2 giờ ngày 12-7, Anh - Italy: Giữ nhịp

Chung kết, đội tuyển Anh đá tại Wembley chưa chắc đã là hay. Lịch sử các kỳ World Cup, Euro cho thấy, chủ nhà thường 'nhịn miệng đãi khách'.

“Nhập gia tùy tục”, hẳn thầy trò huấn luyện viên (HLV) R.Mancini sẽ nhìn trước ngó sau, đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên. Mất chi 5-10 phút đầu trận thận trọng thăm dò, tội gì ầm ầm xông lên khiến đám đông 8 vạn cổ động viên Anh trên sân Wembley nổi cáu.

Sau khi trao qua đổi lại vài chiêu, đôi bên tự cảm nhận được sức lực nhau. Hàng thủ hai đội đều chắc như cua gạch. Đội nào chủ quan có khi còn bị hậu vệ đối phương xông lên “cắp” cho một quả có mà đau đến già.

 Sự nhanh nhẹn của M.Mount có thể làm rối loạn hàng thủ Italy.Ảnh: Reuters

Sự nhanh nhẹn của M.Mount có thể làm rối loạn hàng thủ Italy.Ảnh: Reuters

Hàng tiền vệ Italy cơ động hơn Anh. Không phải Anh thiếu nhân lực ở tuyến giữa mà là vì HLV G.Southgate quá chú trọng vào khâu phòng ngự, thành ra ông bố trí tới hai tiền vệ đánh chặn, thu hồi bóng. Lần đầu vào chung kết Euro nên “Tam sư” có thận trọng thái quá cũng không phải chuyện lạ, bất chấp thầy trò nhà G.Southgate đang giữ thiên thời, địa lợi.

Mấy bữa nay, đội Anh căng thẳng trông thấy, bác sĩ tâm lý ra vào đại bản doanh của đội liên tục. Vòng 1/8, rồi tứ kết, Anh thắng Đức, Ukraine tưng bừng là thế, nhưng vào đến bán kết suýt sa lầy trước Đan Mạch. Italy cũng hụt hơi trước Tây Ban Nha trước khi thể hiện bản lĩnh ở loạt luân lưu 11m. Căng thẳng thấy rõ, thậm chí là cả sự căng cứng nơi đội tuyển Anh. Sau khi kết thúc trận bán kết với Đan Mạch, cũng trên sân Wembley, HLV G.Southgate lộ rõ vẻ mệt mỏi, nhưng ông vẫn đi tới khán đài phía tây để giao lưu với cổ động viên đội nhà. Sao lại là khán đài phía tây? Bởi chính nơi đây đã phát ra hàng loạt tiếng la ó “Tam sư”, trong chiến thắng 1-0 của đội tuyển Anh trước Croatia ở trận ra quân. Hôm đó, G.Southgate đã hậm hực vẫy tay.

Sau từng trận đấu, cả Anh lẫn Italy đều trở nên thiện chiến hơn trước khi trải qua những thời khắc đau tim ở vòng bán kết. Càng đến gần mục tiêu, sắp sửa chạm tay vào vinh quang, cầu thủ nào cũng có nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa, mất ngủ, ăn uống nhạt mồm nhạt miệng, người nôn nao khó tả. Còn nếu không, hẳn cầu thủ đó là siêu nhân. Nhưng siêu nhân C.Ronaldo, K.Mbappe... đã sớm lên đường về nước. Italy vốn không mơ đến bán kết Euro kỳ này. Anh mộng mơ hơn, nhưng cũng chỉ mong tái lập được thành tích ở Euro 1996, vào đến bán kết. Nay hai đội đã đi xa hơn quãng đường mong đợi. Đội nào nhân lực hài hòa, giữ nhịp tốt hơn, đội đó có cơ may viết nên lịch sử ở Wembley.

Cả Anh lẫn Italy đều mất nhịp trước Đan Mạch và Tây Ban Nha. Với Italy, có thể giải thích “bò tót” Tây Ban Nha kiểm soát bóng siêu đẳng, còn với đội tuyển Anh, lý giải sao đây khi “Tam sư” loạng choạng trước những “chú lính chì”. Đội Anh không giữ được nhịp cần thiết dù họ vẫn đang ở vào điểm rơi phong độ. Mất nhịp, J.Sterling sút bóng lên trời trong tình huống thuận lợi, còn H.Kane đánh mất bản năng săn bàn trước khung gỗ.

Đêm nay, đội nào giữ nhịp tốt hơn, đội đó có cơ may chiến thắng. Nhịp tiến, nhịp lui, nhịp sút, thậm chí cao thủ hơn là nhịp ru ngủ đối phương. Thôi thì H.Kane cùng đồng đội cứ vừa đá vừa dò vậy. Lỡ khôn dại xông lên, đội Anh bị L.Insigne đánh thọc sườn hay dính đòn hồi mã thương của F.Chiesa có mà chết đứng giữa trận tiền. Hòa trong 90 phút có mất gì đâu, còn nguyên hai hiệp phụ và loạt luân lưu 11m để phân tài cao thấp cơ mà.

KHOA MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/euro-2020/tin-cap-nhat/2-gio-ngay-12-7-anh-italy-giu-nhip-665011