Vĩnh Phúc vào top 10 tỉnh, thành có thu nhập bình quân đầu người cao nhất nước: Niềm tin được đền đáp

Khảo sát mức sống dân cư năm 2021 mới được Tổng cục Thống kê công bố cho biết, thu nhập bình quân 1 người/tháng trong năm 2021 của Vĩnh Phúc đạt 4,51 triệu đồng, đứng thứ 9 trong toàn quốc. Đây là thông tin không bất ngờ bởi nhiều năm gần đây, tỉnh luôn khẳng định được vị thế vững chắc của mình, từ thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp đến bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội và không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Thu hút đầu tư nước ngoài là một trong những chiến lược thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội quan trọng của Vĩnh Phúc những năm qua. (Ảnh chụp dây chuyền sản xuất xe máy tại Công ty Piaggio Việt Nam, Khu Công nghiệp Bình Xuyên)

Thu hút đầu tư nước ngoài là một trong những chiến lược thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội quan trọng của Vĩnh Phúc những năm qua. (Ảnh chụp dây chuyền sản xuất xe máy tại Công ty Piaggio Việt Nam, Khu Công nghiệp Bình Xuyên)

Không thể phủ nhận ở thời điểm hiện tại, với mức thu ngân sách cao hàng đầu các tỉnh phía Bắc cùng nhiều quyết sách đúng đắn trong phòng, chống dịch bệnh, phát triển kinh tế, mang lại sự ổn định cho đời sống nhân dân trên địa bàn, việc đánh giá Vĩnh Phúc giàu mạnh có phần nào đó giống như khen … “Phò mã tốt áo”!. Tuy nhiên xét một cách tổng thể phải thẳng thắn cho rằng không phải tự nhiên Vĩnh Phúc có được kết quả ấy, ngược lại, tỉnh đã phải trải qua vô vàn gian khó với sự chung sức, đồng lòng của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn để từng bước vươn lên giành nhiều cột mốc đáng nhớ.

Còn nhớ, năm 1997, khi mới tái lập, Vĩnh Phúc có số thu ngân sách chỉ khoảng 100 tỷ đồng. Kèm theo đó là hệ thống cơ sở hạ tầng gần như bằng không. Nếu có cũng đã rất cũ hoặc hỏng hóc không thể sử dụng. Trong tình thế như vậy, dù có muốn tỉnh cũng chẳng biết làm gì ngoài trông chờ vào sự hỗ trợ của Trung ương. Khi ấy, ngoài danh xưng quê hương Hai Bà Trưng, Vĩnh Phúc chỉ được biết đến như một tỉnh có diện tích tự nhiên nhỏ gần như nhất nước với số thu ngân sách hằng năm đứng gần đội sổ.

Nằm ngoài dự đoán của số đông, Vĩnh Phúc đã “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” khi từng bước khẳng định mình thực sự xứng đáng là con cháu của Hai Bà, trong mọi hoàn cảnh không cam chịu số phận, luôn đau đáu một nỗi niềm vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Cụ thể, tỉnh đã xây dựng nhiều chủ trương, quyết sách kịp thời, hợp lý và quyết liệt trên tinh thần sử dụng tối đa nội lực, tận dụng tối đa ngoại lực để làm đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế.

Đặc biệt, Vĩnh Phúc đã đề ra và thực hiện thành công một chủ trương rất mới, bắt nguồn từ quan điểm không hề duy ý chí mà mang đầy tính khoa học về phát triển KT-XH. Đó là coi nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân là lĩnh vực đặc biệt quan trọng; lấy công nghiệp là nền tảng để tạo ra sự tăng trưởng nhanh, tạo ra nhiều việc làm mới nhằm giảm lao động trong nông nghiệp, giảm số lượng nông dân, giúp cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân.

Phát triển công nghiệp để thu được nhiều ngân sách, đáp ứng yêu cầu đầu tư và tái đầu tư phát triển, hỗ trợ cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Tập trung phát triển các lĩnh vực dịch vụ, lấy du lịch là mũi nhọn để khai thác các tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên của Vĩnh Phúc.

Giai đoạn 1997-2000, trong bối cảnh tỉnh mới tái lập, điều kiện kinh tế rất khó khăn, tiềm lực hạn chế, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đã đề ra phương hướng đặc biệt quan trọng là “Tập trung mọi nguồn lực tạo điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Hướng chủ yếu là phát triển mạnh công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài...”.

Từ những định hướng này, Vĩnh Phúc đã chú trọng đảm bảo cơ bản các cơ sở làm việc cho các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân; đầu tư từng bước cơ sở hạ tầng KT-XH; thực hiện chính sách “trải thảm đỏ” và “đi tắt đón đầu”, tập trung ưu tiên các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp nhằm tạo quỹ đất thuận lợi về vị trí địa lý để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Từ đó, đã thu hút được một số dự án quan trọng, làm tiền đề cho sự phát triển KT-XH của tỉnh sau này... KT-XH từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn và có bước phát triển quan trọng. Vĩnh Phúc cũng tập trung cho công tác xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực và phẩm chất để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ rất nặng nề đang đặt ra.

Trong 10 năm từ 2000-2010, Vĩnh Phúc phát triển đột phá, tạo nền tảng chắc chắn cho các giai đoạn tiếp theo. Từ một tỉnh nghèo, có quy mô công nghiệp nhỏ, thu ngân sách thấp, Vĩnh Phúc đã trở thành tỉnh trong tốp đầu về phát triển công nghiệp và thu ngân sách. Hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH có bước phát triển đồng bộ, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao.

Làm được điều đó, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã tiếp tục kế thừa truyền thống của quê hương Hai Bà Trưng anh hùng, kế thừa những thành tựu của các thời kỳ trước, đặc biệt là kế thừa những thành tựu của giai đoạn 1997-2000 để đề ra những quan điểm mới, những định hướng chiến lược và giải pháp đột phá để huy động các nguồn lực cho phát triển Vĩnh Phúc.

Sau 25 năm tái lập, kinh tế tỉnh Vĩnh Phúc đã có bước phát triển vượt bậc cả về lượng và chất. Trong giai đoạn 1997-2021, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân tăng 13,44%/năm.

Xét về GRDP bình quân đầu người, GRDP liên tục tăng qua các năm, năm 2020, đạt 105,5 triệu đồng/người, đứng thứ 5/11 tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 10/63 tỉnh, thành trong cả nước; năm 2021 đạt 114,3 triệu đồng/người, cao gấp 52,5 lần so với năm 1997 (2,18 triệu đồng/người).

Qua đó thấy được nhờ vào chiến lược phát triển đúng đắn, Vĩnh Phúc đi từ một tỉnh nghèo có GRDP bình quân đầu người năm 1997 kém 4 lần nhưng đến nay đã gấp 1,3 lần cả nước.

Cùng với đó, thu nhập bình quân đầu người của Vĩnh Phúc cũng được cải thiện rõ rệt. Năm 2002, thu nhập bình quân của tỉnh chỉ xếp thứ 41/63 tỉnh, thành, đạt 0,265 triệu đồng/người/tháng. Đến năm 2021, thu nhập bình quân của tỉnh đã tăng lên đạt 4,511 triệu đồng/người/tháng, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành. Như vậy sau 19 năm, thu nhập bình quân của tỉnh đã tăng 17 lần.

Hiện tại, để duy trì và tiếp tục cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, hướng tới mục tiêu mọi người dân đều được hưởng thành quả do chính mình tạo ra như trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhấn mạnh, tỉnh tập trung chính vào việc thu hút nguồn vốn FDI. Cụ thể là tập trung thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, ưu tiên các dự án phát triển công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghiệp điện tử, nông nghiệp công nghệ cao, y tế, giáo dục…

Có thể nói, từ một tỉnh nghèo, Vĩnh Phúc đã có những bước bứt phá ngoạn mục, vươn lên thành một trong những tỉnh giàu có và phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta, điều đó có được từ những chủ trương, quyết sách sáng suốt, hợp lòng dân và hợp xu thế thời đại của Đảng, Nhà nước nói chung, sự năng động, sáng tạo và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền địa phương nói riêng. Đây chính là sự đền đáp xứng đáng cho niềm tin của nhân dân vào một chính quyền thực sự hiểu dân, do dân và vì dân.

Bài, ảnh: Quang Nam

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/79466/vinh-phuc-vao-top-10-tinh-thanh-co-thu-nhap-binh-quan-dau-nguoi-cao-nhat-nuoc-niem-tin-duoc-den-dap.html