Việc làm bền vững giúp người nghèo tự tin ứng phó với các 'cú sốc' cuộc sống

Có việc làm, người lao động vừa nuôi sống bản thân, không thất nghiệp, nhưng thông qua việc làm, họ cũng có cơ hội được tích lũy tài chính để nuôi sống gia đình và phục vụ lại các dịch vụ xã hội cơ bản tối thiểu khác.

Trong 6 chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản được đề cập đến trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025, việc làm là yếu tố đầu tiên, bên cạnh y tế, giáo dục nhà ở, nước sạch, vệ sinh và thông tin. Theo Tiến sĩ Bùi Sĩ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho rằng việc làm là yếu tố "quan trọng nhất, quyết định nhất" để giải quyết vấn đề đời sống.

"Chỉ có giải quyết được việc làm thì mới giải quyết giảm nghèo được bền vững", ông Lợi nói.

Phân tích cụ thể hơn về vai trò quan trọng của chiều việc làm trong giảm nghèo bền vững, Tiến sĩ Lợi cho rằng từ khi chuyển từ chỉ tiêu nghèo đơn chiều (theo lương thực và thực phẩm) sang đa chiều (gồm việc làm và 5 dịch vụ xã hội cơ bản), việc làm là chiều có yếu tố tác động mạnh nhất với giảm nghèo bền vững.

Việc làm giúp người lao động thuộc các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, được tự chủ, nâng cao thu nhập để giải quyết các vấn đề trong đời sống. Có việc làm, người lao động vừa nuôi sống bản thân, không thất nghiệp, nhưng thông qua việc làm, họ cũng có cơ hội được tích lũy tài chính để nuôi sống gia đình và phục vụ lại các dịch vụ xã hội cơ bản tối thiểu khác. Theo nhận định của nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, chúng ta đang giải quyết vấn đề việc làm theo tiến trình bền vững, linh hoạt, hiệu quả và tiến tới hội nhập quốc tế.

Việc làm ổn định sẽ giúp người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo tự tin hơn để vươn lên, chủ động ứng phó với các "cú sốc" bất ngờ.

Việc làm ổn định sẽ giúp người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo tự tin hơn để vươn lên, chủ động ứng phó với các "cú sốc" bất ngờ.

Bổ sung quan điểm này, Tiến sĩ Phạm Ngọc Toàn, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo chiến lược, Viện Khoa học lao động và xã hội thuộc Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng việc làm không chỉ tạo ra thu nhập trực tiếp cho người lao động hay hộ gia đình nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, mà còn tạo ra nền tảng để hộ gia đình tiếp cận các chiều dịch vụ xã hội cơ bản khác.

Ông dẫn chứng, khi có việc làm ổn định, người dân thuộc hộ nghèo có việc làm ổn định, có thu nhập, họ sẽ quay lại đầu tư cho giáo dục, nhà ở, tham gia vào hệ thống y tế, thông tin hay nước sạch, nhà vệ sinh. Có việc làm bền vững, người nghèo cũng có khả năng tiếp cận được với BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp. Do đó, việc giải quyết được chiều thiếu hụt việc làm đóng vai trò quan trọng để giảm nghèo bền vững.

Việc làm giúp người lao động thuộc hộ nghèo tự tin và có động lực

Nhiều chuyên gia cho rằng việc làm không chỉ giúp tăng thu nhập mà còn mang lại sự tự tin và động lực cho người nghèo vươn lên. Đồng thời, việc làm ổn định có thể giúp người nghèo đối phó với những cú sốc như dịch bệnh, thiên tai...

Theo Tiến sĩ Bùi Sĩ Lợi, việc làm là nguồn gốc cơ bản, quan trọng nhất để quyết định nguồn thu nhập. Khi có nguồn thu nhập đó, người lao động sẽ tự tin trong cuộc sống. Theo ông, đây chính là điều kiện tác động trở lại để họ phát triển việc làm, lại tăng thêm thu nhập.

Trong quá trình phát triển sản xuất, đầu tiên phải tái sản xuất sức lao động theo hình thức là giản đơn, tức là nuôi sống bản thân người lao động. Nhưng vấn đề quan trọng nhất là tạo được việc làm, tức là tạo ra "tái sản xuất sức lao động mở rộng", chính là để tạo tích lũy. Thông qua tích lũy này, người lao động không chỉ là nuôi sống bản thân, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ các dịch vụ xã hội cơ bản mà còn giải quyết được việc làm tiếp theo.

"Vì thế, người có việc làm bền vững thường có xu hướng sẽ tự tin với cuộc sống", ông Lợi nhận định. Nếu không may có lũ lụt, bão dông hay có tác động của thiên nhiên, người lao động có tích lũy vẫn có thể tồn tại được, Nhà nước và cộng đồng không phải bao cấp, người lao động nghèo có việc làm ổn định sẽ tự thoát khỏi khó khăn. Đó là yếu tố rất quan trọng.

Còn theo Tiến sĩ Phạm Ngọc Toàn, ngoài việc mang lại thu nhập từ việc làm giúp người lao động nghèo tự tin vào năng lực kiểm soát kinh tế, đảm bảo gia đình ổn định, trong quá trình tạo ra thu nhập, người lao động sẽ có điều kiện học hỏi, nâng cao kỹ năng. Điều này giúp người lao động nghèo khi tham gia hòa nhập xã hội sẽ thuận lợi hơn. Đặc biệt, khi có những cái cú sốc xảy ra như thiên tai, bão lũ hay dịch bệnh, họ vẫn còn vốn, nhân lực, vốn xã hội nhất định để giải quyết những cú sốc đấy.

Theo Tiến sĩ Bùi Sĩ Lợi, việc làm cũng tạo sinh kế cho người lao động. Ông cho rằng Nhà nước trao cho người dân nghèo "cần câu, không trao con cá" mà không bày cho họ "cách câu" thì cũng không giải quyết được triệt để vấn đề việc làm. Điều này có nghĩa là, việc làm cần được giải quyết khi phải vừa tạo nguồn vốn để sinh kế nhưng phải đào tạo nghề.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/viec-lam-ben-vung-giup-nguoi-ngheo-tu-tin-ung-pho-voi-cac-cu-soc-cuoc-song-2325629.html