'Trồng nhân văn' trên phố

Miệt Nam bán cầu đang vào cuối mùa thu. Lá phong đỏ rực những con đường và các mái nhà. Những công viên và vỉa hè tràn ngập thảm lá vàng. Những chú chim hải âu chao lượn trên các ngọn tháp rồi sà xuống những bậc thềm. Chim bồ câu cũng vậy, sóc cũng thế, ríu rít quanh chân người qua lại. Cái cảm giác ngồ ngộ khi được đi sớm sang mùa thu ấm lạnh trong lúc xứ mình đang hè nóng bức.

Có lẽ vui và lạ nhất trong mắt người đi đến các nước phát triển không chỉ là phong cảnh thiên nhiên hữu tình. Bất ngờ hơn, quan trọng hơn, theo người viết, đó còn là việc khám phá khung cảnh nhân ái do con người tạo nên ngay trên đường phố, cửa hàng, trường học, bảo tàng và nhiều tiện nghi đô thị khác.

Cái đẹp xưa và nay chung sống

Cũng giống như nhiều đại đô thị hiện đại ở Âu Mỹ hay Á Đông, thành phố Melbourne chi chít nhà chọc trời đủ dạng, đủ kiểu. Bạn bè chỉ cho tôi xem tòa nhà cao nhất hiện tại mang tên Australia 108, cao vút 388m, kiểu dáng như một khối trophy - kỷ niệm chương, màu kim cương xanh dương khổng lồ. Tòa nhà “thăng thiên” lấp lánh nằm ở khu South Bank bên kia dòng sông Yarra, tựa như khu Thủ Thiêm bên kia sông Sài Gòn.

Đối sánh với Australia 108 chính là tòa nhà ga xe lửa Flinder ở khu trung tâm phố thị (CBD) lâu đời. Không khổng lồ về kích thước nhưng nhà ga xe lửa lại vĩ đại về cả mỹ thuật và lịch sử. Có thể nói đây là một kiến trúc tổng hợp cả hai thiết kế độc đáo. Một đầu vào cổng chính đồ sộ dẫn đến các đường tàu với mái vòm thép xanh gỉ, trông từ xa giống như một nhà hát opera ở châu Âu cổ kính. Còn đầu kia là dãy phòng làm việc và các lối lên xuống dọc đường tàu mà điểm nhấn là một tháp đồng hồ cao vút mang kiểu dáng của Big Ben London.

Từ lâu, tòa nhà xe lửa Flinder (hoàn thành 1854 - bốn năm trước khi Pháp xâm chiếm Việt Nam), đã trở thành biểu tượng chính của Melbourne.

Bàn cờ quốc tế sân trước Thư viện bang Victoria.

Bàn cờ quốc tế sân trước Thư viện bang Victoria.

Qua lại nhiều nước phát triển hơn 30 năm qua, tôi nhận thấy dường như các đại đô thị ở những nước phát triển đều tuân theo một “luật ngầm”: cái đẹp xưa và nay chung sống song hành, bổ sung cho nhau. Đơn cử, ở Melbourne, cái “luật ngầm” dễ thương ấy thể hiện ngay trong từng tòa nhà hay góc phố. Chẳng hạn, chính tòa nhà ga Flinder không đơn thuần là nhà ga mà còn có không gian triển lãm nghệ thuật đương đại trên nền vật dụng xưa cũ, ngay tại tầng hầm. Gallery lạ lùng ấy có một shop bán hàng nghệ thuật cổ và kim kèm theo một góc trưng bày toàn là… nhựt trình và tạp chí của thế kỷ trước.

Qua lại nhiều nước phát triển hơn 30 năm qua, tôi nhận thấy dường như các đại đô thị ở những nước phát triển đều tuân theo một “luật ngầm”: cái đẹp xưa và nay chung sống song hành, bổ sung cho nhau.

Gần nhà ga Flinder có hai arcade - thương xá với nhiều hành lang bao phủ bởi vòm kính là Royal và Block, đều trên trăm tuổi. Vào đây, khách ngẩn ngơ như đặt chân vào châu Âu thế kỷ XIX, ngắm nhìn những cửa hàng, nhà hàng nho nhỏ, lung linh ánh sáng vàng, như bước ra từ cổ tích. Thú vị nhất, mỗi giờ, khách sẽ thấy các pho tượng lính kèn bên đồng hồ cổ chuyển động và tấu nhạc, rất thần tiên! Tại Block Arcade có tiệm trà tự hào cổ nhất nước Úc (1892), khách vào phải xếp hàng lâu nhưng vẫn kiên nhẫn chờ đợi để nhấm nháp cái thú hoài cổ.

Đi thêm vài bước, du khách lại được thưởng ngoạn một lâu đài xưa nằm cạnh các thương xá lộng lẫy. Đó chính là tòa nhà GPO - Bưu điện Trung tâm Lão niên -1837, nay chuyển thành thương xá thời trang H&M, tấp nập giới trẻ ra vào. Càng thú vị bất ngờ trong những tòa nhà xưa và nay kết hợp - tưởng chừng chỉ có thương mại, song vẫn có những góc trưng bày hình ảnh hiện vật và hình ảnh lịch sử hoạt động của các nơi này. Ở Adelaide - thủ phủ bang Nam Úc, trong Arcade cổ có hẳn một bảo tàng mini giúp khách hình dung người xưa bán hàng và mua sắm ra sao.

Tri ân tiền nhân không chỉ bằng đền đài

Melbourne và Sydney hay London và Paris có rất nhiều tượng đài, đền thờ, thánh đường và công viên tưởng niệm đủ quy mô trang trọng. Tuy nhiên, ấn tượng nhất vẫn là những bảng biểu và hình tượng nghệ thuật nhỏ xinh cứ như bất chợt, cứ như lặng lẽ mà vẫn bày tỏ tình cảm uống nước nhớ nguồn ngay trên đường phố.

Chẳng hạn nhiều góc phố ở khu CBD Melbourne có những tấm bảng khổ A3 gắn vào tường một tòa nhà ghi lai lịch con phố kèm một tấm ảnh xưa. Cái nét văn hóa kiểu “Ăng lê” ấy tôi cũng đã gặp qua những tấm bảng tương tự trên phố Orchard và China Town ở Singapore.

Vẫn chuyện những chiếc bảng nho nhỏ làm tôi chú ý thêm câu chuyện thời sự ở xứ kangaroo. Đấy là việc thể hiện lòng tri ân với người Aboriginal - tạm dịch là thổ dân hay bản xứ. Tại nhiều cửa hàng, trường trung học và đại học, từ lâu đã có những tấm bảng, có nơi là chữ khắc trên tường với những dòng chữ có nội dung căn bản như sau: Chúng tôi biết ơn người Aboriginal là First People (người dân đầu tiên). Có nơi lại dùng từ biết ơn Traditional Owners (người chủ xưa), hay mạnh mẽ hơn là Custodians (chủ nhân) của đất và nước.

Bảng tri ân thổ dân tại một trường phổ thông ở Melbourne.

Bảng tri ân thổ dân tại một trường phổ thông ở Melbourne.

Trong bảo tàng quốc gia hay mỗi bang, mỗi thành phố ở Úc đều có nội dung nói về lịch sử người bản xứ trước khi người Anh xâm chiếm và mở mang thành nước Úc hiện đại. Ở các công sở hay trường học đều có lá cờ đỏ và đen của thổ dân đi cùng lá cờ Úc. Đến nay, trong số 26,5 triệu dân Úc, có khoảng một triệu người Aboriginal. Nhà nước tạo nhiều ưu đãi cho thổ dân nhưng hiện tại đang diễn ra một cuộc vận động tổ chức trưng cầu dân ý để bổ sung nhiều vấn đề mới liên quan vào Hiến pháp.

Ngoài ra, gần Melbourne có thành phố Bendigo, nơi từng là mỏ vàng nổi tiếng cuối thế kỷ XIX. Tại đây, có một bảo tàng bề thế về người Hoa, mang tên Golden Dragon - Rồng Vàng. Qua bảo tàng, người xem thấy rõ người Hoa là một trong những lực lượng chính đi đào vàng thời đó và đã đóng góp nhân lực cũng như văn hóa phong phú cho nước Úc như thế nào. Quả thật, khái niệm “tiền nhân” không chỉ mang ý nghĩa tổ tiên của một hai nòi giống. Hai chữ thiêng liêng đó còn mang nội hàm rộng lớn hơn, hiểu theo nghĩa đa sắc tộc, đa thế hệ của những người tiên phong đi khai phá không gian sống và phát triển cho các thế hệ sau.

Giáo dục bền vững chứ không tuyên truyền nhất thời

Muốn tri ân tiền nhân thì không chỉ cúng tế, tặng quà hay có nhiều kiến trúc tưởng niệm. Một xã hội văn minh sẽ biết cách thể hiện tấm lòng ăn quả nhớ kẻ trồng cây qua nhiều hình thức gây được mỹ cảm, truyền được cảm hứng để công việc này thực sự là trao truyền và giáo dục bền vững chứ không phải tuyên truyền nhất thời. Và vì thế, các ngành nghệ thuật từ văn chương, sân khấu, điện ảnh đến mỹ thuật, truyền thông là phương tiện biểu đạt và vun trồng những tình cảm cao đẹp một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

“Vun trồng nhân văn” thông qua các phương tiện nghệ thuật ngay trên phố phường là một trong những hoạt động mà các đô thị của chúng ta cần hướng tới nhiều hơn!

Nói vui, chắc hẳn đã có thêm một “luật ngầm” như thế cho nên ở nhiều thành phố Úc cũng như ở nhiều xứ sở khác đều có các công trình nghệ thuật từ nhỏ đến lớn, hòa nhập khắp phố phường. Mặt khác, chính quyền nhiều nơi dành những ngôi nhà đẹp - nhất là những kiến trúc di sản để làm arts gallery - trung tâm trưng bày nghệ thuật, mở cửa miễn phí cho công chúng vào xem. Ở đó, ngoài các tác phẩm đương đại đều có các tác phẩm cổ điển của nhiều dân tộc.

Thêm nữa, bản thân các thiết chế văn hóa công cộng như nhà hát, bảo tàng, thư viện, công viên đều dành không gian bên ngoài và bên trong để “khoe” các tác phẩm nghệ thuật. Chưa kể, tại các trường phổ thông cũng như đại học hoặc các bệnh viện hay thương xá đều có nhiều tranh tượng. Hơn nữa đó chính là các công trình thiết kế được chăm chút về nghệ thuật chứ không phải xù xì hay thô kệch vì không phải là cơ sở thương mại.

Hình ảnh Thương xá cũ ở hành lang Thương xá mới.

Hình ảnh Thương xá cũ ở hành lang Thương xá mới.

Thực tế cho thấy các phương tiện nghệ thuật không chỉ để tri ân tiền nhân mà điều chính yếu còn là tri ân tác giả những điều hay đẹp và qua đó lan truyền những tư tưởng nhân văn, những tấm lòng cao thượng. Vào lúc những tin tức về bạo hành, bạo lực, bắn giết, tự sát, cướp bóc dã man hàng giờ hàng phút hiện lên trên màn hình máy tính hay điện thoại thì nhân loại càng sốt ruột tìm kiếm nhiều phương tiện để ngăn chặn và sửa đổi. Và ngay cả nỗi bất an sống trong những đô thị hiếm hoi thiên nhiên và mỹ quan, hay sự buồn giận vì bị bao vây và lấn át bởi những hình ảnh quảng cáo thương mại thừa mứa cũng đã khiến xã hội nóng lòng lên tiếng và mưu cầu giải pháp cân bằng.

Không thể chỉ trong ngày một ngày hai, xã hội hay đô thị có thể thoát khỏi mớ bòng bong của nhiều điều sai trái hay thấp hèn. Càng không thể chỉ truyền đạt lý thuyết, hay giáo dục từ chương về đạo đức và kiến thức chân-thiện-mỹ mới xua đi được những nỗi ám ảnh, đau khổ thường xuyên. “Vun trồng nhân văn” thông qua các phương tiện nghệ thuật ngay trên phố phường là một trong những hoạt động mà các đô thị của chúng ta cần hướng tới nhiều hơn!

Bài và ảnh: Phúc Tiến

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/trong-nhan-van-tren-pho-40108.html