Theo Washington Post, hàng nghìn người đã tập trung tại Bangkok hôm 16/8 trong cuộc biểu tình chống chính phủ lớn nhất từ năm 2014 để yêu cầu Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha từ chức và thay đổi hiến pháp. Họ cũng yêu cầu thay đổi vai trò của hoàng gia trong chính trị ở Thái Lan - một vấn đề cấm kỵ theo luật nước này. Trong ảnh là một người biểu tình cầm biểu ngữ đi qua chân dung Vua Maha Vajiralongkorn.
Người biểu tình đã tập trung tại Tượng đài Dân chủ ở Bangkok, ca hát, nhảy múa và thường xuyên hô vang các khẩu hiệu phản đối ông Prayuth. Thủ tướng Prayuth, người lên nắm quyền sau cuộc đảo chính 2014, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử gây tranh cãi vào năm ngoái. Nhiều người cho là cuộc bầu cử đã bị thao túng để ông Prayuth có thể tiếp tục nắm quyền.
Vài giờ sau khi cuộc biểu tình bắt đầu, một đám đông ước tính khoảng 10.000 người đã tràn ra các đường phố xung quanh. Cuộc biểu tình được liên minh thanh niên từ một số trường học và đại học Thái Lan tổ chức. Họ cũng kêu gọi giải tán quốc hội và sửa đổi hiến pháp của Thái Lan.
Suốt mùa hè, sinh viên Thái Lan đã dẫn đầu các cuộc biểu tình phản đối hiến pháp và quyền lực hiến pháp dành cho quân đội. Cùng với sự biến mất đầy nghi vấn của các nhà hoạt động chỉ trích quân đội và hoàng gia, các cuộc biểu tình cũng trở thành động lực cho các hoạt động khác như đòi quyền LGBT và quyền phụ nữ. Tuần qua, lần đầu tiên các lãnh đạo sinh viên nhắm vào hoàng gia, khả năng can thiệp vào chính trị, sự giàu có và ảnh hưởng của nhà vua với chính quyền.
Panusaya Sithijirawattanakul, một sinh viên năm 3 tại Đại học Thammasat, một trong những người dẫn đầu cuộc biểu tình, cho biết: “Chúng tôi đang kêu gọi cải cách hoàng gia ở Thái Lan, giống như ở Anh, nơi hoàng gia không can thiệp trực tiếp vào chính trị”. Theo luật của Thái Lan, Panusaya có thể phải ngồi tù tới 15 năm vì tuyên bố trên. Thái Lan là quốc gia có luật chống khi quân khắt khe nhất thế giới.
Thủ tướng Prayuth hôm 11/8 nói trong một cuộc họp nội các rằng sinh viên có khả năng đã vi phạm luật chống khi quân và cần phải điều tra các cuộc biểu tình sinh viên để xác định ai đã tài trợ và xúi giục họ.
Vua Vajiralongkorn lên ngôi vào năm 2016 sau khi vua cha Bhumibol Adulyadej qua đời. Kể từ đó, hoàng gia Thái Lan thường xuyên bị chỉ trích vì thời gian vua Vajiralongkorn ở Đức, tài sản mà cung điện tích lũy được và vai trò của hoàng gia trong việc hỗ trợ chính phủ của ông Prayuth. Vua Vajiralongkorn cũng chuyển sang giám sát trực tiếp tài sản của hoàng gia thay vì để các cơ quan nhà nước giám sát chúng.
Trong khi đó, những người theo chủ nghĩa bảo hoàng đã mặc trang phục màu vàng - màu của hoàng gia - và tổ chức một cuộc biểu tình "phản công" vào hôm 16/8, gần nơi những người biểu tình chống chính phủ tập trung. Trong ảnh là một thành viên phe "áo vàng" cầm chân dung vua Bhumibol Adulyadej trong cuộc biểu tình ủng hộ hoàng gia tại Tượng đài Dân chủ ở Bangkok, Thái Lan, ngày 16/8.
Trước cuộc đảo chính năm 2014, Bangkok đã trải qua nhiều năm bất ổn chính trị khi phe “áo vàng” trung thành với hoàng gia chống lại phe “áo đỏ” ủng hộ cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra. Cuộc đảo chính năm 2014 là cuộc đảo chính lần thứ 12 kể từ năm 1932 ở Thái Lan. Tuy nhiên, những người trẻ tuổi dẫn đầu biểu tình lần này không xem mình thuộc phe “vàng” hay “đỏ” mà nói rằng họ muốn có quyền tự do dân chủ và bình đẳng hơn.
Các nhà hoạt động nói họ lo rằng những người biểu tình ủng hộ dân chủ sẽ phải đối mặt với một cuộc đàn áp rộng lớn và bạo lực hơn. Năm 1976, Đại học Thammasat là nơi diễn ra vụ thảm sát sinh viên. Học sinh bị cảnh sát và những người cánh hữu bắn và đánh chết. Ước tính hơn một trăm người đã thiệt mạng.
Parit Chiwarak, một nhà hoạt động sinh viên dẫn đầu biểu tình, và năm người khác đã bị bắt. Parit đã được tại ngoại và bị buộc tội kích động đám đông. Vụ bắt giữ đã gây thêm nhiều phẫn nộ. Một số người tham gia biểu tình nói họ được truyền cảm hứng từ hành động của những sinh viên và cảm thấy điều quan trọng là phải thể hiện sự đoàn kết. Trong ảnh là Anon Nampa, một trong những thủ lĩnh của các cuộc biểu tình chống chính phủ gần đây, trên sân khấu vào hôm 16/8.
Như Trần
Ảnh: Reuters