10 biện pháp tạo nguồn cho cải cách tiền lương
Bộ Tài chính đưa ra nhiều biện pháp để tạo nguồn cải cách tiền lương trong năm 2020 và tích lũy cho giai đoạn 2021-2025.
Trước hết
Dành 40% tăng thu thực hiện của ngân sách trung ương và 70% tăng thu thực hiện so với dự toán của ngân sách địa phương để tạo nguồn cải cách tiền lương trong năm 2020 và tích lũy cho giai đoạn 2021-2025.
Thứ hai
Kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN trong phạm vi 3,44% GDP, phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, để giảm bội chi NSNN. Tăng cường phối hợp trong việc phát hành trái phiếu Chính phủ, điều hành ngân quỹ nhà nước và cân đối ngoại tệ, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi NSNN theo dự toán.
Thứ ba
Kiểm soát dư nợ công đến cuối năm nay không quá 54,3%GDP, nợ Chính phủ không quá 48,5% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45,5% GDP.
Thứ tư
Yêu cầu các địa phương chủ động sử dụng dự phòng, dự trữ và các nguồn lực hợp pháp để xử lý các nhiệm vụ chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách, đột xuất phát sinh
Thứ năm
Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương giám sát chặt chẽ việc vay, sử dụng vốn vay, trả nợ, nhất là đối với các hiệp định vay mới, vay nước ngoài, vay có bảo lãnh của Chính phủ. Tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại danh mục nợ công theo hướng an toàn, bền vững.
Thứ sáu
Đổi mới cơ chế hoạt động của quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật khác có liên quan, để tăng cường quản lý, bảo đảm công khai, minh bạch.
Thứ bảy
Tiếp tục quản lý, điều hành giá các mặt hàng quan trọng Nhà nước còn định giá, mặt hàng bình ổn giá; thực hiện lộ trình giá thị trường phù hợp đối với giá điện và giá các dịch vụ công thiết yếu.
Thứ tám
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách trong thực thi công vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong thu, chi NSNN, quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai, tài nguyên,..; thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, kiểm toán.
Thứ chín
Thực hiện các giải pháp cơ cấu lại danh mục nợ công theo hướng an toàn, bền vững.
Cuối cùng
Điều hành chi NSNN năm 2020 theo dự toán, chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường thanh tra, kiểm tra và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN và tài sản công; siết chặt kỷ cương, kỷ luật ngân sách...
10 giải pháp nói trên được thực hiện linh hoạt trên nền tảng điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo môi trường, động lực, nền tảng cho sự phát triển nhanh, bền vững.
Trong đó, một nội dung được nhấn mạnh là nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về thuế nhằm cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế, chống xói mòn nguồn thu, ưu đãi, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, ưu đãi đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.