Từng bước biến trẻ thành người tự giác

Trong 'cuộc chiến' giữa cha mẹ và con, các phụ huynh thường hứng thú khi nghĩ tới việc có thể trút bỏ một phần trách nhiệm.

Không phải trẻ nào cũng có tinh thần tự giác. Ảnh minh họa.

Không phải trẻ nào cũng có tinh thần tự giác. Ảnh minh họa.

Song, một số trẻ sẽ chống đối. Trong khi đó, không ít trẻ khác cần được nhắc nhở liên tục thì mới có thể thực hiện.

Giai đoạn chuyển giao trách nhiệm

Một ngày nọ khi học lớp Sáu, Cohen Miller quên mang sách bài tập. Cậu bé đã hoảng loạn gọi điện cho mẹ mình từ Trường Tiểu học ở Calgary (Canada). Ngay sau đó, mẹ Miller đã lái xe đến trường học của con trai. Mặc dù chỉ mất 10 phút, nhưng Miller vẫn cảm thấy tồi tệ.

“Thằng bé không bao giờ quên sách bài tập nữa. Bởi, thằng bé đã nghĩ tới sự bất tiện của người khác và đặt điều đó lên trên mọi thứ”, bà mẹ hai con Rachel Miller nhớ lại.

Sự tự giác của Cohen khác hoàn toàn với thái độ của anh trai về một số trách nhiệm. Ví dụ, khi nói đến việc dọn phòng hoặc bắt tay vào làm việc nhà, Tyson – anh trai Cohen - hiếm khi thực hiện. Cậu chỉ bắt tay vào làm khi có lời nhắc từ cha mẹ. Đặc biệt, Tyson buộc phải thực hiện chỉ khi có nguy cơ bị tịch thu điện thoại.

Việc cân bằng giữa sự phụ thuộc và quyền tự chủ của trẻ có thể khiến cha mẹ bối rối. Thực tế, nhiều phụ huynh muốn thúc đẩy trẻ em hướng tới sự độc lập. Song, cha mẹ không chắc chắn khi nào (hoặc làm thế nào) để trẻ có thể thực hiện điều đó. Liệu, phụ huynh có nhắc nhở trẻ quá nhiều không, hay im lặng và cho rằng, trẻ sẽ bỏ cuộc. Sau đó, trẻ có thể lãnh hậu quả nếu không tự giác làm việc được giao.

Các chuyên gia gọi việc chuyển giao trách nhiệm này là “chuyển giao quản trị”. Bà Sheila Marshall - giảng viên thuộc Khoa Y tế và sức khỏe vị thành niên tại Trường Đại học British Columbia (Canada) - đã nghiên cứu sâu về vấn đề này.

Bà Marshall cho rằng, không có thời đại kỳ diệu nào khi cha mẹ có thể mong đợi con họ tự quản lý hoàn toàn công việc của mình. Một số trẻ chấp nhận những trách nhiệm mới và bắt đầu tự giác khi 10 tuổi. Song, trong khi đó, những trẻ khác bằng lòng để mẹ chuẩn bị bữa trưa và nhắc nhở ôn bài thậm chí cho tới hết thời trung học.

“Một số trẻ mơ mộng hơn một chút hoặc gặp khó khăn trong việc ghi nhớ mọi thứ. Chúng ta phải ghi nhớ điều đó. Đồng thời, cần trả lời câu hỏi: Tính khí và tính cách của con mình như thế nào?”, bà Sarah Rosensweet - nhà giáo dục và huấn luyện viên nuôi dạy con ở Toronto (Canada), cho biết.

Theo chuyên gia này, ngay cả những đứa trẻ vô tổ chức cũng có thể trở nên có trách nhiệm. Điều quan trọng là cha mẹ cần bắt đầu trao quyền cho trẻ sớm, thay vì chờ tới khi trẻ học cấp hai.

“Với đứa con năm tuổi của mình, cha mẹ sẽ chuẩn bị đồ trong ba lô cho chúng. Với đứa trẻ tám tuổi, phụ huynh có thể hỏi xem con có tất cả những thứ mình cần trong ba lô không và yêu cầu chúng xác nhận. Trong khi đó, với đứa con 12 tuổi, có lẽ, cha mẹ không nên hỏi bất cứ điều gì về chiếc ba lô của chúng”, bà Rosensweet chia sẻ.

Ngoài ra, trên đường đi, cha mẹ hãy trò chuyện với con mình về những gì phụ huynh muốn chúng đảm nhận. Đồng thời, trao đổi về những gì trẻ cảm thấy mình có khả năng xử lý. Khi các kỳ vọng đã được đặt ra và đồng ý, cha mẹ cần lùi lại và không nên sợ trẻ sẽ thất bại. Bà Marshall cho biết: “Hãy để trẻ quên bữa trưa một vài lần. Những hậu quả hợp lý, tự nhiên thực sự hiệu quả đối với tính tự giác của một số trẻ”.

Allison Schuchman - một bà mẹ tại Canada - cho biết, việc để con mình thất bại có thể rất đáng sợ. Song, cô cảm thấy tốt hơn hết là con gái Elle (11 tuổi) của mình nên có những bài học này ngay bây giờ, khi hậu quả vẫn còn nhỏ. “Bây giờ không làm bài tập toán đồng nghĩa với việc con sẽ phải bỏ lỡ giờ ra chơi. Tuy nhiên, nếu không hoàn thành nhiệm vụ đúng hạn khi đi làm lúc trưởng thành, chúng ta có thể bị sa thải”, nữ phụ huynh cho biết.

Tuy nhiên, theo bà Rosensweet, nếu trẻ hay quên, điều đó có nghĩa là chúng cần được hỗ trợ để trở nên độc lập trong lĩnh vực này. Khi đó, phụ huynh cần cùng con giải quyết vấn đề về cách ghi nhớ tất cả mọi thứ. Cha mẹ có thể cùng trẻ lập một danh sách về những công việc cần thực hiện, bài tập ở trường, đồ cá nhân trong ba lô. Phương pháp này sẽ có tính xây dựng và hiệu quả hơn là việc cha mẹ trách mắng trẻ.

“Nếu cảm thấy mình đang cằn nhằn quá nhiều, có lẽ đã đến lúc cha mẹ nên ngồi xuống với con và nói: ‘Đây là trách nhiệm của con. Mẹ có thể giúp gì cho con?’”, bà Rosensweet gợi ý.

Những hậu quả hợp lý sẽ hiệu quả đối với tính tự giác của một số trẻ. Ảnh minh họa.

Những hậu quả hợp lý sẽ hiệu quả đối với tính tự giác của một số trẻ. Ảnh minh họa.

Luôn đứng về phía trẻ

Ngoài ra, khi trẻ thất bại, điều quan trọng là cha mẹ không mắng con. Thay vào đó, hãy thể hiện rằng, cha mẹ luôn đứng về phía trẻ. Các chuyên gia đã gợi ý những bước cần thiết để xây dựng cho trẻ tính tự giác.

Bước 1: Đáp ứng yêu cầu của trẻ

Cha mẹ có thể thường xuyên thực hiện cho trẻ những việc mà bé yêu cầu. Ví dụ, cha mẹ lấy một ly nước cho trẻ khi con không với tới được. Cha mẹ lái xe đưa con đến buổi tập bóng đá ở trường.

Hoặc, cha mẹ đọc mật khẩu wifi cho trẻ. Trong khi đó, quà tặng là những thứ trẻ luôn muốn từ cha mẹ. Do đó, phụ huynh hãy viết một danh sách gồm 3 món quà trở lên cho mỗi đứa trẻ.

Bước 2: Xác định các nhắc nhở liên quan

Cha mẹ hãy liệt kê những thứ cần có để làm những gì trẻ yêu cầu. Trong các ví dụ trên, phụ huynh cần một chiếc cốc, một chiếc xe sẵn sàng để đi và một thiết bị hỗ trợ wifi. Khi đó, phụ huynh có thể đưa ra lời nhắc liên quan tới những món đồ này.

Ví dụ: “Ngừng bỏ rác trong xe!”; “Đặt bát đĩa của con vào bồn rửa!”; “Không chơi trò chơi trên thiết bị điện tử cho đến khi công việc được hoàn thành!”.

Bước 3: Chọn nơi bắt đầu

Hãy thử kế hoạch này cho một lời nhắc trước khi bắt đầu. Hãy nhớ rằng, cha mẹ đang học một điều gì đó mới. Do đó, hãy cho mình một cơ hội để thực hành. Sau đó, hãy chọn yêu cầu của trẻ khiến phụ huynh cảm thấy mệt mỏi nhất. Hoặc, chọn yêu cầu mà một trong số đó dễ dàng nhất để liên kết với một lời nhắc dành cho trẻ. Sau đó, khoanh tròn yêu cầu này trong danh sách.

Cha mẹ cần trao quyền cho trẻ sớm. Ảnh minh họa.

Cha mẹ cần trao quyền cho trẻ sớm. Ảnh minh họa.

Bước 4: Nói với con những gì cha mẹ mong đợi theo cách tích cực

Các phụ huynh nên nói: “Mẹ biết con không thích khi mẹ yêu cầu con làm điều gì đó hết lần này đến lần khác. Đặc biệt là khi con đang làm một việc gì đó khác. Do đó, mẹ muốn thử một cái gì đó mới để chúng ta không phải làm điều đó”.

Phụ huynh không nên nói rằng: “Mẹ phát ngán khi con không bao giờ tự giác cất giày vào đúng vị trí. Con sẽ không được mua chiếc áo hoodie yêu thích cho đến khi biết tự giác cất giày vào tủ”. Theo các chuyên gia, có sự khác biệt lớn giữa hai cách nói này. Cách thứ nhất là một ý tưởng. Một nỗ lực để hỗ trợ. Trong khi đó, cách thứ hai là một mối đe dọa. Một nỗ lực kiểm soát. Đồng thời, đó là một cái gì đó cha mẹ có thể có nhiều khả năng để nói.

Đây là lý do tại sao phụ huynh phải thực hành. Không ít cha mẹ áp dụng cách nói thứ hai để trao đổi thông tin với trẻ. Song, cách làm đầu tiên cũng hoàn toàn chính xác. Điều cần thiết là phụ huynh làm quen với cách nói này. Sau đó, thực hành cho đến khi có thể nói điều đó với trẻ.

Khi đã nói phần đầu tiên, cha mẹ có thể giải thích. “Đây là cách mọi việc hoạt động. Cha mẹ biến việc con phải làm thành một phần của việc con đang làm. Vậy thì, con không cần phải nhớ để làm điều đó. Ngoài ra, cha mẹ sẽ không tiếp tục ngắt lời để hỏi xem con có làm điều đó không”.

Ví dụ, cha mẹ có thể nói: “Trước khi đi đá bóng, chúng ta sẽ bỏ đồ chơi bóng chày ra khỏi xe. Mẹ sẽ không yêu cầu con dọn xe khi con đang làm việc khác. Mẹ chỉ cần con dọn đồ ở xe khi chúng ta chuẩn bị đi xem bóng đá. Con thấy thế nào?”. Hoặc, phụ huynh cũng có thể nói: “Lần tới, khi yêu cầu mẹ lấy hộ con một chiếc cốc, mẹ sẽ đề nghị con mang chiếc cốc đó vào bồn rửa”.

Bước 5: Duy trì chiến lược

Các phụ huynh cần sử dụng chiến lược mới mỗi khi con mình yêu cầu cha mẹ thực hiện điều gì đó. Bình tĩnh đáp ứng lời đề nghị từ trẻ. Sau đó, cha mẹ hãy hỏi trẻ rằng: “Con còn nhớ kế hoạch của chúng ta không? Chỉ cần mang cho mẹ chiếc cốc bẩn vào bồn rửa, mẹ sẽ rót đầy nước vào chiếc cốc sạch này cho con ngay lập tức”.

Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý không nên yêu cầu nhiệm vụ vào những thời điểm trẻ đang thực hiện việc khác. Hãy nhớ rằng, cha mẹ đã hứa với con mình là sẽ không làm như vậy. Ngoài ra, hãy cho phép trẻ nhắc nhở nếu cha mẹ quên điều đó.

Theo Todayparents; Betterfamilytherapy

Kim Dung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tung-buoc-bien-tre-thanh-nguoi-tu-giac-post631861.html