2 chế độ cơ bản cho người lao động tự do tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ước tính nước ta có khoảng 33 triệu người không có hợp đồng lao động. Trong đó bình quân mỗi năm có trên 1.400 người trong nhóm này bị chết do tai nạn lao động, cao gấp gần 2 lần khu vực người có hợp đồng lao động.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.
Đối tượng áp dụng của Nghị định là "người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động từ đủ 15 tuổi trở lên, không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, có tham gia bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện" và "Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện".
Theo Bộ LĐ-TB&XH, người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động chiếm đa số trong lực lượng lao động của nước ta hiện nay. Ước tính đến hết quý I năm 2023 là khoảng 33 triệu người. Trong 5 năm qua, ước tính bình quân mỗi năm có trên 1.400 người làm việc không theo hợp đồng lao động bị chết do tai nạn lao động, cao gấp gần 2 lần khu vực người lao động có hợp đồng lao động.
Dự thảo Nghị định được kết cấu thành 6 chương, 36 điều, trên cơ sở kế thừa một phần các quy định của bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc tại Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Bảo hiểm xã hội; đồng thời sửa đổi, bổ sung để phù hợp với điều kiện tổ chức, triển khai bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Thực hiện quy định về "Bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện" có thể tổ chức theo 2 hình thức là bảo hiểm xã hội tự nguyện do Nhà nước cung cấp và bảo hiểm thương mại do các doanh nghiệp cung cấp.
Hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cung cấp bảo hiểm ốm đau, bệnh tật, tai nạn 24/24 giờ (trong đó bao gồm cả tai nạn lao động) theo quy định tại Luật kinh doanh bảo hiểm, góp phần thực hiện chính sách bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện. Tuy nhiên, do bảo hiểm thương mại với mục tiêu lợi nhuận, nên có những hạn chế nhất định trong việc thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh cho người bị nạn và thân nhân của họ.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc xây dựng Nghị định là cần thiết, góp phần khắc phục các hạn chế của bảo hiểm thương mại, phát huy tính ưu việt bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong bảo đảm an sinh xã hội.
Trong đó, Dự thảo quy định 2 chế độ cơ bản về tai nạn lao động mà người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được hưởng, gồm có:
Giám định mức suy giảm khả năng lao động (Điều 6 của dự thảo);
Chế độ trợ cấp một lần (Điều 7 của dự thảo). Trong đó, đối với người lao động bị chết do tai nạn lao động mức hưởng một lần là 32 lần tháng lương tối thiểu vùng IV.
Bên cạnh việc quy định các chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, dự thảo quy định điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện (Điều 5), tương tự như bảo hiểm tai nạn lao động bắt buộc.
Về lồng ghép giới, Nghị định có 3 vấn đề giới chính bao gồm: đối tượng áp dụng, các chế độ đi kèm và quy trình, các thủ tục tham gia và thụ hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, mặc dù có sự khác biệt về giới trong tổng số lao động làm việc không theo hợp đồng lao động nhưng quy định chi tiết của dự thảo Nghị định về đối tượng áp dụng là người làm việc không theo hợp đồng lao động sẽ không tạo ra một sự phân biệt đối xử nào về giới trong triển khai thực hiện.
Về các chế độ bảo hiểm xã hội, với mục tiêu bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do tai nạn lao động dẫn đến thương tật hoặc chết, dự thảo Nghị định cho phép áp dụng chế độ trợ cấp cho người lao động sau khi tham gia là hoàn toàn hợp lý và thúc đẩy bình đẳng giới vì tai nạn lao động có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào và bất kỳ ai là nữ hay nam tại nơi làm việc.
Về quy trình và các thủ tục tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội, mọi đối tượng tham gia đều được hưởng quyền lợi như nhau theo mức rủi ro với một mức đóng như nhau. Do đó, một quy trình và các thủ tục về bảo hiểm xã hội dễ dàng, thuận tiện và hiệu quả đối với các bên có liên quan trong tham gia và yêu cầu thụ hưởng chế độ là vô cùng cần thiết. Vì vậy, dự thảo Nghị định đã có quy định về trách nhiệm của cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong ban hành mẫu tờ khai, đơn, rõ ràng chi tiết.