11 học giả Indonesia bị thu hồi chức danh giáo sư sau bê bối gian lận

11 học giả Indonesia bị tước bỏ danh hiệu giáo sư vì hành vi gian lận, sử dụng các tạp chí khoa học kém uy tín để nâng cao vị thế học thuật, theo University World News.

 11 học giả tại Đại học Lambung Mangkurat bị thu hồi chức danh giáo sư. Ảnh: Shutterstock.

11 học giả tại Đại học Lambung Mangkurat bị thu hồi chức danh giáo sư. Ảnh: Shutterstock.

Mới đây, 11 học giả tại Đại học Lambung Mangkurat (ULM, Indonesia) đã bị thu hồi chức danh giáo sư sau cáo buộc gian lận học thuật - một hiện tượng có xu hướng ngày càng gia tăng đang gây tổn hại đến hệ thống giáo dục đại học của Indonesia.

Hàng loạt giáo sư sẽ bị triệu tập

Trước đó, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ của Indonesia đã tổ chức xác minh sau khi nhận tố cáo ẩn danh về việc ít nhất 11 giáo sư, chủ yếu từ khoa Luật của ULM, đã xuất bản các bài báo học thuật trên "predatory journals - tạp chí săn mồi".

Các tạp chí này hoạt động không chính thống, thường chấp nhận xuất bản bất kỳ bài báo nào miễn là được trả phí. Quá trình đánh giá chất lượng bài báo rất sơ sài hoặc không có, và gần như đảm bảo chấp nhận bài viết.

Xác minh cho thấy những giáo sư này đã trả từ 70-135 triệu rupiah (tương đương 112-217 triệu đồng) để xuất bản các bài báo của mình. Các học giả này đã bị thu hồi chức danh giáo sư nhưng vẫn tiếp tục việc giảng dạy ở trường đại học. Tuy nhiên, họ bị hạ bậc từ A xuống C.

Theo yêu cầu của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia, để đạt chức danh giáo sư, học giả cần có ít nhất một bài báo được xuất bản trên một tạp chí khoa học quốc tế được liệt kê trong chỉ mục Scopus và ít nhất 10 năm kinh nghiệm giảng dạy.

Cơ sở dữ liệu đa ngành Scopus về các ấn phẩm được bình duyệt ngang hàng được coi là tiêu chuẩn toàn cầu đối với các tạp chí học thuật, sách và tài liệu chất lượng cao có liên quan. Tuy nhiên, nhóm điều tra phát hiện 11 giáo sư của Đại học Lambung Mangkurat đã không đáp ứng tiêu chuẩn này.

Cuộc điều tra cũng phát hiện ra một số thành viên trong nhóm đánh giá của bộ chịu trách nhiệm giới thiệu và đánh giá các đơn đề nghị đã vi phạm đạo đức, bao gồm cả việc nhận hối lộ từ ứng viên để chấp thuận chức danh giáo sư của họ, mặc dù họ chưa có những công bố trên các tạp chí được Scopus lập chỉ mục.

Ngoài 11 học giả trên, một nhóm 20 giáo sư từ các khoa khác của ULM cũng đang được thanh tra của bộ điều tra về những cáo buộc tương tự. Dự kiến sẽ có thêm nhiều học giả nữa bị Bộ Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia triệu tập để điều tra. Cuộc điều tra của bộ sẽ bao gồm việc chứng minh họ đã trải qua các thủ tục đúng để đạt được chức danh giáo sư.

 11 giáo sư vướng bê bối chủ yếu đến từ khoa Luật của ULM. Ảnh: ULM.

11 giáo sư vướng bê bối chủ yếu đến từ khoa Luật của ULM. Ảnh: ULM.

Phần nổi của tảng băng chìm

Arief Anshory, giảng viên cao cấp về Kinh tế tại Đại học Padjadjaran, cho biết vụ việc này là chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Hiện tượng gian lận bài báo học thuật đang trở thành vấn đề mang tính hệ thống tại các trường đại học của Indonesia.

Anshory nhận định các vụ việc gian lận tương tự cũng đang xảy ra tại nhiều trường đại học khác.

"Nếu xem xét tất cả giáo sư ở Indonesia, một nửa trong số họ có thể bị loại", ông khẳng định.

Trong khi đó, các hiệu trưởng cũng khuyến khích các giảng viên đẩy nhanh quá trình để có được chức danh giáo sư, nhằm nâng cao uy tín của trường đại học. Từ đó, nhà trường sẽ có nhiều cơ hội để thu hút nguồn tài chính và các dự án học thuật lớn hơn.

"Mọi trường đại học đều muốn nằm trong top 10 hoặc top 20 của cả nước. Không những vậy, một số trường trong số đó còn tham vọng trở thành những trường đại học mang đẳng cấp thế giới. Chính vì vậy, họ làm mọi cách có thể để đạt được điều đó, thậm chí là đánh đổi cả đạo đức học thuật và liêm chính khoa học", ông Anshory nói.

Ông Ahmad Alim Bahri, Hiệu trưởng ULM, cho biết nhà trường đặt mục tiêu trở thành một trong 20 trường đại học hàng đầu của Indonesia vào năm 2025.

"Trường hợp của 11 giáo sư không ngăn cản chúng tôi đạt được mục tiêu đó bởi năm nay, chúng tôi có 124 giáo sư mới", ông nói.

Số lượng giáo sư và đặc biệt là tỷ lệ giáo sư trên mỗi sinh viên là một chỉ số quan trọng đối với mỗi trường đại học.

Theo Asep Saeful Muhtadi, giáo sư về Truyền thông tại Đại học Hồi giáo Nhà nước Sunan Gunung Djati Bandung (Indonesia), sự cạnh tranh giữa các trường đại học để tăng số lượng giáo sư là một hiện tượng mới ở Indonesia.

Ông mô tả cuộc đua để tăng số lượng giáo sư đang diễn ra ngoài tầm kiểm soát, đòi hỏi phải có biện pháp nhanh chóng để đưa việc công nhận chức danh giáo sư này trở lại đúng hướng. Nếu không sẽ có sự suy giảm nghiêm trọng về chất lượng của các giáo sư. Các quy định và thủ tục để có được chức danh giáo sư cần được củng cố, thực hiện hiệu quả hơn trước.

Ông Muhtadi lưu ý cơn sốt trở thành giáo sư cũng đang lan rộng trong giới tinh hoa của Indonesia, chủ yếu là các chính trị gia.

Diễn đàn Giáo sư của Viện Công nghệ Bandung cũng chỉ ra một lỗ hổng trong Luật Giáo dục Đại học của quốc gia này đã vô tình cho phép các giảng viên không thường trực, trong một số điều kiện nhất định, được cấp chức danh giáo sư dựa trên sự giới thiệu của các trường đại học mà họ làm việc.

Thực tế này đã dẫn đến tình trạng nhiều người có được chức danh giáo sư mặc dù không làm toàn thời gian tại một trường đại học.

Diễn đàn này cũng nhận định việc sử dụng hành vi phi đạo đức để có được chức giáo sư có thể làm giảm tiêu chuẩn học thuật của đất nước và làm suy yếu niềm tin vào các cơ sở giáo dục Indonesia.

Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/11-hoc-gia-indonesia-bi-thu-hoi-chuc-danh-giao-su-sau-be-boi-gian-lan-post1504537.html