10.000 người Việt nhiễm mới HIV mỗi năm, nhiều trẻ em bị kỳ thị

Theo số liệu của Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 10.000 người nhiễm HIV mới, trong đó có rất nhiều trẻ em nhiễm HIV bị thiệt thòi vì sự kỳ thị.

Việc tiếp cận BHYT cho người nhiễm HIV nói chung và trẻ em còn rất thấp. Nhiều trẻ sinh sống trong gia đình có bố, mẹ hoặc người thân nhiễm HIV/AIDS chưa được xét nghiệm định kỳ phát hiện HIV do kinh tế khó khăn, thiếu phương tiện đi lại hoặc chưa nhận thức hết về sự cần thiết phải tiến hành xét nghiệm để phòng ngừa và phát hiện sớm lây nhiễm HIV. Bên cạnh đó, còn thiếu các chính sách phòng ngừa HIV đối với nhóm trẻ có nguy cơ cao nhiễm HIV như trẻ em sử dụng ma túy, trẻ sống trong các cơ sở trợ giúp, trẻ là con của người mua dâm, bán dâm, sử dụng ma túy...

Trẻ em bị ảnh hưởng HIV còn khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ nếu vẫn bị kỳ thị, phân biệt đối xử

Trẻ em bị ảnh hưởng HIV còn khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ nếu vẫn bị kỳ thị, phân biệt đối xử

Hậu quả của kỳ thị, phân biệt đối xử là sự xa lánh, ruồng bỏ của cộng đồng khiến trẻ em nhiễm HIV/AIDS dễ bị tổn thương, không muốn tiếp cận với các dịch vụ tư vấn, chăm sóc và điều trị. Các em không tự tin, sống khép mình, thường lảng tránh bạn bè, ngại tiếp xúc với mọi người vì sợ bị phân biệt. Điều này càng làm tăng nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.

Theo Cục phòng chống HIV/AIDS, hiện có 36 cơ sở điều trị nhi, còn lại là các cơ sở lồng ghép, thiếu người có trình độ chuyên môn sâu về điều trị nhi và xử lý các tình huống. Việc điều trị bằng thuốc ARV ở tuyến huyện được mở rộng xuống tuyến xã vẫn còn nhiều khoảng trống trong điều trị nhi.

Mặt khác, do quy định về bảo mật thông tin cho người nhiễm HIV/AIDS nên cán bộ y tế còn dè dặt trong việc cung cấp thông tin về người nhiễm HIV cũng như trẻ nhiễm HIV cho các bên liên quan, đặc biệt là chuyển thông tin cho cán bộ xã hội khiến công tác phát hiện các trường hợp trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS gặp nhiều khó khăn, nhiều trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS chưa thể tiếp cận được với các dịch vụ hỗ trợ.

Ngoài ra, việc thiếu chính sách hỗ trợ đối với cộng tác viên làm công tác trợ giúp cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS cũng dẫn đến tình trạng trẻ em bị nhiễm, ảnh hưởng bởi HIV/ADIS không được phát hiện kịp thời để có các biện pháp trợ giúp phù hợp và hiệu quả.

Cục Chăm sóc và bảo vệ trẻ em đã triển khai mô hình kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Cục đã có báo cáo đánh giá kết quả thực hiện mô hình tại các địa phương, đồng thời phối hợp với các chuyên gia xây dựng Bộ tiêu chí giám sát, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020. Đây là bộ công cụ giúp các cơ quan quản lý nhà nước theo dõi việc thực hiện kế hoạch cũng như đánh giá kết quả, hiệu quả của kế hoạch đến năm 2020, làm cơ sở quan trọng để xây dựng kế hoạch giai đoạn tiếp theo và sẽ sớm được ban hành trong thời gian tới. Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014 - 2020 và chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch.

Cổ động không phân biệt đối xử với người có HIV

Cổ động không phân biệt đối xử với người có HIV

Chính phủ cũng đã xây dựng nhiều chương trình, đề án về bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong đó có trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS nói riêng như: Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012 – 2020; Kế hoạch hành động Quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn 2020; Chiến lược phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020; Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; Đề án chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng giai đoạn 2014-2020; Quy định bảo trợ xã hội đối với trẻ em nhiễm HIV (được quy định trong Nghị định 136/2013/NĐ-CP)…

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/10000-nguoi-viet-nhiem-moi-hiv-moi-nam-nhieu-tre-em-bi-ky-thi-d164233.html