10 lưu ý đặc biệt về COVID-19
Hiện nay, đại dịch COVID-19 vẫn đang lan rộng và gây ra nhiều ca tử vong trên toàn thế giới. Mới đây, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã đưa ra 10 lưu ý để chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân COVID-19.
Điều trị và dự phòng
1.Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ đã xây dựng hướng dẫn điều trị sẽ được cập nhật thường xuyên các bằng chứng về an toàn và hiệu quả của thuốc và phương pháp điều trị mới từ các thử nghiệm lâm sàng và các nghiên cứu.
2. Hiện tại Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) chưa chấp thuận biện pháp điều trị dự phòng sau phơi nhiễm cho những người có thể đã tiếp xúc với COVID-19.
Triệu chứng và chẩn đoán
3. Các triệu chứng ngoài hô hấp của COVID-19 như triệu chứng tiêu hóa (buồn nôn, tiêu chảy) hoặc triệu chứng thần kinh (mất khứu giác, mất vị giác, đau đầu) có thể xuất hiện trước khi sốt và các triệu chứng đường hô hấp dưới (ho, khó thở).
4. Trẻ em nhiễm COVID-19 có thể xuất hiện sốt và ho là triệu chứng khởi phát thường gặp như ở người trưởng thành. Mặc dù hầu như trẻ em mắc COVID-19 không có dấu hiệu nặng, các bác sĩ lâm sàng nên đề cao cảnh giác với SARS-CoV-2 ở trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ có nguy cơ tiềm ẩn.
5. Không nên sử dụng chụp cắt lớp vi tính (CT) để sàng lọc COVID-19 hoặc là xét nghiệm đầu tay để chẩn đoán COVID-19. CT nên được sử dụng chọn lọc trên bệnh nhân có triệu chứng nhập viện với chỉ định lâm sàng cụ thể cho chụp CT.
Đồng nhiễm các virus đường hô hấp khác
6. Bệnh nhân mắc COVID-19 có thể bị nhiễm nhiều loại virus cùng một lúc, nhất là các virus đường hô hấp khác. Do đó, cần xác định loại virus đường hô hấp khác ngoài SARS-CoV-2.
7. Một vài bệnh nhân nhiễm COVID-19 đã mắc viêm phổi do vi khuẩn mắc phải cộng đồng. Việc sử dụng kháng sinh nào cho bệnh nhân COVID-19 phải dựa trên loại vi khuẩn có khả năng nhiễm (viêm phổi cộng đồng hay bệnh viện), mức độ nghiêm trọng của bệnh và vấn đề quản lý kháng sinh.
Khi bệnh diễn biến nặng
8. Các bác sĩ lâm sàng nên nhận biết được khả năng tình trạng bệnh có thể xấu đi nhanh chóng sau một tuần từ khi khởi phát.
9. Thời gian trung bình dẫn đến hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS) khoảng từ 8 đến 12 ngày.
10. Giảm bạch cầu, bạch cầu trung tính, tăng nồng độ enzym gan ALT và AST trong huyết thanh, tăng LDH, CRP cao và nồng độ ferritin huyết thanh cao có thể là biểu hiện nặng của bệnh.
ThS.BS. Hồ Mỹ Dung
(Theo CDC, 30/04/2020)
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/10-luu-y-dac-biet-ve-covid-19-n173404.html