2 ê kíp cùng thực hiện kỹ thuật vi phẫu nối bàn tay và cổ chân đứt

Sáng 9/12/2020, tin từ BS.CKII Phạm Thanh Phong - Phó giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết: các bác sĩ Trung tâm Chấn thương chỉnh hình bệnh viện vừa phẫu thuật thành công một trường hợp tai nạn rất nguy kịch: đứt gần lìa cổ tay 2 đoạn và cổ chân do máy cưa.

Ông Nguyễn Ngọc P. V. (62 tuổi, Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ) được đưa đến bệnh viện cấp cứu lúc 17h45 ngày 5/12/2020 trong tình trạng cổ tay phải đứt gần lìa 2 đoạn, bàn tay tím tái, đau nhức dữ dội, lộ gân xương, không cử động được các ngón tay, kèm vết thương phức tạp cổ chân trái.

Tai nạn xảy ra khi bệnh nhân dùng máy cưa, cắt tỉa cây, máy cắt đúng vào thân cây quá cứng đã dội ra cắt phải cổ tay phải bệnh nhân, sau đó rớt xuống đất trúng cổ chân 2 bên.

Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, các bác sĩ xử trí cấp cứu, kích hoạt qui trình báo động đỏ nội viện và chuyển thẳng lên phòng mổ.

Hình ảnh chụp X.quang xương bị gãy do máy cưa

Hình ảnh chụp X.quang xương bị gãy do máy cưa

Ê kíp phẫu thuật vi phẫu và chấn thương gồm: ThS.BS Nguyễn Thanh Huy, ThS.BS Trương Nhật Tôn, BS Nguyễn Nhựt Quang - Trung tâm chấn thương chỉnh hình; BS.CKII Trần Huỳnh Đào –ThS.BS Trần Thị Kim Luyến - Khoa Gây mê hồi sức đã tiến hành vi phẫu thuật để cứu bàn tay phải và bàn chân trái cho bệnh nhân (vi phẫu thuật là sử dụng kính hiển vi phẫu thuật có độ phóng đại từ 8 đến 25 lần, nhằm phóng đại các mô, tổ chức lên để phẫu tích và khâu nối bằng kim chỉ loại cực nhỏ có thể khâu nối chính xác các mạch máu nhỏ có đường kính ≈ 1mm và các bao bó sợi thần kinh).

Do vết thương phức tạp ở cả tay và chân và chạy đua với thời gian nên bệnh viện đã huy động cùng lúc 2 ê kíp vi phẫu để phẫu thuật cho bệnh nhân.

2 ê kip vi phẫu tiến hành phẫu thuật nối vùng cổ tay và cổ chân cho bệnh nhân

2 ê kip vi phẫu tiến hành phẫu thuật nối vùng cổ tay và cổ chân cho bệnh nhân

Vết thương vùng cổ tay phải rất phức tạp, do 2 đường cắt khoảng 2/3 chu vi cổ tay, đứt gần hết mạch máu, gân cơ và thần kinh, trong đó xương quay và một số gân cơ, mạch máu vùng cổ tay đứt 2 đoạn.

Đặc biệt động mạch quay đứt 2 đoạn, dập nát không thể khâu nối như bình thường, các bác sĩ phải lấy tĩnh mạch ở nơi khác để ghép vào thay đoạn động mạch dập nát.

Tổn thương xương quay bên phải được cố định bằng Kirschner. Vết thương vùng cổ chân trái 6cm, đứt toàn bộ gân gấp, gân gót, mạch máu thần kinh, được tiếp tục khâu nối mạch máu, thần kinh và gân gót.

Sau 5 giờ 30 phút phẫu thuật căng thẳng, bàn tay bệnh nhân hồng trở lại.

Sáng 9/12/2020, hậu phẫu ngày thứ tư, ngón tay bệnh nhân hồng, sờ mạch rõ, các ngón tay cử động được. Vết thương cổ chân ổn định, có thể khẳng định bước đầu giữ lại bàn tay cho bệnh nhân gần như đã thành công.

Bác sĩ kiểm tra ngón tay bệnh nhân đã hồng hảo trở lại

Bác sĩ kiểm tra ngón tay bệnh nhân đã hồng hảo trở lại

Tuy nhiên bệnh nhân cần điều trị tích cực để tránh nhiễm trùng, lành xương và tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng bàn tay.

BS.CKII Huỳnh Thống Em - Giám Đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ nói: Máy cưa cầm tay, các loại dụng cụ mini như máy cắt,… giúp làm việc hiệu quả, tiện dụng ở nhà, nhưng cũng rất dễ bị tai nạn nếu người dùng không thận trọng.

Điều trị trường hợp đứt lìa này rất khó, bởi tổn thương nặng nề, bị lóc da, phần tổn thương bầm dập, vặn xoắn, nham nhở … nên khi khâu nối mạch máu để cứu sống chi, nguy cơ cao hơn do tổn thương sắc gọn do tắc mạch máu thứ phát.

Các tai nạn do cưa máy ở bàn tay còn gây tổn thương rất nặng nề bởi lưỡi cưa rất nhiều răng, khiến vết thương rộng, nham nhở, phức tạp và tổn thương nhiều phần của bàn tay...

Sau khi phẫu thuật khả năng hồi phục chức năng vận động và cảm giác cũng thấp hơn. Nguy cơ nhiễm trùng sau mổ cũng cao hơn (nếu bác sĩ không khống chế được nhiễm trùng, buộc phải tháo bỏ vĩnh viễn phần đứt lìa để cứu người).

Các bộ phận cơ thể như tay, chân, khi đứt rời, thời gian phẫu thuật nối lại chi phải càng sớm càng tốt, trước 6 giờ kể từ thời điểm bị đứt rời.

Khi gặp tai nạn lao động đứt rời một phần cơ thể cần sơ cứu bảo quản giữ gìn đúng cách để bác sĩ có nhiều cơ hội vi phẫu thuật ghép nối thành công với những trường hợp đứt lìa chi. Một trong những yếu tố quan trọng giữ được chi cho bệnh nhân đó là phải sơ cứu kịp thời, băng và cầm máu ngay tại chỗ.

Tiếp đó, chuyển đến trung tâm y tế gần nhất để được xử trí và bảo quản phần chi đứt lìa theo đúng cách, đồng thời đảm bảo cho chỉ số sinh hiệu của bệnh nhân được ổn định. Sau đó, nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến các cơ sở y tế có khả năng thực hiện phẫu thuật với kỹ thuật cao.

Phạm Phong

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/2-e-kip-cung-thuc-hien-ky-thuat-vi-phau-noi-ban-tay-va-co-chan-dut-n183959.html