2 nhà máy lọc dầu Saudi Arabia hứng 17 tên lửa hành trình?
Có thông tin hai nhà máy lọc dầu Saudi Arabia hứng 17 tên lửa hành trình từ Iraq hoặc từ Iran, chứ không phải bị máy bay không người lái của nhóm Houthis tấn công.
Hai nhà máy lọc dầu Abqaiq và Khurais thuộc tập đoàn dầu quốc gia Saudi Aramco của Saudi Arabia hứng hàng loạt vụ nổ lớn lúc 3 giờ sáng 14-9 vì bị máy bay không người lái không kích.
Nhóm phiến quân Houthis ở Yemen tuyên bố nhận trách nhiệm, cho biết có triển khai 10 máy bay không người lái không kích hai nhà máy lọc dầu Abqaiq và Khurais, đồng thời cảnh cáo sẽ tiếp tục tấn công nếu liên quân do Saudi Arabia còn tiếp tục can thiệp quân sự vào Yemen.
Hồi tháng 8, Houthis cũng từng cho máy bay không người lái tấn công một cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia.
Liên quân quốc tế do Saudi Arabia dẫn đầu - phần lớn gồm các đồng minh vùng Vịnh và Ai Cập - can thiệp vào nội chiến Yemen từ năm 2015, theo đề nghị của chính phủ Yemen.
Các chiến dịch không kích của liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu đã gây thiệt hại lớn cho phiến quân Houthis. Trong những năm gần đây, nhóm phiến quân Houthis tăng cường tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa nhắm vào Saudi Arabia.
17 tên lửa hành trình nhắm vào hai nhà máy dầu Saudi Arabia?
Tuy nhiên, Mỹ bác bỏ tuyên bố nhận trách nhiệm của Houthis, khăng khăng thủ phạm thực hiện vụ tấn công này không phải là nhóm Houthis. Mỹ khẳng định thủ phạm đứng đằng sau vụ này là Iran - nước bảo trợ nhóm Houthis.
Hãng tin Reuters dẫn lời một số quan chức cấp cao Mỹ nói rằng quy mô và độ chính xác của vụ tấn công cho thấy Houthis không phải là thủ phạm thực hiện vụ không kích.
“Không nghi ngờ gì Iran chịu trách nhiệm về điều này. Dù các người có đánh tráo thế nào thì cũng không có đường nào thoát trách nhiệm. Không có ứng viên nào khác cả. Các chứng cứ đều chỉ đưa về một hướng là Iran chịu trách nhiệm vụ tấn công này” - Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ đề nghị không nêu tên.
Các nguồn tin quan chức Mỹ cho biết các hình ảnh vệ tinh cho thấy có 19 điểm bị trúng không kích ở hai nhà máy lọc dầu. Các quan chức cho biết họ còn có thêm nhiều bằng chứng nữa - nhưng chưa thể công bố lúc này mà có thể sẽ công bố vài ngày sau - có thể chứng minh nhận định rằng tuyên bố nhận trách nhiệm của Houthis không đáng tin.
Ngày 15-9, nhà báo Dion Nissenbaum của tờ The Wall Street Journal chuyên viết về chính sách Mỹ ở Trung Đông dẫn một số nguồn tin quan chức Mỹ cho biết các chứng cứ nghiêng về khả năng vũ khí được sử dụng trong vụ không kích này là tên lửa hành trình và điểm được phóng là Iraq hoặc Iran, chứ không phải do máy bay không người lái của Houthis thực hiện.
Tuy nhiên, hiện chưa có đánh giá chính thức nào từ chính phủ Mỹ hay từ chính phủ Saudi Arabia.
Trao đổi với Reuters, các nguồn tin quan chức Mỹ từ chối nói về vụ tấn công được xúc tiến từ nơi nào.
“Có hai khả năng và chúng tôi đã có quan điểm của mình về khả năng này” -một quan chức Mỹ nói, đồng thời có nhắc đến chuyện chính phủ Iraq tuyên bố mình không đứng đằng sau vụ tấn công này.
Một số cơ quan truyền thông Iraq nói vụ tấn công xuất phát từ Iraq, nơi có một số nhóm tay súng bán quân sự được Iran bảo trợ đang gia tăng sức mạnh. Chính phủ Iraq ngày 15-9 bác bỏ điều này và tuyên bố sẽ trừng phạt bất kỳ nhóm nào sử dụng Iraq để làm bàn đạp tấn công Saudi Arabia.
Các quan chức Mỹ cho biết Mỹ đang làm việc với phía Saudi Arabia về thông tin cho rằng vũ khí tấn công hai nhà máy lọc dầu của Tập đoàn Saudi Aramco là các tên lửa hành trình.
Các nguồn tin quan chức Mỹ cho biết họ nhận được thông tin có hơn 17 tên lửa hành trình được phóng về hai nhà máy lọc dầu này nhưng không phải toàn bộ đều trúng mục tiêu, một số sau đó được tìm thấy rơi ở phía bắc mục tiêu định phóng đến.
“Houthis trước đây chưa bao giờ đánh mặt trận xa thế này, chúng tôi không nghĩ họ có khả năng này. Và Houthis cũng chưa bao giờ đánh chính xác và theo kiểu phối hợp như thế này trước đây” - một nguồn tin quan chức Mỹ nói với Reuters.
Đài CNN trước đó dẫn lời ông Yahya Saree - người phát ngôn của Houthis rằng nhóm này thực hiện vụ tấn công nhờ một chiến dịch tình báo chính xác và từ sự tăng cường giám sát, hợp tác của những cá nhân bên trong Saudi Arabia.
Iran: Căn cứ và tàu Mỹ ở khu vực nằm trong tầm bắn tên lửa Iran
Không thừa nhận Houthis là thủ phạm, Mỹ trước sau vẫn cáo buộc nước đứng đằng sau vụ này là Iran.
"Tehran tổ chức gần 100 vụ tấn công nhằm vào Saudi Arabia trong khi Tổng thống Hassan Rouhani và Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif giả vờ như đang sử dụng các biện pháp ngoại giao hòa bình. Giữa những lời kêu gọi giảm căng thẳng thì Iran mở một cuộc tấn công chưa có tiền lệ nhắm vào nguồn cung cấp năng lượng thế giới. Không có bằng chứng nào cho thấy Houthis tấn công lần này" - Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo viết trên Twitter.
Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham thậm chí còn đề nghị chính phủ Mỹ phản ứng bằng cách tấn công các cơ sở lọc dầu của Iran.
Phần mình, Iran khẳng định nước này không liên quan vụ việc, cho rằng cáo buộc của Mỹ không có căn cứ và dối trá. Theo Bộ Ngoại giao Iran, mục đích của Mỹ khi cáo buộc Iran là nhằm phá hoại hình ảnh của Iran trên trường quốc tế để chuẩn bị cho “các hành động tương lai" chống lại Iran.
“Người Mỹ thực hiện chính sách "tối đa hóa áp lực" chống lại Iran, mà thất bại của nó đang khiến Mỹ có xu hướng chuyển sang việc "tối đa hóa dối trá"” - đài RT dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Seyyed Abbas Mousavi cho biết.
Trên Twitter, Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif cho rằng Mỹ và các đồng minh bị “mắc kẹt” ở Yemen và việc đổ lỗi cho Iran “sẽ không chấm dứt được thảm họa”.
Chỉ huy lực lượng không gian thuộc Quân đoàn Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) - Chuẩn tướng Amir Ali Hajizadeh cảnh báo Iran đã chuẩn bị toàn diện để trả đũa nếu bị tấn công.
“Mọi người nên biết rằng tất cả căn cứ và tàu Mỹ nằm trong tầm 2.000 km quanh Iran đều nằm trong tầm bắn của tên lửa chúng tôi” - hãng tin Tasnim dẫn lời cảnh cáo của Chuẩn tướng Hajizadeh nói.
Ông Hajizadeh tuyên bố Iran đã chuẩn bị sẵn sàng cho "một cuộc chiến tổng lực" với Mỹ và khẳng định quân đội nước này sẵn sàng nhắm vào hai căn cứ và một tàu sân bay của Mỹ trong khu vực trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang.
"Căn cứ Al-Udeid ở Qatar, căn cứ az-Zafra ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và một tàu sân bay Mỹ ở vịnh Oman sẽ trở thành mục tiêu nếu Mỹ tấn công quân sự" - ông Hajizadeh tuyên bố.