoàng không còn người làm nữa. Những bản khắc gỗ đa phần thất lạc, số còn lại nằm phủ bụi thời gian trong đình làng.

 Nghệ nhân Đào Đình Trung say sưa vẽ những bức tranh Kim Hoàng.

Nghệ nhân Đào Đình Trung say sưa vẽ những bức tranh Kim Hoàng.

Sinh ra ở Kim Hoàng, từ nhỏ, cậu bé Trung được nghe ông kể về những bức tranh chơi Tết để rồi xuýt xoa về một thời vang bóng. Hơn 30 năm sau, những gì trong tưởng tượng của anh mới trở thành hiện thực. Thật là duyên may khi có một người yêu tranh đã làm sống lại ký ức một thời vàng son của làng Kim Hoàng. Đó chính là nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội. Chị Hòa đã lặn lội đến các bảo tàng, gặp gỡ các nhà sưu tập để tìm kiếm những bản khắc gỗ cổ. Một vài mẫu tranh như: Phúc mãn đường, gà, lợn được tìm thấy tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Không quản vất vả, chị Hòa cất công sang tận Pháp sưu tầm lại những bức tranh in trong bộ sách của nhà nghiên cứu người Pháp Maurice Daurice. Nhờ giúp sức của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian và các nghệ nhân của làng Kim Hoàng, chị Hòa đã phục dựng được các mẫu tranh cổ. Khi chị dày công làm lại các bản khắc gỗ thì gặp anh Trung bày tỏ tâm nguyện được tiếp nối nghề cha ông. Thế là những bức tranh Kim Hoàng sau bao năm vắng bóng đã xuất hiện trở lại trong niềm vui mừng của dân làng và những người yêu nghệ thuật.

Theo lời tâm sự của anh Đào Đình Trung, tranh Kim Hoàng được người dân yêu mến bởi các đề tài thể hiện gần gũi với đời sống hằng ngày, như: Gà, lợn, ông Công ông Táo, đấu vật, hứng dừa… Mỗi dịp Tết đến, trong nhà treo bức tranh Kim Hoàng sẽ đem đến phúc, lộc may mắn cho gia chủ. Không những vậy, với màu sắc tươi mới, ấm áp, tranh còn giúp trấn yểm giữ nhà cửa ấm yên đón chào năm mới. Ví như bức vẽ hình tượng chú gà có bài thơ chữ Hán: “Thần kê ngũ đức thái phượng hình/ Đỉnh thượng Côn Lôn đẩu hoán thanh/ Quỷ khốc thần kinh tà tẩu tán/ Trấn chi môn hộ thọ trường sinh” (tạm dịch: Con gà có 5 đức, hình dáng như chim phượng/ Tiếng gáy vang động đỉnh Côn Lôn/ Quỷ khóc, thần sợ, tà ma bỏ chạy/ Trấn giữ cho gia đình khỏe mạnh, sống lâu). Bức tranh “Thần kê” với hàm ý tiếng gà gáy vào đầu xuân mới sẽ xua đuổi tà ma, mang may mắn đến cho gia đình.

Mộc mạc, giản dị như chính tâm hồn người dân quê nhưng tranh Kim Hoàng lại tạo được dấu ấn sâu đậm bởi sắc màu tươi tắn bừng sáng làm nền như đỏ cờ, hồng điều, vàng cam. Các màu vẽ đường nét như đen tuyền, phấn trắng, hồng đào, hoàng yến, xanh chàm… Đó là những màu tự nhiên được nghệ nhân khéo léo pha chế. Anh Đào Đình Trung cho biết: “Khác với tranh Hàng Trống in trên giấy xuyến, tranh Đông Hồ in trên giấy hồ điệp, tranh Kim Hoàng sử dụng giấy dó nhuộm màu đỏ làm nền. Do màu nền đậm nên rất khó để làm nổi hình vẽ. Chính vì vậy, quá trình phối màu phải rất khéo léo mới tạo ra được những bức tranh sinh động, đẹp mắt. Nếu tranh Đông Hồ được in úp thì tranh Kim Hoàng lại in ngửa bằng cách dùng bản khắc ốp vào giấy, sau đó lấy xơ mướp xoa nhẹ tạo nên những đường in sắc nét”.

Tranh Kim Hoàng hồi sinh sau bao năm vắng bóng. Những bức tranh khi đem đi triển lãm ở các bảo tàng, sự kiện văn hóa đã nhận được sự quan tâm của nhiều người. Tuy nhiên nhân lực để phát triển dòng tranh này vẫn là điều khó khăn. Hiện tại, cả làng Kim Hoàng chỉ có mình nghệ nhân Đào Đình Trung làm tranh. Trăn trở với dòng tranh quê hương, anh Trung đang nỗ lực khôi phục lại các mẫu tranh cổ, đồng thời tích cực in tranh phục vụ nhu cầu của người thưởng thức. Tranh Kim Hoàng có khoảng 100 mẫu, hiện tại mới khôi phục được 30 mẫu. Để đáp ứng thị hiếu của người dân, anh đã sáng tạo mẫu tranh mới như tranh nghê được làm nhân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Anh Trung trực tiếp về đền thờ vua Đinh, vua Lê ở Ninh Bình nghiên cứu mẫu nghê sau vẽ lại khắc ván làm tranh. Để quảng bá nét đẹp của làng, anh còn tích cực giới thiệu đến các trường học hay các triển lãm, đồng thời mở lớp vẽ để con em trong làng học làm tranh, qua đó nhân lên niềm yêu thích đối với tranh Kim Hoàng.

Tuy chỉ là mảnh đất thuần nông nhưng chính những nét đẹp văn hóa lâu đời đã tạo nên tính cách, tâm hồn con người Kim Hoàng luôn yêu cái đẹp và biết sáng tạo ra cái đẹp để thưởng thức. Không biết có phải nhờ truyền thống hay không mà nhiều họa sĩ nổi tiếng như Bùi Xuân Phái, Văn Đa... đều là người gốc của làng Kim Hoàng. Vài năm trở lại đây có thêm nghệ nhân trẻ Đào Đình Trung cũng say mê với văn hóa truyền thống và tìm thấy những nét đẹp văn hóa trong từng bức tranh quê. Anh Trung kế tục lớp người đi trước làm sống lại một dòng tranh quý để du khách lại nô nức tìm về Kim Hoàng sắm tranh tô điểm cho không khí Tết thêm rực rỡ sắc xuân.

Bài và ảnh: VŨ DUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/tranh-kim-hoang-goi-mua-xuan-den-608759