14 năm, hơn 400 người mắc bệnh máu ác tính được ghép tế bào gốc thành công

Sau ca ghép tế bào gốc đầu tiên vào năm 2006, đến nay, Viện Huyết học đã ghép thành công khoảng 445 ca...

Các bệnh nhân mắc bệnh lý về máu đã được ghép tế bào gốc thành công có mặt tại lễ ra mắt CLB Ghép tế bào gốc

Giải pháp cuối cùng để cứu người bệnh

Trong buổi ra mắt CLB Bệnh nhân ghép tế bào gốc vào chiều 29/12, chị Dương Thị Xuân (Mèo Vạc, Hà Giang) vui mừng chia sẻ, giờ đây đã có thể sinh con thứ hai sau 4 năm ghép tủy chữa căn bệnh suy tủy thành công.

Theo lời chị Xuân, ngày chị 24 tuổi mới sinh con đầu lòng được hơn 1 năm thì phát hiện ra mình mắc căn bệnh suy tủy. Ban đầu là những nốt đỏ xuất hiện trên da, cơ thể mệt mỏi, chị Xuân tìm đến BV tỉnh thăm khám với xét nghiệm suy giảm cả 3 dòng (hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu) và được chuyển lên Viện Huyết học để điều trị.

Khi căn bệnh "chống đối" với tất cả các phương pháp điều trị, ghép tế bào gốc là giải pháp duy nhất để cứu chị Xuân. Nhờ sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, chị Xuân đã đủ kinh phí để tiến hành cuộc ghép tế bào gốc lấy từ tủy xương của anh trai mình.

"Mặc dù trước khi quyết định ghép tế bào gốc, tôi cũng đã biết một vài ca ghép không thành công nhưng tôi đặt lòng tin vào bác sĩ, chắc chắn ca ghép của tôi sẽ tốt đẹp", chị Xuân chia sẻ. Hiện giờ, chị Xuân hoàn toàn bình phục, sinh hoạt như một người bình thường, không còn phải dùng thuốc nữa.

Chia sẻ về ghép tế bào gốc để điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh lý huyết học, BS. Vũ Thanh Bình, Trưởng Khoa ghép tế bào gốc, Viện Huyết học - truyền máu TƯ cho biết: "Trải qua 14 năm từ khi ca ghép tế bào gốc đầu tiên được thực hiện (vào năm 2006), đến tháng 11/2020, Viện Huyết học - Truyền máu TW đã thực hiện được 445 ca ghép tế bào gốc, trong đó có 234 ca ghép tự thân, 211 ca ghép đồng loài.

Thành lập CLB Ghép tế bào gốc để hỗ trợ bệnh nhân

Riêng về ghép đồng loài, Viện đã nghiên cứu và triển khai được nhiều kỹ thuật ghép phức tạp, từ nhiều nguồn tế bào gốc khác nhau như: Ghép tế bào gốc máu dây rốn (cùng huyết thống và không cùng huyết thống), ghép nửa hòa hợp (ghép haplotype), ghép nửa hòa hợp kết hợp với tế bào gốc máu dây rốn..."

Năm 2014, Viện Huyết học - Truyền máu TW là đơn vị đầu tiên thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng (không cùng huyết thống), đem lại cơ hội hồi sinh cho cả những người bệnh không tìm được nguồn tế bào gốc phù hợp từ người thân.

Đáng mừng là kết quả ghép đồng loài, thời gian sống sau 5 năm với bệnh nhân mắc suy Tủy xương/Đái huyết sắc tố là 70-80%; Thalassemia khoảng 70-80%; Nhóm bệnh ác tính là 50-60%. Và với ghép tự thân, tỷ lệ sống trên 5 năm trung bình 60-70%.

Cuộc chiến sinh tử, thử thách cả tinh thần lẫn vật chất

BS. Bình cho hay: "Đối với người bệnh, quá trình ghép tế bào gốc là một hành trình đầy khó khăn và thử thách cả về tinh thần và thể chất. Đã có nhiều người bệnh gọi đó là một cuộc chiến “sinh tử”, “như được sinh ra lần thứ 2”.

Người bệnh thực sự rất cần có thêm kiến thức từ các chuyên gia/bác sĩ để có biện pháp chăm sóc, duy trì sức khỏe. Đồng thời, họ cũng cần sự chia sẻ, động viên, cần được truyền thêm hy vọng và động lực từ những người bệnh đã ghép tế bào gốc để vượt qua cuộc chiến cam go bệnh tật".

Cũng vì điều đó, Viện Huyết học - Truyền máu TW thành lập Câu lạc bộ Ghép tế bào gốc nhằm hỗ trợ người bệnh thêm thông tin, kiến thức về ghép tế bào gốc trong điều trị bệnh máu...

"Việc thành lập Câu lạc bộ bệnh nhân ghép là nguyện vọng, mong muốn tha thiết của người bệnh và cũng là trăn trở của các y bác sĩ. Hy vọng rằng, câu lạc bộ sẽ trở thành điểm tựa tinh thần của người bệnh, là cầu nối để đội ngũ nhân viên y tế chăm sóc, hỗ trợ tốt hơn cho người bệnh ghép, BS. Bình cho biết.

Vũ Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/14-nam-hon-400-nguoi-mac-benh-mau-ac-tinh-duoc-ghep-te-bao-goc-thanh-cong-d490770.html