Vòng loại cuối cùng World Cup 2022: Mong sao 'chân cứng đá mềm'

Khi đội tuyển Việt Nam thất bại 6 trận liên tiếp ở vòng loại cuối cùng World Cup 2022, giới mộ điệu thấy rõ thực lực của đội nhà so với những nền bóng đá ưu tú, hàng đầu châu lục.

Những đội bóng tiêu biểu của Tây Á, Đông Á và Australia đã biết cách khai thác hàng loạt điểm yếu của thầy trò huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo.

Điểm yếu của Trung Quốc, Saudi Arabia... ban huấn luyện và cầu thủ Việt Nam biết chứ! Đội nhà biết qua những lần “mổ băng”, qua những lần nghiên cứu bàn thua của đối thủ. Nhưng để khai thác kẽ hở trong hệ thống phòng ngự của đối phương thì thầy trò HLV Park Hang-seo vẫn chưa có nhiều phương án tác chiến.

Biết trung vệ Trung Quốc xoay sở chậm, thầy Park đã cho quân luyện những đòn đánh phía sau lưng hàng thủ đối phương, và bàn thắng của Tiến Linh vào lưới Trung Quốc là điểm 10 cho công sức tập luyện và khả năng phối hợp, dứt điểm tinh tế.

 Đội tuyển Việt Nam rất cần sự động viên của người hâm mộ sau những thất bại vừa qua. Ảnh: TUẤN HUY

Đội tuyển Việt Nam rất cần sự động viên của người hâm mộ sau những thất bại vừa qua. Ảnh: TUẤN HUY

Trước trận gặp Saudi Arabia trên sân Mỹ Đình (Hà Nội), trong buổi họp báo, HLV Park Hang-seo tuyên bố: “Gặp Saudi Arabia ở trận lượt đi, chúng tôi bị rối khi họ hoán đổi linh hoạt liên tục, hỗ trợ với nhau rất tốt. Tuy nhiên, sau khi phân tích trận đấu này, chúng tôi đã tìm ra được những điểm có thể khai thác trong trận lượt về”.

Giữa việc “tìm ra” và “khai thác” được đôi khi lại là khoảng cách diệu vợi. Nhật Bản thua Oman 0-1 trên sân nhà nhưng ở trận lượt về, đội bóng xứ phù tang đã đòi nợ thành công khi thắng 1-0. Điểm yếu của Oman, Trung Quốc hay Australia, khi gặp những đối thủ trên cơ như Nhật Bản và Saudi Arabia thì nó hiện ra (thầy trò HLV Park Hang-seo nhìn thấy qua băng ghi hình) nhưng khi các đội trên gặp Việt Nam thì nó không còn là điểm yếu hoặc nếu còn, thì đội nhà không đủ năng lực, trình độ khoét vào điểm yếu đó.

Thầy Park rất muốn đội nhà ghi bàn trên sân Mỹ Đình nhưng khát vọng trên chưa thành hiện thực. Chiến lược gia người Hàn Quốc than thở: “Nhìn đi nhìn lại, các chân sút chỉ có Tiến Linh, Công Phượng, Hà Đức Chinh, Quang Hải, Văn Toàn. Bóng đá Việt Nam chưa có thêm các tiền đạo có năng lực”.

Đội tuyển Việt Nam đã có những khoảng thời gian làm chủ thế trận, ép sân Nhật Bản, Saudi Arabia, Trung Quốc, Australia, Oman nhưng vừa lo tiếp cận cầu môn đối phương, Tuấn Anh, Hoàng Đức, Quang Hải... vừa lo cho khung thành đội nhà. Hàng tiền vệ đội tuyển Việt Nam đều là các cầu thủ có kỹ thuật, giữ bóng tốt, thậm chí Quang Hải chỉ cần một vài động tác giả đánh hông, xoay trụ là qua được sự truy kèm của cầu thủ Nhật Bản, Trung Quốc, nhưng lối chơi kiểm soát bóng chưa phải là sở trường của đội tuyển Việt Nam.

Trên hành trình vô địch AFF Cup 2018, rồi tiến vào vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á... lối chơi của đội tuyển quốc gia luôn là chủ động nhường thế trận. Thầy trò nhà Park Hang-seo thoải mái với cách chơi này, và con người thầy Park sử dụng cũng để phục vụ cho thế trận phòng ngự phản công.

Hai trận gần nhất gặp Nhật Bản và Saudi Arabia trên sân Mỹ Đình, đội tuyển Việt Nam không thể ổn định lên bóng từ hàng thủ dù chúng ta hơn đối thủ quân số trên phần sân nhà. Mỗi khi có bóng, thủ môn Tấn Trường thường phát bóng lên trên. 2/3 trong số này là mất bóng vào đối phương. Đội tuyển Việt Nam lép vế trước các anh hào châu lục ở khả năng luân chuyển bóng, giữ bóng, vậy thật khó để tính tới chuyện kiểm soát thế trận, dàn dựng các tình huống tấn công bài bản.

Nhật Bản lẫn Saudi Arabia dù chỉ thắng đội tuyển Việt Nam 1-0, nhưng tỷ số mong manh trên lại là rào cản cực lớn đối với đội nhà.

Những bàn thua của đội nhà ít nhiều đều có lỗi của cá nhân lẫn hệ thống phòng ngự. Thầy Park từng thừa nhận “tôi đã sai”. Vào đến vòng loại cuối cùng, mọi sai lầm đều phải trả giá. Kém về trình độ, chúng ta sẽ nỗ lực cố gắng qua từng trận. Nhưng chúng ta không thể thua kém về thái độ trên sân.

Đã lên tuyển quốc gia thì không thể mang cách hành xử ở V-League vào các trận thư hùng quốc tế. Trận gặp Saudi Arabia trên sân Mỹ Đình, Công Phượng đánh cùi chỏ vào đầu đối phương, rất may anh chỉ bị nhận thẻ vàng chứ tình huống đó, trọng tài rút thẻ đỏ thì tính sao đây?

Kể từ khi chiến lược gia Park Hang-seo đến với bóng đá Việt Nam, đây chính là thời điểm thầy Park gặp nhiều áp lực nhất. Giúp thầy giải tỏa áp lực chỉ có thể là các học trò, người hâm mộ, giới truyền thông... Chúng ta có quyền hy vọng, rằng sau một vài “bước đi” chệch choạc ở vòng loại cuối cùng World Cup châu lục trong lần đầu lịch sử tham dự, thầy trò HLV Park Hang-seo sẽ “chân cứng đá mềm” ở những trận đấu sắp tới.

KHOA MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/vong-loai-cuoi-cung-world-cup-2022-mong-sao-chan-cung-da-mem-678036