1 người tử vong do sốt xuất huyết, Đắk Lắk cảnh báo nguy cơ có thêm nhiều bệnh nhân

Tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 623 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 621 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Dengue và sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo, 2 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue nặng, 1 trường hợp tử vong.

Trường hợp tử vong là bệnh nhi 7 tuổi, ở thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk. Ngày 4/7/2023, trẻ xuất hiện các triệu chứng sốt, ở nhà có dùng thuốc nhưng không hạ sốt.

Ngày 6/7/2023, người nhà đưa trẻ đi khám tại 1 cơ sở y tế tại TP. Buôn Ma Thuột, được chẩn đoán sốt xuất huyết, kê đơn thuốc điều trị tại nhà.

Ngày 08/7/2023, trẻ đau bụng, tay chân lạnh, người nhà đưa trẻ khám, nhập Bệnh viện Nhi Đức Tâm và được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, trẻ được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết Dengue nặng ngày thứ 4, đã xử trí dịch truyền và các thuốc hỗ trợ khác. Bệnh nhân tử vong với chẩn đoán viêm cơ tim cấp, sốc sốt xuất huyết Dengue nặng ngày thứ 4 tái sốc lần 1.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đắk Lắk làm việc tại Trạm Y tế phườngThiện An, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Quang Nhật

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đắk Lắk làm việc tại Trạm Y tế phườngThiện An, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Quang Nhật

Bà Tô Thị Thanh Minh – Phụ trách Khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk nói: Ngay sau khi ghi nhận trên địa bàn có một trường hợp bệnh nhi tử vong vì mắc sốt xuất huyết, ngành y tế đã phối hợp với Trạm Y tế phường Thiện An (nơi gia đình bệnh nhi sinh sống) tiến hành điều tra dịch tễ của ca bệnh.

Đồng thời thực hiện các biện pháp xử lý vệ sinh môi trường, điều tra véc tơ truyền bệnh và phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành tại nhà bệnh nhân và các hộ dân xung quanh.

BS Trần Kim Long - Phụ trách Khoa Phòng chống bệnh Truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, cho biết, qua công tác kiểm tra, giám sát và điều tra véc tơ gây bệnh tại nhà bệnh nhân trước khi tiến hành phun hóa chất diệt muỗi, chỉ số mật độ muỗi và số lượng dụng cụ chứa nước có lăng quăng, bọ gậy đều ở mức cao.

"Sau khi xử lý môi trường và tiến hành phun hóa chất, các chỉ số véc tơ truyền bệnh tại khu vực nhà bệnh nhân đã đạt ở mức độ thấp, khoảng 1 tuần nữa cán bộ y tế sẽ tiến hành phun hóa chất diệt muỗi lần 2.

Nới bệnh nhi và gia đình ở chỉ mới ghi nhận duy nhất một trường hợp bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, công tác xử lý vệ sinh môi trường, phun hóa chất đã được tiến hành nên khả năng bệnh sốt xuất huyết bùng phát thành dịch tại đây là không cao.

"Tuy nhiên, hiện nay đang là thời điểm bệnh sốt xuất huyết gia tăng, do đó, người dân không nên chủ quan mà cần nâng cao hơn nữa ý thức phòng chống bệnh", bác sĩ Long nói.

Theo nhận định của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, tình hình dịch sốt xuất huyết có thể gia tăng nhanh trong thời gian tới, do điều kiện thời tiết hiện nay thuận lợi cho lăng quăng, muỗi truyền bệnh phát triển.

Vì vậy, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và ngành Y tế, người dân cũng cần nâng cao nhận thức, ý thức, thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Mai Lê - Quang Nhật

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/1-nguoi-tu-vong-do-sot-xuat-huyet-dak-lak-canh-bao-nguy-co-co-them-nhieu-benh-nhan-169230713145618154.htm