Đội cứu hộ sơ tán bà mẹ và bé gái sau lũ lụt ở Jakarta. Mưa xối xả đã gây ra lũ quét làm ngập phần lớn thủ đô của Indonesia và các thị trấn lân cận, khiến ít nhất 21 người thiệt mạng và buộc hàng nghìn người phải sơ tán. Ảnh: REX/Shutterstock.
Khoảng 120.000 nhân viên cứu hộ đã được triển khai để sơ tán những người bị ảnh hưởng và lắp đặt máy bơm nước di động vì nhiều trận mưa như trút được dự báo còn tiếp tục trong những ngày tới. Ảnh: AP.
Trên trang web vào sáng 2/1, cơ quan cứu trợ thảm họa đất nước (BNPB) cho biết một số người chết do hạ thân nhiệt, chết đuối và lở đất, trong khi bốn người chết sau khi bị điện giật. Ảnh: Twitter.
Nhà chức trách cho biết gần 30.000 người Jakarta đã được sơ tán đến nơi trú ẩn tạm thời trên toàn thành phố vào sáng 2/1. Theo BBC, với lượng mưa 377 mm/ngày, đây là cơn mưa lớn nhất kể từ 1996 khi cơ quan khí tượng BMKG của nước này bắt đầu lưu giữ các con số. Ảnh: Twitter.
Trao đổi với Reuters, người phát ngôn của bộ các vấn đề xã hội Joko Hariyanto cho biết số người chết đã lên tới 21, tăng từ 9 trường hợp tử vong trong đêm. Ảnh: Twitter.
Cảnh quay trên truyền hình cho thấy những chiếc ôtô gần như chìm hoàn toàn và mọi người lội qua làn nước màu nâu đục ở một số khu vực của thủ đô. Ảnh: Twitter.
Một cậu bé được cõng qua vùng nước ngập sâu. Ảnh: Reuters.
Mưa lớn dự kiến còn kéo dài trong vài ngày tới ở Jakarta. Ảnh: Reuters.
Jakarta có 30 triệu dân bao gồm cả những người ở khu vực đô thị lớn hơn. Theo cơ quan giảm nhẹ thiên tai, mực nước ở phía đông và nam Jakarta cũng như tại các thành phố vệ tinh Tangerang và Bekasi ở tỉnh Tây Java bắt đầu tăng từ 3 giờ sáng giờ địa phương vào ngày 1/1. Ảnh: AFP.
Một cây cầu nối hai quận ở Lahat bị phá hủy bởi trận lũ quét tại Nam Sumatra vào ngày 30/12/2019. Lũ lụt cũng khiến sân bay nội địa Halim phải tạm thời đóng cửa đường băng, chuyển hướng các chuyến bay đến sân bay lớn hơn của thủ đô là Soekarno. Ảnh: Jakarta Post.
Tuyết Mai