2 cựu giám đốc Sở Y tế Cần Thơ và Chủ tịch của công ty NSJ khai gì tại tòa?

Tại phiên xét xử vụ án 'thông thầu' tại Sở Y tế TP Cần Thơ, 2 cựu giám đốc sở và chủ tịch công ty NSJ đã khai nhận nhiều tình tiết bất ngờ.

Hoàng Thị Thúy Nga nhận là chủ mưu

Ngày 10/2, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử 20 bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về đâụ́ thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở Y tế TP Cần Thơ, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 32,6 tỷ đồng.

Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga (chủ tịch của Công ty NSJ) nói mình chưa được nhận cáo trạng và kết luận điều tra, tuy nhiên Nga đồng ý tiếp tục xét xử.

Bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga tại phiên tòa (ảnh Hữu Hạnh)

Bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga tại phiên tòa (ảnh Hữu Hạnh)

Trả lời câu hỏi của hội đồng xét xử, bị cáo Nga cho rằng cáo trạng có điểm đúng về hành vi và có điểm không đúng. Cụ thể, Nga nói rằng trong kết luận điều tra xác định bị cáo là đồng phạm giúp sức nhưng trong cáo trạng truy tố của viện kiểm sát thì xác định bị cáo trong vai trò chủ mưu cầm đầu. Bị cáo Nga thừa nhận, truy tố như viện kiểm sát mới là đúng. "Bị cáo đúng là người chủ mưu cầm đầu, là bị cáo giữ vai trò số 1 trong vụ án này", bị cáo Nga nói.

Bị cáo Nga cho rằng, các lời khai của những bị cáo khác là không được hưởng lợi gì. Nga khẳng định mình không đưa tiền cho Bùi Thị Lệ Phi (cựu giám đốc Sở Y tế Cần Thơ). Về chuyến công tác và đến thăm bà Phi, Hoàng Thị Thúy Nga nói khi đó bà Phi đã nghỉ hưu, hôm đấy Nga có kế hoạch đi Côn Đảo nhưng không đặt được vé nên phải đặt từ Cần Thơ để đi. Khi đến Cần Thơ thì Nga ghé thăm bà Phi chứ không đưa tiền. Các cơ quan tố tụng có thể kiểm tra camera trên đường phố ở Cần Thơ xem Nga có xách túi tiền vào nhà bị cáo Phi hay không.

Đối với số tiền 3 tỷ đồng mà bị cáo đã rút ra ở Cần Thơ, Nga nói sau đó Nga đi Côn Đảo và mang tiền theo để tính đầu tư cho một dự án ở Côn Đảo. Nga khẳng định điều tra viên có thể trích xuất máy soi chiếu chuyến bay Cần Thơ đi Côn Đảo thì sẽ biết Nga có mang tiền đi Côn Đảo hay không.

Bị cáo Nga cũng phủ nhận việc chỉ đạo nhân viên chuyển 200 triệu đồng cho bà Phi và ông Cao Minh Chu (cựu phó giám đốc Sở Y tế Cần Thơ).

Đối với quan hệ với ông Võ Thành Thống (nguyên chủ tịch TP Cần Thơ), bị cáo Nga nói mình quen biết ông Thống từ trước và mỗi khi có điều kiện đều ghé thăm ông Thống. Nga chỉ tới chơi và kể mình đang hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực gì chứ không nhờ ông Thống giới thiệu Nga với lãnh đạo Sở Y tế Cần Thơ.

Về trách nhiệm dân sự, bị cáo Nga nhận toàn bộ trách nhiệm trong vụ án này và đã đề nghị gia đình và bạn bè nộp tiền khắc phục hậu quả. Đồng thời, bị cáo Nga đề nghị hội đồng xét xử giải tỏa kê biên đối với những tài sản đã kê biên của bị cáo Bùi Thị Lệ Phi, bị cáo Cao Minh Chu và một số bị cáo khác.

Hai cựu Giám đốc Sở Y tế khai nhận gì?

Tại phần chất vấn, bị cáo Bùi Thị Lệ Phi (cựu Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ) khai: "Vào một ngày bị cáo có nhận được cuộc gọi điện thoại của ông Võ Thành Thống, nói sẽ có cô Nga đến chào bán trang thiết bị y tế và đề nghị bị cáo tạo điều kiện cho Nga tham gia gói thầu đó", bị cáo Phi khai. Cũng theo bị cáo Phi, vì cảm thấy áp lực nên bị cáo Phi đã tạo điều kiện cho Công ty của bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga trúng thầu.

Bị cáo Bùi Thị Lệ Phi (cựu Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ từ năm 2011 đến ngày 1/2/2019)

Bị cáo Bùi Thị Lệ Phi (cựu Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ từ năm 2011 đến ngày 1/2/2019)

Bị cáo Phi cho rằng vì tin tưởng ông Võ Thành Thống nên mới đồng ý cho bị cáo Nga tham gia dự án và tạo điều kiện cho bị cáo Nga trúng thầu.

Bị cáo Phi đề nghị Hội đồng xét xử xem xét thấu tình, đạt lý, công tâm nội dung cáo trạng nêu bị cáo hưởng lợi 3 tỷ đồng từ bị cáo Nga. “Đây là điều bị cáo day dứt nhất. Bị cáo không nhận 3 tỷ đồng. Còn 200 triệu đồng, bị cáo Nga ủng hộ chi quà Tết, bị cáo thừa nhận và đã nói gia đình nộp tiền khắc phục”, bị cáo Phi trình bày.

Bị cáo Cao Minh Chu (cựu Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ) khai rằng, khi còn là phó Giám đốc, được bà Phi mời sang phòng thì đã thấy bà Nga cùng ông Nguyễn Viết Hồng (SN 1981, nguyên Giám đốc Kinh doanh khu vực Miền Tây - Công ty NSJ). Sau đó bà Phi có nói “sếp” chỉ đạo phải tạo điều kiện giúp đỡ công ty của bà Nga.

Bị cáo Cao Minh Chu

Bị cáo Cao Minh Chu

Liên quan cáo trạng xác định ông Võ Thành Thống là người đứng đầu UBND TP Cần Thơ, có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng và quyết định chủ trương, bố trí vốn, quyết định đầu tư dự án. Ông Thống đã chỉ đạo Sở Y tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư (Sở KH&ĐT) cùng các sở, ngành lập hồ sơ, thẩm định chủ trương đầu tư, phân bổ vốn… theo quy định để HĐND TP Cần Thơ thông qua. Chưa có căn cứ xác định ông Thống tác động đến cá nhân nào để làm sai khi thẩm định chủ trương đầu tư, dự án, kế hoạch lựa chọn nhà thầu và dự toán…

Tài liệu điều tra chỉ có lời khai của Bùi Thị Lệ Phi và Nguyễn Viết Hồng khai bà Nga có nhờ ông Thống tác động để bà Phi tạo điều kiện giúp công ty của Nga tham gia các gói thầu, nhưng Nga và ông Thống không thừa nhận, không có chứng cứ điện tử và chứng cứ vật chất chứng minh nội dung này. Đồng thời, không có cǎn cứ chứng minh Nga tác động để ông Thống làm việc với Bệnh viện Tim mạch TP Cần Thơ và đồng ý cho đầu tư hệ thống DSA hai bình diện. Do vậy, hành vi của ông Thống chưa đủ căn cứ xử lý hình sự.

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm

Đối với ông Lê Vǎn Tâm (nguyên Chủ tịch UBND TP Cần Thơ), ký các quyết định về kế hoạch lựa chọn nhà thầu, dự toán khi dự án đã có quyết định đầu tư, bố trí vốn và quyết định đầu tư dự án đã được các cơ quan chuyên môn thẩm định. Ông Tâm không thông đồng hoặc bị ai tác động, không được hưởng lợi ích vật chất. Vì vậy hành vi của ông Tâm chưa có cǎn cứ xử lý hình sự.

Cũng theo cáo trạng, một số cá nhân cũng chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự, gồm: Bà Lê Dương Cẩm Thúy (Phó Giám đốc Sở KH&ĐT); ông Lê Vǎn Bé Tám (Trưởng phòng Thẩm định Sở KH&ĐT); ông Phạm Minh Đức (nguyên chuyên viên Phòng Thẩm định); bà Nguyễn Thị Phương Dung (Trưởng phòng Tài chính đầu tư Sở Tài chính) chỉ là người chủ trì, tham gia ý kiến trong việc thẩm định chủ trương đầu tư, quyết định dự án và dự toán, trong đó có nội dung xác định chi phí hệ thống DSA hai bình diện.

Các cá nhân trên tin tưởng các đơn vị thẩm định, đề xuất của Sở Y tế, khi kiểm tra hồ sơ không phát hiện các báo giá không ghi thời gian, không đảm bảo yếu tố giá cả thị trường. Các cá nhân này không có chức năng thẩm định lại chứng thư thẩm định giá của đơn vị thẩm định đã được Nhà nước cấp phép. Họ không bị ai tác động để làm sai, không được hưởng lợi ích gì.

PV

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/2-cuu-giam-doc-so-y-te-can-tho-va-chu-tich-cua-cong-ty-nsj-khai-gi-tai-toa-242031.html