Vào ngày 9/8/1999, Tổng thống Boris Yeltsin cách chức Thủ tướng Sergey Stepashin, bổ nhiệm Vladimir Putin thay thế. Ông Putin khi đó là Giám đốc Tổng cục An ninh Liên bang (FSB) và có kinh nghiệm chính trị tương đối ít ỏi.
Ứng viên Putin được đệ trình lên Duma Quốc gia để phê chuẩn làm thủ tướng. Cùng ngày, trong một tuyên bố trên truyền hình, ông Yeltsin đã gọi ông Putin là người kế vị.
Ít ai có thể đoán được rằng hai thập kỷ sau, ông Putin vẫn tiếp tục lèo lái nước Nga và đảm nhận vai trò lớn trong các vấn đề thế giới.
Mức độ tín nhiệm dành cho Tổng thống Putin vẫn ở mức mà hầu hết lãnh đạo phương Tây phải ghen tỵ nhưng nó đã có phần giảm do ảnh hưởng từ nền kinh tế đình trệ và mức sống người dân giảm sút.
Những cuộc biểu tình diễn ra ở Moscow khiến hàng nghìn người bị bắt trong những tuần gần đây. Đây là đợt bắt giữ lớn nhất kể từ làn sóng biểu tình phản đối ông Putin trở lại Điện Kremlin vào năm 2012 sau khi kết thúc nhiệm kỳ thủ tướng Nga.
Mặt khác, ông Putin ở tuổi 67 tuổi đang phải đối mặt với việc tìm người kế nhiệm. Hiện chưa có một cái tên rõ ràng nào cho vị trí tổng thống Nga.
Đây là nhiệm kỳ tổng thống cuối cùng của ông Putin theo hiến pháp nước này.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nói không có khả năng nhà lãnh đạo cầm quyền lâu nhất nước Nga sẽ từ bỏ hoàn toàn quyền lực khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào năm 2024.
Đây là "bức tranh" rất khác so với khi ông Putin giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên sau khi ông Yeltsin từ chức sớm vào đêm giao thừa năm 2000.
"Nước Nga mặc dù nghèo đói và có nhiều vấn đề vẫn là một quốc gia dân chủ, tự do", nhà báo nổi tiếng Nikolai Svanidze, người thường phỏng vấn ông Putin trong cương vị tổng thống, cho biết.
"Sau 20 năm cầm quyền, ông ấy (Putin) không bị hạn chế dưới bất kỳ hình thức nào. Trên thực tế, ông ấy là một tiểu vương", nhà báo Svanidze nói.
Nhà phân tích chính trị Konstantin Kalachev nói rằng ông Putin khởi đầu là người theo chủ nghĩa tự do, sẵn sàng bắt tay với phương Tây, nhưng theo thời gian đã có lập trường bảo thủ và thù địch hơn.
Sau cuộc Cách mạng Cam năm 2004 ở Ukraine mà Moscow tin rằng được chính phủ phương Tây hậu thuẫn để làm giảm ảnh hưởng của Nga, thái độ của ông Putin đã thay đổi, theo AFP. Theo ông Kalachev, bằng chứng là thái độ quay lưng của Nga với phương Tây, cũng như sự can thiệp của nước này ở Iraq, Libya và các nơi khác.
"Tôi tin rằng sự thất vọng của ông ấy... là khởi đầu cho chiều hướng này" và đi theo con đường cứng rắn hơn, theo nhà chính trị.
Những người Nga tự do, tuy vậy, vẫn có những lo ngại về nhà lãnh đạo của họ ngay từ đầu, không chỉ vì ông xuất thân từ KGB, mà còn vì chính sách cứng rắn của ông đối với phe ly khai Chechnya trong nhiệm kỳ thủ tướng Nga.
Đa số người dân vẫn coi ông Putin là người vực dậy nước Nga sau sự sụp đổ của Liên Xô và là người bảo đảm cho sự ổn định của nước Nga sau này.
Bây giờ, Putin và những người thân cận đang tìm cách thoái lui khỏi Điện Kremlin mà vẫn duy trì được ảnh hưởng của mình, nhà phân tích và nhà bình luận truyền thông, ông Greg Bovt, nhận định. Điều này có thể thông qua việc thành lập một thể chế mới.
"Một số sẽ được lựa chọn để điều hành đất nước, và ông Putin sẽ luôn là người đứng đầu", ông Bovt nói. Một hệ thống tương tự Kazakhstan thời Liên Xô cũ, nơi người cai trị dài hạn Nurultan Nazarbayev bước xuống nhưng vẫn tiếp tục "nổ các phát súng".
"Ông ấy (Putin) sẽ vẫn dõi theo đất nước... Nhiệm vụ của ông ấy là hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình", ông Bovt nói.
Hà Lan
Ảnh: Reuters