12 bộ, cơ quan và địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới 20%

6 bộ, cơ quan trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 30-9-2020 đạt trên 70%. Tuy nhiên, 11 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương khác có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bộ Tài chính vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước lũy kế 8 tháng và ước thực hiện tháng 9 năm 2020.

Kết quả cho thấy, lũy kế thanh toán từ đầu năm đến ngày 31-8-2020 là 235.292,81 tỷ đồng, đạt 43,93% kế hoạch (535.576,13 tỷ đồng) và đạt 49,95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm (471.032,733 tỷ đồng); trong đó, vốn trong nước là hơn 222.116 tỷ đồng (đạt 46,7% kế hoạch).

Ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30-9-2020 là 269.207,94 tỷ đồng, đạt 50,27% kế hoạch (535.576,13 tỷ đồng) và đạt 57,15% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm (471.032,733 tỷ đồng). Kết quả này cho thấy tỷ lệ giải ngân 8 tháng và ước 9 tháng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm đã có sự chuyển biến tích cực so với các tháng đầu năm, đặc biệt là khối địa phương.

Cụ thể, có 8 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương ước tỷ lệ giải ngân đến ngày 30-9-2020 đạt trên 60%. 6 bộ, cơ quan trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 70%, gồm: Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (100%), Ngân hàng Chính sách xã hội (95,32%), Hội Nhà văn Việt Nam (93,59%), Bộ Nội Vụ (87,67%), Viện Khoa học xã hội Việt Nam (73,49%), Thông tấn xã Việt Nam (70,06%), Hưng Yên (87,73%), Ninh Bình (82,46%), Thái Bình (79,5%), Hà Nam (71,15%), Tiền Giang (70,96%), Phú Yên (70,85%). Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy, còn 11 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%.

Tác động của đại dịch Covid-19 là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng tới công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Trong đó, một số dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài gắn với khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, thống nhất với nhà tài trợ đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án... bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện, hoạt động giải ngân.

Ngoài ra, còn có các nguyên nhân chủ quan như: Năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát ở cơ sở còn hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu; chủ đầu tư chậm trễ trong việc trình cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán công trình, dự án; chậm trễ trong lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng…

Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp, trong đó giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp phương án cắt giảm vốn của các bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân đến 30-9-2020 dưới 60% kế hoạch vốn ngân sách trung ương đã được giao từ đầu năm 2020 để điều chỉnh cho các dự án quan trọng, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ, có khả năng giải ngân nhanh vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương năm 2020 và các dự án khẩn cấp như ứng phó với biến đổi khí hậu, chống sạt lở bờ sông, bờ biển trong tháng 10-2020.

Hương Thủy

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/tai-chinh/979718/12-bo-co-quan-va-dia-phuong-co-ty-le-giai-ngan-von-dau-tu-cong-duoi-20