Tự hào Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình

Năm 2022, cùng với Tri thức dân gian Lịch tre, Lễ hội Khai hạ (LHKH) dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình đón bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tạo dấu mốc sự kiện văn hóa đặc biệt của tỉnh. Dịp xuân Quý Mão 2023, LHKH cấp tỉnh lần đầu tổ chức với sự hội tụ của 4 Mường (Bi, Vang, Thàng, Động) có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, qua đó bồi đắp niềm tự hào của cộng đồng dân tộc Mường Hòa Bình, thu hút Nhân dân và hàng vạn du khách thập phương về dự hội.

Các nghi lễ, nét văn hóa dân gian độc đáo được tái hiện tại Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường cấp tỉnh.

Các nghi lễ, nét văn hóa dân gian độc đáo được tái hiện tại Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường cấp tỉnh.

Bà Bùi Thị Dỉnh ở xóm Mường Lầm, xã Phong Phú không giấu được niềm vui khi Lễ hội dân gian truyền thống lớn nhất của người Mường Hòa Bình được tôn vinh. Bà chia sẻ: Trong đời sống của người Mường Hòa Bình nói chung, người Mường Bi nói riêng, LHKH là nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng không thể thiếu diễn ra mỗi dịp Tết đến, xuân về. Qua mỗi lần LHKH tổ chức, chúng tôi hiểu thêm giá trị vô giá của di sản, biết yêu quý, giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Nói về nét đặc sắc của lễ hội này, đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: LHKH dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình có từ lâu đời, gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước, có nhiều dấu ấn của văn minh Việt cổ, mang ý nghĩa tôn kính các vị thần linh, tưởng nhớ những người đã có công lập đất, lập mường, cầu mong vạn vật phát triển thuận lợi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bên cạnh các nghi lễ, nghi thức tâm linh không thể thiếu, lễ hội tạo nhiều sức hút từ phần hội với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian có nội dung phong phú, đa dạng.

Đáng chú ý, tại LHKH dân tộc Mường năm 2023 với quy mô cấp tỉnh, các nghi lễ được tái hiện rõ nét và đầy đủ, nhiều nét văn hóa dân gian độc đáo, tiêu biểu được phô diễn: màn Dấng chiêng (diễn xướng gọi hồn chiêng) của các nghệ nhân; trình tấu chiêng Mường của hơn 500 diễn viên và nghệ nhân; nghi lễ xuống đồng đi cày, đi cấy đầu xuân… Trong khuôn khổ hoạt động LHKH đã diễn ra hội thi môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa, gồm: bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, ném còn, đánh cù, đánh mảng… và thi séc bùa, hát đối. Các hoạt động thể thao, văn hóa diễn ra sôi nổi, hào hứng, làm sống lại nét văn hóa dân gian xưa, cuốn hút du khách đến với ngày hội lớn. Du khách còn được chứng kiến cuộc thi trình diễn trang phục truyền thống; thi đan lát, dệt thổ cẩm, trình diễn nghề thủ công, làm đồ gia dụng truyền thống của dân tộc Mường; hòa vào dòng người tấp nập đến với không khí chợ đêm Mường Bi trưng bày các sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh.

Đồng chí Đinh Anh Tuấn, Bí thư Huyện ủy Tân Lạc cho biết: Cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện tự hào là một trong các địa phương sở hữu di sản. Huyện tiếp tục quan tâm tuyên truyền, quảng bá, khuyến khích ý thức bảo tồn và trách nhiệm của người dân trong việc lan tỏa và thực hành sinh hoạt tại cộng đồng. Cùng với đó, chung sức cùng các sở, ngành, địa phương phối hợp, nghiên cứu, phát huy LHKH của người Mường tỉnh Hòa Bình ngày càng đặc sắc, có vị trí xứng đáng trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào người Mường nói riêng, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh nói chung, góp phần tăng sức hấp dẫn đối với du khách, gìn giữ sự phong phú, đa dạng của kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh.

Bùi Minh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/179162/tu-hao-le-hoi-khai-ha-dan-toc-muong-tinh-hoa-binh.htm