Vì dân phục vụ

Kể từ khi triển khai Đề án văn hóa công vụ theo Quyết định số 1847/QĐ-TTg của Bộ Nội vụ đã góp phần chuyển biến rõ nét trong lề lối, tác phong làm việc nơi công sở, nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ ở mỗi cán bộ, công chức, viên chức. Nhiều nơi đã không còn cơ chế 'xin - cho', thờ ơ, hờ hững khi người dân đến làm việc. Thay vào đó là tác phong vì nhân dân phục vụ.

“4 xin, 4 luôn”

Bộ phận “Một cửa” phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) gần như ngày nào cũng kín chỗ ngồi do người dân đến làm thủ tục hành chính rất đông. Chị Nguyễn Thị Minh Phượng, công chức Tư pháp - Hộ tịch của phường vừa phụ trách mảng chứng thực vừa kiêm thêm công việc tiếp nhận, tham mưu giải quyết đơn thư, kiến nghị của công dân, xử lý vi phạm hành chính và công tác hộ tịch. Mặc dù phải xử lý hàng tá công việc mỗi ngày nhưng Phương luôn giữ nụ cười thân thiện và niềm nở với đồng nghiệp, người dân mà chưa một lần kêu ca. Ý thức được rất nhiều việc luôn chờ đợi mình nên hàng ngày, Phượng phải dậy sớm, đưa con đến trường rồi đến phường sớm 15 phút. Phượng bảo: “Em phải đến sớm để dọn dẹp vệ sinh nơi làm việc cho gọn gàng, sạch sẽ và phân loại từng công việc”.

Công chức Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn nhân dân sử dụng phần mềm đo lường sự hài lòng.

Công chức Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn nhân dân sử dụng phần mềm đo lường sự hài lòng.

Phương châm làm việc “4 xin, 4 luôn” (xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ) được Phượng và các cán bộ ở phường Tân Hà thực hiện nghiêm túc. Theo đồng chí Nguyễn Đình Nhàn, Chủ tịch UBND phường, từ nhiều năm nay phường vẫn duy trì việc ghi nhật ký công tác trong cán bộ, công chức. Hàng ngày, hàng tuần, mỗi cán bộ, công chức tự ghi chép, kiểm điểm những việc đã làm trong ngày vào sổ nhật ký. Cuối tuần, sổ sẽ được tập hợp tại Văn phòng để báo cáo UBND. Từ đó, UBND phường xem xét, đánh giá việc thực thi công vụ đối với mỗi cán bộ, công chức sát sao hơn theo ngày, tuần. UBND phường Tân Hà cũng là phường đi đầu trong triển khai chữ ký số. Mặc dù chữ ký số là việc khá mới mẻ nhưng anh Nhàn đã chịu khó mày mò, học hỏi để áp dụng. Anh nói: “Phục vụ nhân dân tốt hơn thì bản thân mỗi cán bộ, công chức phải không ngừng tự học tập, rèn luyện. Giờ mình đi đâu cũng có thể ký văn bản, giải quyết công việc ngay”.

Đồng chí Nông Thị Bích Huệ
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ

“Xây dựng và nâng cao văn hóa công vụ trong các cơ quan hành chính nhà nước được xác định là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu trong chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước. Để thực hiện được nhiệm vụ đó, mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải thể hiện được tính chuyên nghiệp, năng lực làm việc tốt, tác phong, phong cách chuẩn mực. Cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ phải tự giác thực hiện trách nhiệm công vụ của mình. Đó là trách nhiệm với công việc, nhiệm vụ, bổn phận, pháp lý; thực thi công vụ, làm đúng việc phải làm và làm một cách tự giác; chịu trách nhiệm, chế tài, liên quan đến kỷ luật, vật chất, hình sự; chịu trách nhiệm với con người, các mối quan hệ, đạo đức,...

Do vậy, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung của văn hóa công vụ; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng tác phong, lề lối công tác, rèn luyện đạo đức công vụ; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các Nghị quyết của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh các phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở; nhân rộng các mô hình tiêu biểu và cách làm hay trong thực thi công vụ và xây dựng văn hóa công vụ”.

Xã Thắng Quân (Yên Sơn) từ nhiều năm nay luôn áp dụng phương châm “4 xin, 4 luôn” trong tiếp công dân, đối thoại với nhân dân để giải quyết những vấn đề nhân dân kiến nghị, bức xúc về đất đai, chế độ, chính sách. Nhờ luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ, luôn nhẹ nhàng nên cán bộ, công chức ở đây đã hòa giải thành công nhiều kiến nghị của nhân dân. Chị Lý Thị Hải, công chức Văn hóa - Xã hội chia sẻ: “Làm công tác giải quyết chế độ chính sách cho người nghèo, người có công với cách mạng và các đối tượng chính sách khác nên mình luôn phải linh hoạt và rèn luyện trong cách ứng xử, giao tiếp. Trình độ nhận thức của bà con không đồng đều nên mình luôn phải giải thích cặn kẽ đến khi nào bà con hiểu, làm đúng và hài lòng thì thôi”.

Còn tại Sở Nông nghiệp và PTNT, phương châm này đã được triển khai tới 100% cán bộ, công chức, viên chức. “Công chức, viên chức không chỉ thạo việc mà còn phải có thái độ giao tiếp, ứng xử văn hóa, công tâm, chu đáo lấy sự hài lòng của người dân làm tiêu chuẩn trong thực thi công vụ. Đó chính là yêu cầu của chúng tôi” - Chị Lê Thị Thanh Nhàn, Chánh Văn phòng Sở chia sẻ. Sở Nông nghiệp và PTNT cũng là đơn vị sớm đưa vào các phầm mền đo lường sự hài lòng của người dân trong giải quyết công việc từ lãnh đạo Sở đến công chức.

Bắt đầu từ mỗi cán bộ, công chức

Xây dựng môi trường làm việc văn minh, chuyên nghiệp, gần dân phải bắt đầu từ trách nhiệm thực thi công vụ của mỗi cán bộ, công chức, viên chức. Việc hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức cần mỗi cơ quan, đơn vị phải xây dựng được quy chế làm việc khoa học, phân công cho từng cán bộ, công chức. Hàng năm có sửa đổi, bổ sung quy chế một cách phù hợp. Đồng thời có kiểm tra, đánh giá định kỳ. Tại Sở Nội vụ, trước đây bộ phận “Một cửa” quy định chỉ có công chức văn thư tiếp nhận hồ sơ, chuyển đến các phòng chuyên môn. Nhưng từ khi triển khai Đề án văn hóa công vụ, Sở đã sửa đổi quy chế làm việc, phân công mỗi ngày một công chức tại các phòng chuyên môn luân phiên trực tại bộ phận “Một cửa” để tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính của nhân dân. Từ đó công chức tại các phòng chuyên môn đều được rèn luyện và nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ.

Chị Nguyễn Thị Minh Phượng, công chức Tư pháp - Hộ tịch hướng dẫn nhân dân khai hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính.

Để phục vụ nhân dân tốt hơn, nhiều cơ quan, đơn vị không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà có cách làm sáng tạo để đầu tư, trang bị, ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc. Đã có nhiều mô hình hay như tiết kiệm chi để đầu tư máy tính, máy in, lắp camera, tu sửa phòng tiếp dân, phòng làm việc thoáng đãng, bố trí chỗ ngồi cho người dân... Điển hình như xã Tân Tiến (Yên Sơn), từ nguồn tiết kiệm chi, đến nay, 100% cán bộ, công chức xã đã được trang bị máy tính xách tay để làm việc. Tại bộ phận “Một cửa”, xã còn trang bị camera, ghi âm nhằm nâng cao ý thức phục vụ của công chức, nâng cao hiệu quả công việc. Hay như Sở Tư pháp cũng từ nhiều năm nay đã tiết kiệm mỗi năm hàng trăm triệu đồng cho ngân sách nhà nước nhờ việc triển khai hiệu quả hệ thống quản lý và điều hành văn bản trong cán bộ, công chức. Từ đó xây dựng môi trường làm việc năng động, công khai, minh bạch, thông suốt trong toàn cơ quan.
Thực tế triển khai Đề án văn hóa công vụ của Bộ Nội vụ trên địa bàn tỉnh cho thấy những kết quả rõ nét và nổi bật ở nhiều cơ quan, đơn vị. Từ đó tăng niềm tin của người dân vào cán bộ, công chức, viên chức nói riêng và cơ quan công quyền nói chung. Xây dựng môi trường làm việc vừa đúng quy định của pháp luật nhưng cũng đầy ắp tình người phải bắt đầu từ mỗi cán bộ, công chức, viên chức. Bởi họ chính là một nhân tố quan trọng để làm nên một môi trường làm việc chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả.

Thủy Châu

Ông Nguyễn Ngọc Phẩm
Giám đốc Công ty cổ phần Đường bộ 232

Góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp

Văn hóa doanh nghiệp là yếu tố quyết định sự phát triển của một doanh nghiệp. Bởi sự khác biệt trong trình độ chuyên môn, trình độ văn hóa, mức độ nhận thức, quan hệ xã hội tạo ra môi trường làm việc đa dạng và phức tạp. Vì thế việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp trở thành nơi tập hợp, phát huy nguồn lực con người, làm gia tăng nhiều lần giá trị của từng nguồn lực con người đơn lẻ, góp phần vào sự phát triển chung của doanh nghiệp. Đối với Công ty cổ phần Đường bộ 232, chúng tôi xem trọng thái độ làm việc, tạo bầu không khí lao động dễ chịu, giao quyền cũng như trách nhiệm đến từng cán bộ, nhân viên, người lao động để phát huy hết khả năng cống hiến của từng người. Cùng với đó là công khai tài chính, thưởng phạt rõ ràng để tạo môi trường lao động công bằng, thử thách đối với người lao động. Chính nét văn hóa doanh nghiệp này giúp Công ty đã phát triển bền vững.

Ông Hà Xuân Tiệp
Chủ tịch UBNDxã Tứ Quận (Yên Sơn)

Góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp

Để phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn, Đảng ủy, UBND xã thường xuyên tuyên truyền, giáo dục về các nội dung của văn hóa công vụ gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị đến cán bộ, đảng viên; quán triệt mỗi cán bộ thực thi công vụ phải trọng dân, tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc, khiêm tốn; ngôn ngữ giao tiếp chuẩn mực, không hách dịch, cửa quyền; cách giải quyết công việc hiệu quả, không gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân. Qua đó, góp phần bồi đắp tinh thần, ý thức trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức xã. Đảng ủy, UBND xã cũng luôn tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ thường xuyên được học tập bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; thực hiện tốt chính sách cán bộ và công tác thi đua khen thưởng. Coi đây là cơ sở để xây dựng nền công vụ hiệu quả mang tính phục vụ nhân dân.

Bà Hà Nguyên Thu
Công chức Văn hóa - Xã hội phường An Tường (TP Tuyên Quang)

Góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp

Cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ phải phục tùng và chấp hành nghiêm các quy định của cơ quan, đơn vị, đồng thời phát huy tinh thần tự chủ, dám chịu trách nhiệm. Trong quan hệ đồng nghiệp cán bộ, công chức, viên chức phải chân thành, nhiệt tình bảo đảm sự đoàn kết; phối hợp và góp ý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ để công việc được giải quyết nhanh và hiệu quả; thường xuyên học tập nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ. Khi phục vụ nhân dân, viên chức phải có thái độ lịch sự, tôn trọng nhân dân, có tinh thần hợp tác, tác phong khiêm tốn; chấp hành các quy định về đạo đức nghề nghiệp để góp phần xây dựng văn hóa của cơ quan đơn vị.

Bà Trần Thị Hương
Thôn Phia Xeng, xã Hà Lang (Chiêm Hóa)

Cán bộ xã ngày càng chuyên nghiệp

Tôi thấy phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức các cơ quan, nhất là cơ quan xã hiện nay ngày càng thân thiện, chuẩn mực, chuyên nghiệp. Vừa qua, tôi đến xã làm thủ tục hành chính liên quan cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do có một số vướng mắc trong quá trình làm thủ tục. Rất may, tôi đã được cán bộ công chức địa chính xã hướng dẫn tận tình, kịp thời bổ sung một số giấy tờ còn thiếu, giải quyết công việc nhanh chóng... Thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ đã tạo ấn tượng tốt đối với tôi và đông đảo nhân dân.

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/vi-dan-phuc-vu-134636.html