2020: Những cú sốc của năng lượng toàn cầu (Phần I)

Toàn bộ ngành dầu khí thế giới đã trải qua một năm 2020 đầy biến động chưa từng có trong lịch sử phát triển của ngành công nghiệp được cho là đang dẫn dắt thế giới này.

Với giá dầu âm, cuộc chiến giành thị phần, cả nóng và lạnh, thậm chí khủng bố các cơ sở dầu khí có thể trở thành phương tiện can thiệp giá dầu. Cú sốc gây ra bởi virus corona, đã và đang đảo chiều trật tự của cả ngành năng lượng. Hãy cùng Petrotimes điểm lại các điểm nóng trong năm 2020.

Virus corona - Pandemia - Lockdown

Kể từ khi chính thức ghi nhận ca nhiễm virus corona đầu tiên tại Vũ Hán (Trung Quốc) tháng 11/2019, đến cuối năm 2020, số ca nhiễm toàn cầu đã vượt 1,1% dân số thế giới, tương đương trên 81 triệu người, tốc độ tăng trưởng 500.000 - 600.000 ca/ngày, tử vong gần 1,8 triệu người. Căng thẳng nhất là châu Âu, Mỹ, Ấn Độ, Brazil, LB Nga. Ngày 11/3 Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 - đại dịch toàn cầu. Trước đó, ngày 23/1 Trung Quốc tuyên bố lockdown tỉnh Hồ Bắc, tiếp đến là châu Âu, Ấn Độ vào tháng 3, Mỹ, LB Nga vào tháng 4.

Do ảnh hưởng của Covid-19, kinh tế thế giới năm 2020 suy giảm mạnh. IMF trong báo cáo trước thềm Hội nghị bộ trưởng tài chính G20 giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 ở mức 4,4% và 5,2% trong năm 2021, tuy nhiên, cảnh báo đà phục hồi có dấu hiệu chậm lại tại các quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 tăng cao, dẫn đến phục hồi không đồng đều và hạ triển vọng đối với nhiều thị trường mới nổi. Tại châu Á, chỉ có Việt Nam, Trung Quốc, Turkmenistan, Uzbekistan và Tajikistan tăng trưởng GDP dương trong năm nay. IMF dự báo kinh tế LB Nga suy giảm 4,1% trong năm 2020 và tăng trưởng +2,8% trong năm 2021. Các thành viên G20 đã chi tới 21 nghìn tỷ USD cho công tác chống chọi và hỗ trợ kinh tế, người dân trong khủng hoảng Covid-19. Số tiền cần phải chi thêm để phục hồi kinh tế hậu khủng hoảng ước tính lên tới 11 nghìn tỷ USD.

Nhu cầu tiêu thụ dầu thô bị ảnh hưởng nặng nề. IEA hạ dự báo nhu cầu dầu thế giới năm 2020 xuống mức 91,2 triệu bpd, thấp hơn 8,8 triệu bpd so với năm 2019, tăng trưởng nhu cầu năm 2021 chỉ ở mức 5,7 triệu bpd lên 96,9 triệu bpd, chủ yếu do nhu cầu xăng máy bay vẫn sẽ thấp (chiếm 80% khối lượng suy giảm), trong khi tiêu thụ xăng và diesel dự báo hồi phục tới 97-99%. Do làn sóng Covid-19 thứ 2 bùng phát mạnh dẫn đến lockdown tại một số quốc gia châu Âu, nhu cầu tiêu thụ dầu quý 4/2020 được điều chỉnh giảm 200.000 bpd.

Trong dự báo cuối năm 2020, Goldman Sachs lạc quan về thị trường hàng hóa thế giới nói chung và dầu thô nói riêng, dự báo nhu cầu tiêu thụ phục hồi trong năm 2021 và mức giá lên đến 63 USD/thùng (cuối năm 2021 - 65 USD/thùng), nhu cầu năm 2022 sẽ vượt 102,5 triệu bpd. Các gói kích cầu kinh tế Mỹ sẽ hỗ trợ tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ cùng với đồng USD yếu hỗ trợ giá cả tăng. Ngoài ra, theo Goldman Sachs, thị trường chứng khoán Mỹ có vẻ đang tăng quá nóng trong thời gian ngắn - lên mức cao nhất mọi thời đại (DJA > 30.000 điểm), điều này làm tăng nguy cơ điều chỉnh trong ngắn hạn (1-2 tháng tới). Trong dài hạn, công ty nhận định thị trường vẫn tiếp tục tăng 16% trong năm 2021 và chỉ số S&P 500 sẽ đạt mốc 4.300 điểm.

OPEC++

Ngày 6/3/2020, LB Nga và OPEC đã không đạt được thỏa thuận gia hạn cắt giảm 1,5 triệu bpd đến cuối năm 2021, song song, KSA tuyên bố tăng sản lượng từ 10 lên 12 triệu bpd và bắt đầu cuộc chiến bán phá giá - chiết khấu trên 10 USD/thùng nhằm chiếm thị phần của LB Nga.

Nguồn cung dư thừa kết hợp với nhu cầu tiêu thụ giảm, dự báo triển vọng thị trường u ám đẩy giá dầu thế giới tụt giảm không phanh: Brent xuống 16,05 USD/thùng, WTI âm 37,6 USD/thùng. Dưới sức ép từ phía Mỹ, KSA và LB Nga đồng ý quay lại bàn đàm phán và đi đến thỏa thuận OPEC+ mới, cắt giảm 9,8 triệu bpd trong vòng tháng 5-6, giảm xuống 7,7 triệu từ tháng 7 đến 12/2020 và giảm xuống 7,2 triệu bpd từ tháng 1/2021.

Giá dầu WTI âm: -37,76 USD/thùng

Chênh lệch cung cầu đạt kỷ lục trong tháng 4/2020 – 23,5 triệu bpd đi kèm với sự khan hiếm kho chứa, bắt buộc giao/nhận dầu thô vật chất vào ngày đáo hạn hợp đồng tương lai đối với dầu WTI đã khiến hợp đồng tương lai kết thúc phiên giao dịch ngày 20/4 tại mức giá âm 37,63 USD/thùng lần đầu tiên trong lịch sử - nguyên nhân chính là trả tiền để không nhận dầu thô rẻ hơn thuê kho chứa.

Mặc dù vậy, S&P Global Platts vẫn quyết định xem xét đưa thêm WTI vào rổ tính giá chuẩn dầu thô biển Bắc (Dated Brent), hiện đang được sử dụng làm cơ sở hình thành giá đối với 2/3 nguồn cung dầu vật chất và Brent tương lai (futures). Quá trình tham vấn kéo dài đến ngày 5/2/2021, nếu được chấp thuận, cách tính mới sẽ có hiệu lực từ tháng 3/2021 và có thể thay đổi cách thiết lập giá dầu trên toàn thế giới. Động thái này phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của dầu thô Mỹ (WTI) trên thị trường quốc tế sau khi dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu vào năm 2015, ngoài ra, nguồn cung các loại dầu thô chủ lực biển Bắc (Brent, Forties, Oseberg, Ekofisk và Troll) đang giảm dần xuống quanh mức 1-1,1 triệu bpd. Hiện nay Mỹ khai thác khoảng 2 triệu bpd và xuất khẩu khoảng 1 triệu bpd dầu WTI Midland, trong đó sang thị trường châu u bình quân 443.000 bpd trong năm 2020.

Viễn Đông

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/2020-nhung-cu-soc-cua-nang-luong-toan-cau-phan-i-593235.html