1 người chết, hơn 150 nhà dân bị tốc mái do mưa lớn tại các tỉnh miền Trung
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, mưa lớn kèm lốc, sét xảy ra từ ngày 24 - 25/9/2023 đã làm 1 người chết (Quảng Trị) và 6 người bị thương (Thừa Thiên Huế); 153 ngôi nhà bị tốc mái (Quảng Trị 69 nhà; Thừa Thiên Huế 84 nhà).
Mưa lớn cũng gây ngập tại một số ngầm tràn, điểm đường giao thông tại các huyện Minh Hóa (14 điểm, trong đó một số điểm ngập sâu từ 0,4 - 2,0m); Quảng Ninh (4 điểm); Tuyên Hóa (3 điểm); 3 điểm trên quốc lộ 15 và 9B gây chia cắt 18 thôn bản thuộc các huyện Minh Hóa, Quảng Ninh.
Ngoài ra, 2 cột điện trung thế bị gãy đổ (Thừa Thiên Huế); 2.000 cây ăn quả, cây bóng mát bị ảnh hưởng (Quảng Trị).
Các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị đã huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục nhà ở, ổn định đời sống; tỉnh Quảng Bình tổ chức kiểm soát giao thông tại các điểm bị ngập sâu, chia cắt.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, từ ngày 26 - 27/9, khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình mưa phổ biến 150 - 350mm, có nơi trên 400mm; từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi từ 50 - 150mm, có nơi trên 150mm; Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ từ 40 - 80mm, có nơi trên 120mm; đồng bằng Bắc Bộ có mưa từ 50 - 150mm, có nơi trên 200mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Mưa lớn ở khu vực Thanh Hóa đến Quảng Bình có khả năng kéo dài đến hết ngày 28/9 với lượng mưa phổ biến từ 40 - 80mm, có nơi trên 100mm. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá: cấp 1.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ triển khai ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất theo Công điện số 11/CĐ-QG ngày 24/9/2023 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, trong đó chủ động sơ tán dân khu vực bị ngập sâu, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất; tổ chức kiểm soát giao thông trên các tuyến đường bị ngập sâu, chia cắt.
Đồng thời, tổ chức trực ban, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.