Ứng dụng giống lúa mới trong sản xuất nông nghiệp thông minh

Với sự hỗ trợ của Dự án 'Cải thiện nông nghiệp có tưới', Quảng Trị được tham gia hợp phần 3 là 'Hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu' (CSA). Qua 12 vụ triển khai, những ứng dụng tiến bộ kỹ thuật theo các mô hình của dự án đưa ra đã khẳng định được tính hiệu quả và nông dân hưởng lợi bắt đầu thích ứng để nhân rộng. Đối với cây lúa, ngoài các biện pháp kỹ thuật về làm đất, bón phân, chăm sóc thì giống mới cũng được dự án quan tâm đầu tư nhằm chọn ra những giống tối ưu phù hợp với đồng đất Quảng Trị và được thị trường ưa chuộng.

 Thu hoạch lúa đông xuân ở ruộng CSA Triệu Long, Triệu Phong. Ảnh: TCL

Thu hoạch lúa đông xuân ở ruộng CSA Triệu Long, Triệu Phong. Ảnh: TCL

Vụ đông xuân 2019- 2020 là vụ sản xuất thứ 3 HTX Phước Điền, xã Hải Định, Hải Lăng được hợp phần CSA đầu tư xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trên cây lúa. Mỗi vụ, dự án hỗ trợ cho nông dân tham gia một phần kinh phí mua công cụ gieo sạ hàng, 30% số tiền mua phân đạm và thuốc hủy gốc rạ, 50% số tiền mua thóc giống. Đồng thời tổ chức tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn triển khai thực hiện và thường xuyên kiểm tra thực tế triển khai của người dân. Vụ này, HTX Phước Điền được dự án hỗ trợ giống mới BG1 là giống lúa đỏ, chất lượng cao. HTX đã chọn 25 hộ tham gia gieo trồng trên diện tích 15 ha. Trong quá trình triển khai, các hộ nông dân tuân thủ đúng sự chỉ đạo kỹ thuật của cán bộ hướng dẫn, thực hiện tốt các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác lúa nên kết quả đạt tốt. Lúa ít bị sâu bệnh; đẻ nhánh nhiều; bông chắc, trĩu hạt, năng suất lúa đạt 74 tạ/ha. Toàn bộ sản lượng lúa BG1 của HTX được Trung tâm Giống cây trồng- vật nuôi tỉnh bao tiêu đầu ra sản phẩm với giá 6.000 đồng/kg, cao hơn lúa Khang Dân 700 đồng/kg.

Giám đốc HTX Phước Điền Nguyễn Quyền cho biết: “Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, HTX đã triển khai tốt dự án của WB7 trên địa bàn đạt kết quả khá tốt. Nhờ thực hiện phương pháp canh tác hữu cơ như sử dụng phân chuồng và bón phân đạm phân hủy chậm nên dinh dưỡng cho cây lúa được cung cấp đảm bảo, không thất thoát, cùng với giống lúa mới chống chịu sâu bệnh tốt nên cho năng suất cao hơn nhiều so với các giống lúa đại trà trên địa bàn khoảng 5-7 tạ/ha. Sau vụ này, dự án không hỗ trợ nữa thì HTX sẽ tiếp tục hỗ trợ cho nông dân làm tiếp trong các vụ tới để những hộ chưa thực hiện phương pháp canh tác mới thấy tốt mà nhân rộng”.

Trong 11 vụ sản xuất trước, dự án quan tâm nhiều đến phương pháp canh tác thông minh như: Sử dụng công cụ sạ hàng để giảm lượng giống giúp giảm giá thành sản xuất, hạn chế sâu bệnh do gieo dày, đảm bảo đủ dinh dưỡng cho lúa… đưa đến năng suất lúa cao hơn; sử dụng các chế phẩm sinh học để phân hủy gốc rạ ngay trên đồng ruộng tăng chất mùn cho đất, hạn chế tình trạng đốt rơm rạ gây chai cứng đất, ô nhiễm môi trường; sử dụng bón phân đạm hạt vàng (loại phân đạm chậm bốc hơi) giúp cây trồng hấp thụ được nhiều lượng phân hơn, tiết kiệm phân bón; bón nhiều lượng phân chuồng hoai mục; thực hiện tưới tiêu hợp lý dựa vào nhu cầu cần nước của cây trồng theo từng chu kỳ sinh trưởng để tiết kiệm nước, hiệu quả tưới cao… Đến vụ đông xuân này, ngoài các phương pháp canh tác trên, dự án bổ sung thêm việc đưa giống mới vào sản xuất. Vụ đông xuân năm 2019- 2020, thông qua Trung tâm Khuyến nông tỉnh, dự án triển khai hỗ trợ giống lúa mới cho nông dân gieo 335 ha tại 13 HTX của 4 huyện vùng đồng bằng. Các giống lúa mới được đưa vào gieo trồng gồm: BG1, HN6, TBR1, NA2, BT7… Điều đáng quan tâm là ruộng đưa vào thực hiện mô hình đã được dồn điền đổi thửa, các HTX đều bố trí khu vực ruộng tập trung để thí điểm giống mới nhằm dễ canh tác và quản lý dịch hại tổng hợp.

Trong quá trình thực hiện mô hình CSA trên cây lúa với các giống mới, nông dân luôn nhận được sự chỉ đạo, hướng dẫn tận tình của cán bộ kỹ thuật của các trạm khuyến nông huyện; việc quản lý và tổ chức sản xuất chặt chẽ của các HTX. Nhờ đó, tất cả các mô hình đều thực hiện tốt. Thực tế cho thấy, canh tác theo phương pháp sản xuất nông nghiệp thông minh đối với giống lúa mới ít bị sâu bệnh, lúa phát triển tốt, cho năng suất cao, chất lượng tốt. Bình quân năng suất của các mô hình lúa CSA đạt 61 tạ/ha. Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị Trần Cẩn cho biết: “Việc thử nghiệm một số giống lúa mới là một trong những nội dung của hợp phần 3 của dự án là hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Thông qua đó để lựa chọn một số giống tốt, chất lượng cao đưa vào sản xuất đại trà theo phương thức canh tác tiết kiệm các nguồn vật tư, nguồn tài nguyên nước mà năng suất vẫn đảm bảo, cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Từ hiệu quả của các mô hình này, các hộ trong vùng sẽ học hỏi và làm theo, đưa sản xuất lúa được bền vững hơn”.

Cũng như các loại cây trồng khác, việc xây dựng mô hình ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên cây lúa của CSA là nhằm thích nghi với sự biến đổi khí hậu, hạn chế đến mức thấp nhất tác động của nó nhờ vào việc kích thích sự chống chịu của cây lúa bằng việc tiết kiệm các nguồn lực đầu tư cho sản xuất dựa trên đặc điểm sinh lý của cây trồng. Tìm tòi các giống lúa mới thích nghi để thay thế tốt trong quá trình sản xuất đã được hợp phần 3 của dự án “Cải thiện nông nghiệp có tưới” thực hiện thành công trên địa bàn tỉnh trong vụ đông xuân 2019- 2020. Đây là kết quả đáng ghi nhận để nhân rộng trong các vụ tới nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của sản xuất lúa trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp. Các nội dung hỗ trợ của CSA trên cây lúa cũng phù hợp với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

Trần Cát Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=147686