Ưu tiên nguồn lực cho phát triển giáo dục, văn hóa thông tin

Những năm qua, tỉnh ưu tiên nguồn lực để phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo (GDĐT) và dạy nghề, văn hóa thông tin (VHTT) gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hằng năm, tỉnh bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, đề án, kế hoạch và giao dự toán ngân sách cho sự nghiệp GDĐT, dạy nghề và sự nghiệp VHTT. Đẩy mạnh huy động các nguồn lực ngân sách và ngoài ngân sách phù hợp với điều kiện thực tế để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đảm bảo đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông theo hướng chuẩn hóa và nhu cầu hoạt động của các cơ sở giáo dục. Ưu tiên nguồn lực đầu tư phòng học, thiết bị dạy học trực tuyến; đầu tư bổ sung phòng học, phòng học bộ môn và thiết bị dạy học; xây dựng nhà ở bán trú cho học sinh ở những xã có địa bàn rộng, địa hình phức tạp, giao thông khó khăn; phát triển 4 trường tại mỗi huyện, 8 trường tại Thành phố ở cả 3 cấp học phổ thông thành trường điểm về nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn. Phát triển các dịch vụ văn hóa gắn với phát triển du lịch; bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Quan tâm đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, xây dựng các điểm tham quan du lịch, bảo tồn làng văn hóa truyền thống, tôn tạo các bảo vật quốc gia, Bảo tàng tỉnh.

Tỉnh nỗ lực thực hiện, bố trí nguồn lực tài chính cho GDĐT và dạy nghề từ các nguồn lực, chương trình, đề án của Trung ương, các chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện trên cơ sở hiện trạng, nhu cầu đầu tư và khả năng phát triển của từng lĩnh vực. Giai đoạn 2021 - 2023, lĩnh vực GDĐT và dạy nghề được thụ hưởng từ các chương trình như: Dự án giáo dục khu vực THCS khu vực khó khăn, Chương trình Mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số vùng khó khăn, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đối với sự nghiệp VHTT, tỉnh quan tâm bố trí kinh phí để tôn tạo, nâng cấp, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; ưu tiên đối với các di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh, di tích lịch sử cách mạng, các di sản văn hóa tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh và đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Xây dựng những sản phẩm văn hóa đa dạng, mang thương hiệu địa phương, tập trung khai thác các giá trị tài nguyên nổi trội về sinh thái và văn hóa. Phát triển phong trào thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao ở những môn có thế mạnh; quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao phục vụ đời sống nhân dân, tạo bước đột phá trong hoạt động văn hóa, thể thao gắn với phát triển du lịch và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ngoài nguồn ngân sách Trung ương và địa phương, tỉnh huy động các nguồn lực xã hội hóa thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ngoài nguồn ngân sách Trung ương và địa phương, tỉnh huy động các nguồn lực xã hội hóa thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh cho biết: Tỉnh luôn xác định tầm quan trọng và sẵn sàng ưu tiên mọi nguồn lực để thực hiện việc đổi mới cơ bản và toàn diện GDĐT gắn với nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí và nhu cầu VHTT của người dân. Giai đoạn 2021 - 2025, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh, lĩnh vực GDĐT và dạy nghề được bố trí trên 1.188 tỷ đồng, lĩnh vực VHTT bố trí trên 437 tỷ đồng. Giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh chi trên 31 tỷ đồng ngân sách địa phương cho phát triển GDĐT và dạy nghề, sự nghiệp VHTT. Trong đó, tổng chi cho GDĐT và dạy nghề chiếm 29,4% tổng chi ngân sách địa phương, tổng chi cho VHTT chiếm 1,96%. Ngoài nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, tỉnh huy động trên 18 tỷ đồng nguồn xã hội hóa cho phát triển GDĐT.

Tỉnh xây dựng, ban hành một số chính sách hỗ trợ công tác GDĐT và dạy nghề, VHTT, như: hỗ trợ học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú 4 triệu đồng/người/năm; 6 triệu đồng/người/năm học cho học sinh Trường THPT Chuyên; trợ cấp cho học sinh phục hồi chức năng và giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật 600 nghìn đồng/người/tháng; đầu tư cải tạo, sửa chữa, mở rộng và xây mới các nhà văn hóa xóm, tổ dân phố đảm bảo tiêu chí đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; có chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025...

Qua các nguồn chi đầu tư, hỗ trợ, cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các cơ sở giáo dục được tăng cường, củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông dân tộc nội trú và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tôn tạo, nâng cấp, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh; bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với giáo viên, học sinh theo quy định, nhất là các đối tượng theo Nghị định số 81, 161 của Chính phủ.

Lam Giang

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/uu-tien-nguon-luc-cho-phat-trien-giao-duc-van-hoa-thong-tin-3172395.html