10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW: Kết quả khả quan lĩnh vực giáo dục và đào tạo

10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) 'về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế', ngành GD-ĐT tỉnh Trà Vinh đạt nhiều kết quả quan trọng.

Bí thư Tỉnh ủy Ngô Chí Cường tặng bằng khen cho các tập thể có nhiều thành tích qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29.

Bí thư Tỉnh ủy Ngô Chí Cường tặng bằng khen cho các tập thể có nhiều thành tích qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29.

10 năm thực hiện Nghị quyết số 29, nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò của GD-ĐT có nhiều chuyển biến tích cực; đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới để thực hiện chương trình, phương pháp tổ chức dạy học theo hướng phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả GD-ĐT. Hệ thống giáo dục quốc dân được hoàn thiện theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên cơ bản đủ về số lượng và chất lượng, đảm bảo thực hiện công tác quản lý, dạy học trong các trường học. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành là 14.328 người.

Thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, đến nay, toàn tỉnh có 8.178 phòng học và phòng chức năng, trong đó có 7.601 phòng kiên cố (đạt 92,94%), 577 phòng bán kiên cố (7,06%); có 181 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng hơn 110 trường so với năm 2013, tạo điều kiện thuận lợi đảm bảo việc triển khai áp dụng đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Bạch Vân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: 10 năm qua, ngành thực hiện nhiều mục tiêu phát triển GD-ĐT và đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 05 tuổi vào năm 2015, các cơ sở giáo dục phổ thông triển khai vận dụng hiệu quả những thành tố tích cực của các mô hình, phương thức giáo dục tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả giáo dục. Hàng năm, trên 99% học sinh tiểu học, trung học hoàn thành chương trình, tỷ lệ tốt nghiệp THPT được nâng lên hàng năm, từ năm học 2019 - 2020 đến nay đều đạt từ 99% trở lên.

Song song đó, hoạt động dạy ngoại ngữ, tin học được quan tâm theo hướng chuẩn hóa, thiết thực, quan tâm dạy tiếng nói và chữ viết của đồng bào dân tộc Khmer. Bên cạnh, đổi mới căn bản hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả GD-ĐT, bảo đảm trung thực, khách quan. Quan tâm lãnh đạo thực hiện nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.

Phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến quy trình, kỹ thuật trong cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên đã trở thành động lực mạnh mẽ để thúc đẩy kết quả GD-ĐT. Từ năm 2013 đến nay, có khoảng 1.203 sản phẩm dự thi cuộc thi nghiên cứu khoa học, qua đó đã chọn 52 sản phẩm đạt giải cao để tham dự cuộc thi cấp quốc gia, đạt 44 giải thưởng.

Đồng chí Lâm Minh Đằng, Phó Bí thư Tỉnh ủy tặng bằng khen cho các cá nhân có nhiều thành tích qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29.

Đồng chí Lâm Minh Đằng, Phó Bí thư Tỉnh ủy tặng bằng khen cho các cá nhân có nhiều thành tích qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29.

Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong thực hiện Nghị quyết số 29 được quan tâm; điển hình như: phát triển văn hóa đọc trong nhà trường thông qua việc cải tạo và nâng cấp thư viện trường học, mô hình “Tủ sách lớp học”, xây dựng môi trường tiếng Việt cho học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số, mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập”, “Nhận đỡ đầu học sinh nghèo hiếu học”, “Góc học tập vì bạn nghèo”, “Ngôi nhà khăn quàng đỏ”... vừa hỗ trợ học sinh tiếp tục đến trường vừa giáo dục học sinh biết quan tâm, chia sẻ, góp phần thực hiện tốt công tác giáo dục đạo đức học sinh.

Bên cạnh, chất lượng giáo dục nghề nghiệp có những chuyển biến tích cực, tỷ lệ học sinh tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp đạt mức cao, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng cơ bản về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, GD-ĐT của tỉnh còn những hạn chế nhất định, nhất là tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia còn thấp, tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao nhưng phổ điểm bình quân thấp, chất lượng học sinh toàn ngành có sự chuyển biến nhưng chưa đồng đều… nên rất cần sự quan tâm hơn nữa của lãnh đạo tỉnh, các ngành, các cấp, sự đồng thuận của phụ huynh, giúp nâng cao chất lượng giáo dục trong thời gian tới.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Bạch Vân khẳng định: được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành, các cấp, ngành đề ra các phương hướng cụ thể nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trong thời gian tới. Tiếp tục thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo”, khuyến khích cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, có nhiều cách làm hay, hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Bài, ảnh: NGỌC XOÀN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/xa-hoi/10-nam-thuc-hien-nghi-quyet-so-29-nq-tw-ket-qua-kha-quan-linh-vuc-giao-duc-va-dao-tao-34870.html