17 quốc gia châu Âu thúc đẩy việc hồi hương người di cư

Reuters dẫn một tài liệu ngày 4-10 cho biết, 17 quốc gia đã kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) thắt chặt các quy định của Liên minh châu Âu (EU) về việc trả lại những người di cư bất hợp pháp về nước của họ, một tuần trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh của khối.

Khu vực đăng ký dành cho người di cư tại trung tâm tiếp nhận người xin tị nạn ở quận Reinickendorf, Berlin, Đức. Ảnh: Reuters

Khu vực đăng ký dành cho người di cư tại trung tâm tiếp nhận người xin tị nạn ở quận Reinickendorf, Berlin, Đức. Ảnh: Reuters

Báo cáo gửi tới cơ quan điều hành của khối được ký bởi 14 trong số 27 quốc gia thành viên EU, trong đó có Đức, Pháp, Italia, và ba quốc gia thuộc khu vực Schengen là Na Uy, Thụy Sĩ và Liechtenstein. Động thái này diễn ra sau một loạt cuộc bầu cử trên khắp EU với chủ đề chính là vấn đề di cư, và có dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ ngày càng tăng ở một số quốc gia đang kêu gọi kiểm soát chặt chẽ hơn.

Một nhà ngoại giao cho biết: "Thông điệp chính mà tất cả đều đồng ý là một tín hiệu rõ ràng gửi tới EC rằng, EU cần một hệ thống hồi hương chặt chẽ hơn với các nghĩa vụ hợp tác rõ ràng hơn từ những người hồi hương".

EC chưa đưa ra bình luận về vấn đề này, nhưng di cư có thể sẽ là vấn đề quan trọng trong cuộc bầu cử quốc hội Đức vào tháng 9 năm sau cũng như sẽ chi phối chương trình nghị sự của ban điều hành EC mới dự kiến nhậm chức vào tháng 12 tới. Di cư sẽ nằm trong chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo EU tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra ngày 17 và 18-10 sau khi Đức tái áp dụng các biện pháp kiểm tra biên giới tạm thời vào tháng trước. Thủ tướng Pháp Michel Barnier cho biết, Paris sẽ cân nhắc các động thái tương tự.

Chính phủ liên minh của Đức đã cứng rắn hơn trong vấn đề di cư sau khi lượng người nhập cư tăng đột biến và sự ủng hộ dành cho phe đối lập và bảo thủ ngày càng tăng.

17 quốc gia châu Âu đã kêu gọi EC đề xuất một luật mới, nêu rõ rằng chính phủ có thể giam giữ người di cư bất hợp pháp gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia - một phương án đã được thảo luận từ năm 2018 nhưng vẫn chưa được thông qua.

Văn kiện cũng đề nghị thống nhất kỹ thuật số việc quản lý các trường hợp người di cư để tất cả các quốc gia sử dụng cùng một phần mềm. Điều này sẽ giúp xác định và xử lý cùng một người di cư bất hợp pháp xuất hiện ở nhiều quốc gia EU khác nhau. Cuối cùng, báo cáo kêu gọi EC đề xuất người di cư có nghĩa vụ hợp tác với chính quyền.

Kim Phượng

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/17-quoc-gia-chau-au-thuc-day-viec-hoi-huong-nguoi-di-cu-680363.html