10 khoảnh khắc làm nên chiến thắng gây sốc của ông Trump
Chiến dịch của ông Trump có thể là một trong những chiến dịch tranh cử cực đoan nhất, với những lời lẽ bạo lực và thái độ đầy bất mãn. Song, ông đã chiến thắng.
Sự trở lại gây sững sờ của cựu Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng đã khiến hàng triệu người ủng hộ ở Mỹ mừng rỡ, nhưng cũng khiến cho phần còn lại của đất nước và thế giới hoang mang.
Chắc hẳn ít ai có thể tưởng tượng được kịch bản này khi ông Trump rời nhiệm sở với đầy tai tiếng vào tháng 1/2021 sau vụ bạo loạn Điện Capitol và phải đối mặt với hàng loạt cáo buộc pháp lý.
Dẫu vậy, chiến dịch tranh cử đã một lần nữa đưa ông Trump đến với chiếc ghế quyền lực nhất nước Mỹ. Đây có thể là một trong những chiến dịch cực đoan nhất trong lịch sử, đầy rẫy ngôn từ phân biệt chủng tộc, lời lẽ bạo lực và cảm giác bất mãn sâu sắc. Song chiến dịch đã gây được sự đồng cảm với đông đảo người dân Mỹ, giúp ông Trump giành được nhiệm kỳ thứ hai và đưa nước Mỹ vào một vùng đất chính trị chưa từng khám phá.
Dưới đây là 10 khoảnh khắc, vấn đề và sự kiện nổi bật từ chiến dịch của ông Trump, theo Guardian.
Khởi đầu thiếu năng lượng
Khi ông Trump phát động chiến dịch tranh cử từ khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida, nhiều người đã bất ngờ với màn khởi đầu tương đối khiêm tốn của cựu tổng thống. Điều này trái ngược với sự giận dữ và bất mãn định hình chiến dịch sau này. Bài phát biểu và thái độ của ông Trump mang cảm giác thiếu năng lượng.
“Có vẻ ông Trump đã thực hiện trò này quá nhiều lần đến nỗi chính ông cũng chán ngấy nội dung bài phát biểu”, tờ Axios khi đó nhận định.
Nhập cư và phân biệt chủng tộc
Tiếp nối từ nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, chiến dịch của ông Trump coi vấn đề di cư và biên giới Mỹ - Mexico là một phần cốt lõi. Sử dụng ngôn từ phân biệt chủng tộc và bạo lực, ông Trump và những người phát ngôn đã vẽ ra hình ảnh nước Mỹ như một quốc gia bị tấn công bởi những người di cư bạo lực.
Thậm chí ông Trump và những người khác đã kích động tin đồn vô căn cứ rằng người di cư Haiti hợp pháp ở Springfield, Ohio, đã ăn thịt thú cưng của hàng xóm. Những lời nói dối này đã tạo ra một cuộc khủng hoảng trong cộng đồng. Tuy nhiên, thay vì đính chính, chiến dịch của ông Trump lại tiếp tục đổ thêm dầu vào lửa.
Các vụ mưu sát và bức ảnh biểu tượng
Đó là cơn ác mộng mà nhiều người đã lo sợ trong cuộc đua căng thẳng của nước Mỹ. Một tay súng đơn độc đã tấn công ông Trump tại buổi vận động ở Pennsylvania. Viên đạn sượt qua tai cựu tổng thống và tay súng có vẻ như là một kẻ giết người hàng loạt, chứ không mang động cơ chính trị.
Song khoảnh khắc đó đã tạo ra một bức ảnh mang tính biểu tượng cho ông Trump - một bên tai đầy máu nhưng không khuất phục, giơ tay ra hiệu cho những người ủng hộ "chiến đấu". Sau đó, ông Trump tiếp tục bị ám sát hụt tại sân golf ở Florida.
Buổi vận động ở New York
Chiến dịch của ông Trump đã tổ chức một cuộc vận động tại Madison Square Garden, trung tâm Manhattan (New York) - nơi từng diễn ra sự kiện nổi tiếng của phe phát xít trong giai đoạn chuẩn bị cho chiến tranh thế giới thứ hai. Quyết định này mang lại cảm giác như một sự khiêu khích có chủ đích đối với những người theo chủ nghĩa tự do ở Mỹ.
Cảm giác đó càng trở nên rõ ràng hơn khi các diễn giả sử dụng ngôn từ phân biệt chủng tộc nhắm vào người Mỹ gốc Phi, người di cư, người Latino và chính bà Kamala Harris. Thậm chí có những lời lẽ nhạo báng đến mức chiến dịch của ông Trump phải rút lại sau đó. Chẳng hạn, danh hài Tony Hinchcliffe đã gọi Puerto Rico là “một hòn đảo rác trôi nổi”.
Từ chối tranh luận
Theo Guardian, ông Trump rõ ràng đã thua trong cuộc tranh luận với bà Harris vào tháng 9. Bà Harris đã khiến ông mất bình tĩnh và nổi giận - điều mà các trợ lý của ông luôn muốn tránh.
“Các bạn sẽ thấy trong các cuộc vận động, ông (Trump) nói về những nhân vật hư cấu như Hannibal Lecter, hay 'tuabin gió gây ung thư'", bà Harris khiêu khích. "Và điều mà các bạn cũng sẽ nhận thấy là người ta bắt đầu rời khỏi các cuộc vận động của ông ấy sớm vì kiệt sức và chán ngán”.
Không có gì ngạc nhiên khi ông Trump từ chối tiến hành cuộc tranh luận thứ hai dù ông luôn khẳng định bản thân đã thắng trong lần đối đầu đầu tiên. Với kết quả bầu cử lần này, việc từ chối tham gia cuộc tranh luận thứ hai hẳn là quyết định đúng đắn.
Không kêu gọi đoàn kết quốc gia
Đại hội đảng Cộng hòa diễn ra sau vụ ám sát hụt đầu tiên. Vụ việc đã khiến các thành viên và người ủng hộ thể hiện sự đoàn kết mạnh mẽ, củng cố vị thế của ông Trump trong đảng. Bài phát biểu tại đại hội được kỳ vọng không chỉ hướng đến đảng Cộng hòa mà còn là cơ hội để ông Trump thể hiện bản thân như một nhân vật có khả năng đoàn kết đất nước.
Ông khởi đầu hùng hồn khi nói về khoảnh khắc bị tấn công. Nhưng sau đó lại chuyển sang những lời than phiền, khiếu nại, thông tin sai lệch và một cái nhìn u ám về tình hình đất nước. Về vấn đề nhập cư, ông nói: “Họ (người nhập cư) đến từ các nhà tù, trại giam, các cơ sở tâm thần và bệnh viện tâm thần”.
Thu hút cử tri nam
Một trong những nguyên tắc cơ bản của chiến dịch Trump trong giai đoạn cuối là thu hút cử tri nam bỏ phiếu với số lượng lớn. Chiến dịch đã tìm cách tiếp cận những cử tri nam có tỉ lệ tham gia thấp đến trung bình, đặc biệt là nam giới trẻ, một cách chính xác.
Các buổi xuất hiện trên podcast của những tên tuổi có sức ảnh hưởng như Theo Von, Lex Fridman, Logan Paul và Nelk Boys đã được tiến hành. Một trong những cuộc phỏng vấn lớn nhất chu kỳ bầu cử 2024 là trên podcast của Joe Rogan, với hàng triệu người nghe chăm chú.
Ông Trump đã dành 3 tiếng đồng hồ với người dẫn Rogan, trò chuyện lan man từ việc muốn trở thành "một nhà tâm lý học cá voi", đến thay thế thuế thu nhập bằng thuế quan và khen ngợi tướng Robert E. Lee của quân đội Mỹ là một “thiên tài”. Sự ủng hộ từ những người nổi tiếng như cầu thủ Brett Favre, Antonio Brown, Le’Veon Bell và võ sĩ Jake Paul cũng được tận dụng mạnh mẽ. Điều này làm nổi bật khoảng cách giới trong chính trị Mỹ khi bà Harris tìm cách nhận được sự ủng hộ từ phụ nữ, đặc biệt là những người tức giận vì mất quyền phá thai.
Sự phục hồi của “phó tướng” JD Vance
Thời gian "trăng mật" của Thượng nghị sĩ Ohio JD Vance với vai trò người đồng hành tranh cử cùng ông Trump không kéo dài lâu. Ông Vance đã nhanh chóng trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công và lời chế giễu sau khi cho thấy bản thân thiếu tự tin và có xu hướng nói những điều kỳ quặc tại các buổi vận động, chẳng hạn tuyên bố đảng Dân chủ nghĩ rằng soda Mountain Dew là “phân biệt chủng tộc”.
Những quan điểm cực đoan về quyền phá thai và các vấn đề xã hội khác của ông Vance cũng bị phơi bày. Khi đối đầu với Thống đốc Tim Walz trong cuộc tranh luận giữa hai ứng viên phó tổng thống, kỳ vọng rất thấp, song ông đã gây ngạc nhiên. Ông Vance đã có màn trình diễn tự tin và trôi chảy, cứu vãn danh tiếng trong chiến dịch.
Sự ủng hộ của tỷ phú Elon Musk
Tỷ phú Elon Musk đã trở thành một nhân tố quan trọng trong cuộc bầu cử Mỹ lần này. Với vai trò chủ sở hữu mạng xã hội X/Twitter, ông Musk vốn được dự đoán sẽ có những ảnh hưởng nhất định. Song không ai đoán trước được rằng vị tỷ phú sẽ lao vào chiến dịch của ông Trump mạnh mẽ đến vậy.
Ông Musk vận động cho cựu tổng thống ở Pennsylvania, lặp lại các luận điểm và thuyết âm mưu, và bỏ ra hàng triệu USD để thiết lập một đội ngũ vận động tranh cử riêng nhằm hỗ trợ ông Trump tại các bang chiến trường quan trọng.
Phủ nhận bầu cử
Ông Trump chưa bao giờ ngừng nói về cuộc bầu cử năm 2020, liên tục phủ nhận chiến thắng của Tổng thống Joe Biden dù không hề có cơ sở. Cuối chiến dịch, ông thậm chí còn gợi ý ông không nên rời Nhà Trắng.
Tất cả điều này là một phần chiến lược nhằm làm suy yếu niềm tin của những người ủng hộ ông vào tính công bằng của cuộc bầu cử năm nay. Đối với ông Trump, việc thua là điều không thể tưởng tượng được. Vì vậy, ngay cả ý niệm chiến thắng với bà Harris cũng phải bị phủ nhận từ trước. Những hành động này tác động lớn đến niềm tin vào thể chế chính trị của Mỹ và có thể là bài học cho các nhà sử học trong tương lai.