210 quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận trường hợp mắc Covid-19

Theo thông tin từ Hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam, tính đến 18 giờ ngày 9-4, thế giới ghi nhận 1.524.837 trường hợp mắc Covid-19 tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 88.965 trường hợp tử vong.

Trong đó, các nước có hơn 100.000 trường hợp mắc là: Hoa Kỳ, Ý, Tây Ban Nha, Đức, Pháp...

Tại Đông Nam Á, số ca mắc tăng nhanh tại Malaysia (4.228 trường hợp mắc, 67 trường hợp tử vong), Philippines (4.076 trường hợp mắc, 203 trường hợp tử vong), Thái Lan (2.423 trường hợp mắc, 32 trường hợp tử vong), và Indonesia (3.293 trường hợp mắc, 280 trường hợp tử vong).

Tại Việt Nam, tính đến 18 giờ ngày 9-4 ghi nhận 255 trường hợp mắc tại 27 tỉnh, thành phố (Việt Nam đứng thứ 105 trong số 210 quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch Covid-19); trong đó 128 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh; 127 bệnh nhân đang được điều trị trong 18 cơ sở y tế; 17 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2 âm tính 1 lần, 16 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 2 lần trở lên.

* PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, sau khi cai ECMO (tim phổi nhân tạo) bệnh nhân 64 tuổi, ở Trúc Bạch, Hà Nội (bác ruột bệnh nhân số 17) có diễn biến nặng, 3 lần tim ngừng tuần hoàn. Dưới sự hỗ trợ hội chẩn từ các chuyên gia hàng đầu về hồi sức tích cực, cấp cứu, hô hấp… các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tích cực cấp cứu, điều trị. Đến nay, bệnh nhân đã tạm ổn định. Hiện bệnh nhân vẫn duy trì thở máy. Các chuyên gia cũng cân nhắc, xem có cần đặt lại ECMO (tim phổi nhân tạo) cho bệnh nhân hay không.

Các chuyên gia hội chẩn điều trị bệnh nhân nặng mắc Covid-19.

Các chuyên gia hội chẩn điều trị bệnh nhân nặng mắc Covid-19.

Ngoài ra, trong số các bệnh nhân mắc Covid-19 đang điều trị cũng có 2 trường hợp nặng khác là phi công người Anh, từng đến quán bar Buddha bị suy đa tạng, đã được đặt ECMO và một bệnh nhân 88 tuổi, ở Hưng Yên có tiền sử xuất huyết não, tăng huyết áp, suy giảm miễn dịch.

PGS, TS Lương Ngọc Khuê cho biết, trong số các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế, đa số các bệnh nhân đang được điều trị theo đúng phác đồ nền của Bộ Y tế. Các chuyên gia cũng nghiên cứu, học hỏi những phác đồ mới của các nước, đưa vào thử nghiệm trong điều trị. Trong số những bệnh nhân mắc Covid-19 có ít nhất 17 trường hợp là người cao tuổi hoặc có bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch, ung thư... Nếu các bệnh nhân này âm tính với virus SARS-CoV-2, thì có thể chuyển sang cơ sở y tế có điều kiện hồi sức cấp cứu, điều trị chuyên khoa sâu để bệnh nhân được điều trị tốt hơn.

* Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành y tế yêu cầu các bệnh viện nâng cấp phòng ngừa trong công tác phòng, chống dịch; đồng thời thực hiện việc chuyển các bệnh nhân mắc Covid-19 có nhiều bệnh nền mãn tính, sau khi đã điều trị cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 về các bệnh viện tuyến chuyên khoa sâu để điều trị tiếp.

PGS, TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, những ngày qua bệnh viện cũng đã chốt chặn ba vòng kiểm soát. Trước khi vào sân bệnh viện, tất cả người bệnh, người nhà bệnh nhân đều phải khử khuẩn tay, đo nhiệt độ cơ thể. Ngoài ra, bệnh viện cũng chuẩn bị sẵn khẩu trang cho người nhà bệnh nhân có nhu cầu sử dụng...

Với trường hợp người lớn (người nhà bệnh nhân nhiệt độ trên 37,5 độ C) hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan đến Covid-19 thì sẽ không được vào các khoa hoặc trung tâm trong bệnh viện mà nhân viên y tế phải hướng dẫn đến các cơ sở y tế dành cho người lớn hoặc là chuyển ngay đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khi có các yếu tố dịch tễ liên quan đến Covid-19, cơ sở y tế cho người lớn gần nhất hoặc trung tâm y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em để được tư vấn, hỗ trợ.

Đối với trẻ em nếu sốt cao cũng sẽ được hướng dẫn thực hiện các quy định hiện hành về thăm khám của Bệnh viện Nhi Trung ương. Đối với những người dưới 37,5 độ C sẽ được “cấp” tem dán ghi chữ đã kiểm tra và có ghi ngày rõ ràng.

* PGS, TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, bệnh viện cũng có biện pháp siết chặt người bệnh và người nhà người bệnh ngay từ những ngày đầu chống dịch. Tất cả những người đến viện đều phải khai báo y tế, sát khuẩn, đo thân nhiệt và được xếp vị trí đứng cách xa nhau 2m để bảo đảm an toàn về khoảng cách. Bệnh viện cũng triển khai hẹn lịch khám qua tổng đài, qua website của bệnh viện để thuận tiện hơn trong đón tiếp.

* GS, TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, bắt đầu từ đầu giờ chiều 10-3, bệnh viện tổ chức kiểm tra sàng lọc tất cả người bệnh và người nhà người bệnh tại các khu vực trọng yếu trước khi vào viện khám, chữa bệnh. Việc kiểm tra sức khỏe này được thực hiện theo đúng hướng dẫn công khai bao gồm: Kiểm tra thân nhiệt, khai thông tin về dịch tễ. Bất kỳ ai có triệu chứng hoặc nghi ngờ sẽ được đánh giá về mặt y tế và ngay lập tức được cách ly và chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương theo đúng quy trình. Bên cạnh việc kiểm tra thân nhiệt, nhân viên bệnh viện còn đưa ra những câu hỏi về các yếu tố lâm sàng và dịch tễ, yêu cầu người bệnh và người nhà người bệnh đeo khẩu trang trước khi vào viện, vệ sinh tay bằng dung dịch có chứa cồn.

* Chiều 9-4, bác sĩ Đỗ Trung Đông, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam cho biết, sau khi hội chẩn, thống nhất với các chuyên gia truyền nhiễm của Bộ Y tế, sáng 9-4, bệnh nhân số 251 đã được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh để tiếp tục điều trị. Bệnh nhân 251 có sức khỏe yếu do nền tảng của bệnh gout biến chứng, xơ gan… Trước khi chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân đã có chiều hướng tốt hơn khi không sốt, đau mỏi dù ăn vẫn kém.

* Tính đến 18 giờ ngày 9-4, Hà Nội có 104 ca nhiễm Covid-19, trong đó 43 trường hợp đã khỏi bệnh; 61 trường hợp khác đang được điều trị. Từ khi có dịch Covid-19 đến nay, Hà Nội ghi nhận tổng cộng 30 ổ dịch phân bố tại 25 xã, phường thuộc 14 quận, huyện; trong đó 3 điểm đã được xác định kết thúc ổ dịch. 27 ổ dịch còn lại tiếp tục được triển khai nhiều giải pháp khoanh vùng, khử khuẩn, cách ly theo đúng quy trình, hướng dẫn của Bộ Y tế.

Lực lượng chức năng tiến hành phun khử khuẩn tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh. Ảnh: nhandan.com.vn

Lực lượng chức năng tiến hành phun khử khuẩn tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh. Ảnh: nhandan.com.vn

Tại ổ dịch Bạch Mai, TP Hà Nội đã thực hiện rà soát 25.900 trường hợp liên quan; 17.188 trường hợp đã hoàn thành xét nghiệm, trong đó có 8.410 trường hợp cho kết quả âm tính, 5 trường hợp dương tính. Các trường hợp còn lại sẽ được thực hiện các biện pháp cần thiết trong tuần này nhằm khoanh vùng, cách ly, xử lý, không để lây lan trong cộng đồng.

Về ổ dịch liên quan đến bệnh nhân 237 (bệnh nhân người Thụy Điển), Hà Nội đã tổ chức điều tra, xét nghiệm, cách ly 118 trường hợp tiếp xúc gần (F1); tổ chức cách ly tại nhà 257 trường hợp tiếp xúc của tiếp xúc ( F2) và thực hiện công tác phòng, chống dịch tại 4 bệnh viện, 1 khách sạn liên quan đến ca bệnh này.

Với ổ dịch thứ 3, liên quan đến bệnh nhân 243, thành phố đã thiết lập khu cách ly y tế tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh gồm 11 xóm liền kề với 2.711 hộ, 11.077 nhân khẩu đến hết ngày 5-5, theo đúng quy định. Công tác phun khử khuẩn toàn bộ thôn Hạ Lôi cũng đã được hoàn thành vào tối 8-4.

* Ngày 9-4 ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, kết quả xét nghiệm RT-PCR của 132 trường hợp tiếp xúc gần (F1) với bệnh nhân số 243 (ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội) đều âm tính với vi rút SARS-CoV-2.

Sau khi phát hiện ca bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Mê Linh tổ chức rà soát 395 hộ gia đình thuộc thôn Hạ Lôi, qua đó phát hiện 132 người tiếp xúc gần (F1) với bệnh nhân; lấy mẫu máu 128/132 người (4 trẻ nhỏ chưa lấy mẫu máu) test nhanh (kết quả đều âm tính). Ngoài ra, Trung tâm lấy mẫu ngoáy họng 132/132 người làm xét nghiệm RT-PCR và kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

THÁI SƠN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/phong-chong-dich-viem-phoi-do-virus-ncov/210-quoc-gia-vung-lanh-tho-ghi-nhan-truong-hop-mac-covid-19-614796