Xuất khẩu ngày 2-4/1: Thủy sản thẳng tiến đến Anh nhờ UKVFTA, tôn mạ nhôm kẽm 'tắc đường' sang Malaysia

Xuất khẩu thủy sản thẳng tiến đến Anh nhờ UKVFTA, giá gạo xuất khẩu tiếp tục lập đỉnh mới, tôn mạ nhôm kẽm 'tắc đường' sang Malaysia... là những tin chính trong bản tin xuất khẩu ngày 2-4/1.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2011. (Nguồn: Vinanet)

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2011. (Nguồn: Vinanet)

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam lên mức cao nhất 9 năm

Trang Reuters cho biết, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng lên 500-505 USD/tấn vào ngày 31/12/2020, từ mức 500 USD một tấn hồi tuần trước do nguồn cung trong nước ít. Đây cũng là mức giá cao nhất kể từ tháng 12/2011.

Nguồn cung giảm và việc Philippines tiếp tục mua vào đã nâng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lên mức cao nhất trong 9 năm.

Khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2020 được dự báo giảm 3,5% xuống còn 6,15 triệu tấn, theo số liệu sơ bộ của Chính phủ. Tuy nhiên, doanh thu xuất khẩu gạo trong năm 2020 dự kiến tăng 9,3% lên 3,07 tỷ USD.

Trong khi đó, gạo 5% tấm tiêu chuẩn của Thái Lan được xuất khẩu với giá 510-516 USD/tấn, thấp hơn 4-6 USD một tấn tuần trước đó. Các thương nhân cho biết, nhu cầu đối với gạo Thái tương đối ổn định vì giá cao.

Với gạo Ấn, mức giá xuất khẩu là 381-387 USD/tấn, không thay đổi so với tuần trước, do nhu cầu ổn định từ các nước châu Á và châu Phi.

Xuất khẩu thủy sản thẳng tiến sang Anh nhờ UKVFTA

Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (UK) vừa qua đã chính thức ký kết Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam (UKVFTA). UKVFTA đi vào thực thi, trên tinh thần tiếp nối Hiệp định EVFTA với các điều khoản cam kết tương tự, thủy sản Việt Nam sẽ có thêm cơ hội, tiềm năng phát triển xuất khẩu sang thị trường UK với các lợi thế về cam kết thuế quan có được từ Hiệp định UKVFTA, đặc biệt là trong các tháng đầu năm 2021.

Số liệu của Bộ Công Thương cho biết, tính đến hết tháng 11/2020, xuất khẩu thủy sản sang Anh tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2019, đạt khoảng 322 triệu USD, trong đó tôm, cá tra, cua ghẹ và các loại cá biển là những sản phẩm đạt mức tăng trưởng tích cực; đặc biệt là cá tra đã có sự đột phá về cơ cấu chủng loại xuất khẩu, theo đó sản phẩm cá tra chế biến đã tăng trưởng tốt, gấp hơn 15 lần so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 33% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra (trong khi năm 2019 chỉ chiếm 3%).

Do tác động của dịch Covid-19, các sản phẩm chế biến với giá trị gia tăng cao của Việt Nam đã và đang chiếm lĩnh dần thị trường Anh, cụ thể tôm chân trắng chế biến tăng 33%, tôm sú chế biến tăng gần 120%, cua ghẹ đóng hộp tăng 61%, cá biển phile đông lạnh tăng 127%...

Tính đến nay, thị trường UK là một trong 10 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, với thị phần thủy sản xuất khẩu năm 2020 đạt hơn 4% (năm 2015 đạt 1,03%).

Khi Anh và Việt Nam đã chính thức ký kết Hiệp định UKVFTA, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này sẽ tiếp tục được hưởng các ưu đãi dựa trên cơ chế tiếp nối Hiệp định EVFTA.

Đối với các dòng thuế mà EU đã cam kết dành cho Việt Nam trong cơ chế hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%, Anh dành cho Việt Nam lượng hạn ngạch đối với các mặt hàng này trên cơ sở số liệu thống kê của EU về trao đổi thương mại song phương thực tế giữa Việt Nam và UK trong giai đoạn 2014 - 2016.

Cơ hội cho hải sản Việt Nam tại thị trường Lào

Sau lệnh cấm nhập khẩu hải sản Thái Lan vì lo ngại lây lan dịch Covid-19, các doanh nghiệp kinh doanh thủy sản Lào đang nhanh chóng tìm kiếm các nhà cung cấp mới từ Việt Nam.

Ổ dịch Covid-19 tại một chợ hải sản của Thái Lan mới đây đã nhanh chóng lây lan ra nhiều tỉnh thành, khiến Chính phủ Lào lo lắng, ra lệnh tạm dừng nhập khẩu hải sản từ Thái Lan từ cuối tháng 12/2020, cho đến khi hai nước tìm ra biện pháp đảm bảo sự an toàn trong việc xuất nhập khẩu mặt hàng này. Ngay lập tức, các doanh nghiệp kinh doanh hải sản của Lào đã nhanh chóng chuyển sang tìm kiếm các nhà nhập khẩu hải sản của Việt Nam.

Lâu nay, nguồn hải sản Việt Nam nhập khẩu vào Lào chủ yếu từ vùng biển miền Trung, bằng đường bộ qua cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) và cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), với sản lượng chưa nhiều, chủ yếu do các tiểu thương là người Việt kinh doanh tại Lào đặt hàng cung cấp cho một số nhà hàng. Hầu hết hải sản được bán tại các siêu thị và chợ lớn của Lào là nhập khẩu từ Thái Lan.

Hải sản Việt Nam được người tiêu dùng tại Lào ưa chuộng vì tươi ngon ngon nhờ quãng đường vận chuyển ngắn. Tuy nhiên, chưa thể cạnh tranh với hải sản Thái Lan về giá cả và phương thức thanh toán. Nhiều nhà hàng hải sản tại thủ đô Vientiane cho biết, chi phí đã tăng thêm từ 20% khi phải bán hải sản mua từ Việt Nam, sau khi có lệnh cấm nhập khẩu hải sản Thái Lan.

Việc chuyển hướng thị trường nhập khẩu là cơ hội để hải sản Việt Nam thâm nhập mạnh hơn vào thị trường Lào. Vấn đề còn lại là các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nắm bắt cơ hội này như thế nào và có cách tiếp cận thích hợp để hải sản Việt Nam có thể cạnh tranh với hàng hải sản Thái Lan.

Tôn mạ nhôm kẽm "tắc đường" sang Malaysia

Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công thương cho biết Bộ Công nghiệp và thương mại quốc tế Malaysia (MITI) vừa ban hành kết luận cuối cùng điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ nhôm và kẽm có xuất xứ từ Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Theo đó, biên độ phá giá mà Việt Nam bị cáo buộc từ 1,56-37,14%.

Trong danh sách các doanh nghiệp Việt Nam được MITI công bố mức thuế, chỉ duy nhất Công ty Tôn Phương Nam được xác định có biên độ bán phá giá không đáng kể (dưới 2%) nên không bị áp thuế, đồng thời mức thuế chống bán phá giá áp dụng đối với doanh nghiệp còn lại của Việt Nam từ 3,06-37,14%, khá cao so với doanh nghiệp của Trung Quốc từ 2,1-18,88% và Hàn Quốc từ 9,98-34,94%.

Riêng 7 doanh nghiệp có thế mạnh xuất khẩu đối với chủng loại sản phẩm nói trên sang thị trường Malaysia bị xác định bán phá giá, Tôn Hoa Sen chịu mức thuế cao nhất với 16,55%, xếp sau là Tôn Đông Á ở mức 15,87% và Tây Nam Steel ở ngưỡng 5,48%.

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xuat-khau-ngay-2-41-thuy-san-thang-tien-den-anh-nho-ukvfta-ton-ma-nhom-kem-tac-duong-sang-malaysia-133075.html