Xã Hội TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Tuần hỗ trợ, kết nối việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19 được UBND tỉnh phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB &XH) tổ chức trong 3 ngày (27-29/8) đã mở ra nhiều cơ hội về tìm kiếm lao động cho các doanh nghiệp cũng như việc làm cho lao động là người địa phương trong tỉnh. Đây là sự kiện làm thỏa lòng các đơn vị doanh nghiệp cũng như nguồn lao động trên địa bàn; đặc biệt trong điều kiện dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường như hiện nay.

Theo thống kê sơ bộ, Lai Châu có hơn 2 vạn người ở độ tuổi lao động đang ly hương làm ăn tại các tỉnh, thành trong cả nước. Đại dịch Covid-19 xuất hiện từ đầu năm 2020 đến nay, đặc biệt là làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 (từ cuối tháng 4/2021) đã có khoảng hơn 1.500 lao động từ các khu công nghiệp lớn ở các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Hải Dương, Thành phố Hà Nội và một số tỉnh miền Nam phải trở về địa phương. Do dịch bệnh, các nhà máy, xí nghiệp, công ty phải tạm dừng hoạt động đồng nghĩa với số công nhân này thất nghiệp, con đường hồi hương là lựa chọn duy nhất đối với người lao động.

Người lao động phỏng vấn tìm cơ hội việc làm tại Công ty Cổ phần Phát triển điện Pa Tần (huyện Sìn Hồ).

Người lao động phỏng vấn tìm cơ hội việc làm tại Công ty Cổ phần Phát triển điện Pa Tần (huyện Sìn Hồ).

Tìm giải pháp giải quyết việc làm cho người dân trong tỉnh nói chung, số lao động trở về địa phương sau các đợt dịch nói riêng cũng là cách giúp các đơn vị doanh nghiệp tìm kiếm lao động đảm bảo ổn định sản xuất kinh doanh, Sở LĐ,TB&XH tham mưu UBND tỉnh rà soát, thống kê, đề nghị các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện tiếp nhận lao động là người địa phương vào làm việc. Qua khảo sát có 32 doanh nghiệp/1.241 đơn vị sản xuất, kinh doanh (có đăng ký thuế) đang có nhu cầu tuyển dụng lao động. Theo đó có 4.646 vị trí cần tuyển, trong đó các doanh nghiệp về mắc-ca có nhu cầu tuyển hơn 2.000 lao động, còn lại các công ty về thủy điện và các lĩnh vực khác. Ngay sau lễ khai mạc, đã có hơn 1.000 lao động đăng ký việc làm ở nhiều vị trí công việc khác nhau. Theo ông Đèo Văn Thương - Giám đốc Sở LĐ,TB&XH, con số này sẽ không dừng ở đó mà còn tiếp tục nâng lên bởi trong thời gian tới, tỉnh sẽ tận dụng tối đa khoảng “thời gian xanh” của điều kiện dịch bệnh, phối hợp với chính quyền địa phương rà soát lại nhu cầu của người lao động đã đăng ký, kết nối việc làm cho các doanh nghiệp đang cần tuyển dụng lao động theo các vị trí đang cần.

Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu được thành lập với tổng vốn điều lệ lên tới 1.000 tỷ đồng, ngành, nghề sản xuất bao gồm: trồng mới, chăm sóc, bảo vệ, chế biến mủ cao su và các cây trồng khác. Diện tích quản lý của công ty hiện nay gần 7.000ha tại 2 huyện: Sìn Hồ, Phong Thổ; trong đó có 5.088ha cao su đang khai thác mủ. Sản lượng cao su 7 tháng đầu năm nay lên tới 1.846 tấn, trong đó đã tiêu thụ được 1.452 tấn với doanh thu 53 tỷ đồng. Với 981 lao động, hiện nay mức lương bình quân công ty chi trả cho người lao động là 4,5 triệu đồng/người/tháng, ngoài ra còn đảm bảo các chế độ bảo hiểm, chính sách hỗ trợ khác cho người lao động. Để đáp ứng đạt các chỉ tiêu trồng, chăm sóc, bảo vệ cây cao su và các cây trồng khác do Tập đoàn Cao su Việt Nam giao, hiện nay công ty đang có nhu cầu tuyển thêm 40 lao động phổ thông phục vụ công việc ở các nông trường cao su. Trước khi nhận vào làm chính thức, công ty sẽ có trách nhiệm đào tạo kỹ thuật cạo mủ cao su cho người lao động. Theo kế hoạch, năm 2022, công ty tiếp tục tuyển khoảng 200 lao động để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cao su.

Còn đối với Công ty TNHH Him Lam Lai Châu đến với Tuần hỗ trợ, kết nối việc làm, mong muốn có thể tuyển dụng hơn 528 lao động, trong đó có tới 490 lao động phổ thông với mức lương cơ bản từ 5-15 triệu đồng/người/tháng. Điều này đồng nghĩa với cơ hội việc làm tại chỗ của lao động địa phương đang mở rộng thênh thang, miễn là có đủ sức khỏe đáp ứng được công việc nhà tuyển dụng đưa ra. Bởi, trước khi chính thức nhận vị trí việc làm, họ đều được đơn vị sử dụng lao động đào tạo, tập huấn, hướng dẫn cụ thể công việc để bắt kịp với yêu cầu nhiệm vụ.

Trên đây chỉ là 2 trong rất nhiều đơn vị đang tìm kiếm nguồn lao động tại địa phương. Sự hợp tác giữa đơn vị doanh nghiệp với nguồn lao động tại chỗ đem lại thuận lợi cho nhiều bên và bền vững, đúng như ông Vũ Huy Lượng - Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Phiêng Lúc (xã Nậm Cần, huyện Tân Uyên) nhận định: Lao động địa phương là người dân sở tại, ở gần gia đình, quê hương, có công việc ổn định giúp họ yên tâm làm việc, gắn bó cống hiến cho công ty. Nếu lao động là người nơi khác đến, họ làm việc không ổn định, nay đây mai đó, tiện đâu làm đấy, nơi nào trả với mức lương cao hơn họ sẵn sàng thay đổi. Bao nhiêu công sức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề đã đầu tư cho họ cũng đều bỏ phí.

Tại Tuần hỗ trợ, kết nối việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, có hàng nghìn lao động là con em đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh đến dự, tham quan và mong muốn tìm được công việc làm vừa sức, đem lại nguồn thu nhập tương xứng với khả năng. Anh Vàng Văn Ngân (xã Mường So, huyện Phong Thổ) tốt nghiệp khoa Sư phạm Toán - Lý (Trường Đại học Tây Bắc) năm 2013. Ra trường không xin được việc làm nên anh xây dựng gia đình cho ổn định, sau đó về tỉnh Hải Dương xin làm công nhân ngành Điện tử Điện lạnh. Đợt dịch thứ 4 bùng phát, nhiều khu công nghiệp ở tỉnh Hải Dương tạm đóng cửa, anh Ngân phải trở về quê, từ đó đến nay chưa tìm được công việc mới. Biết đến sự kiện Tuần hỗ trợ, kết nối việc làm, anh đã chuẩn bị mọi điều kiện để về thành phố dự, tìm hiểu và phỏng vấn, mong muốn được nhận vào làm việc tại Công ty Thủy điện Nậm So 1.

Dự và phát biểu tại lễ khai mạc Tuần hỗ trợ, kết nối việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, đồng chí Tống Thanh Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng, đây là hoạt động thực sự ý nghĩa, hiệu quả, đúng tôn chỉ mục đích “không bỏ ai ở lại phía sau” do đại dịch. Do đó, chính quyền các huyện, thành phố cần chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn ưu tiên tuyển dụng lao động là người địa phương, nhất là khi phê duyệt các chủ trương, dự án lớn. Sở LĐ,TB&XH phải thực hiện khớp nối và hướng dẫn người lao động, đơn vị tuyển dụng lao động hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, ký hợp đồng để tạo cơ sở pháp lý giúp người lao động yên tâm làm việc tại các đơn vị doanh nghiệp.

Những ngày này, đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên khắp đất nước, tinh thần “tương thân tương ái”, chung tay chia sẻ với nhau của người dân được thể hiện sinh động, cụ thể hơn bao giờ hết. Ở Lai Châu cũng vậy, các đơn vị doanh nghiệp đang đồng lòng cùng với tỉnh, sát cánh cùng đồng bào các dân tộc, tất cả thực hiện quyết tâm vượt qua gian khó do dịch Covid-19 gây ra.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/th%E1%BB%8Fa-m%C3%A3n-cung-c%E1%BA%A7u-lao-%C4%91%E1%BB%99ng-vi%E1%BB%87c-l%C3%A0m