3 rủi ro lớn startup phải đương đầu
Theo chuyên gia của Vietnam Silicon Valley, con người, sản phẩm và thị trường là những yếu tố quan trọng không chỉ ảnh hưởng đến lựa chọn của nhà đầu tư mà còn quyết định số phận của công ty khởi nghiệp.
Có cơ hội trở thành doanh nghiệp lớn hoặc đứng đầu trong lĩnh vực của mình do không phải đối mặt với cạnh tranh nhưng ông Phạm Ngọc Huy, Giám đốc chương trình đầu tư Accelerator của Vietnam Silicon Valley, lưu ý ba rủi ro lớn các công ty khởi nghiệp (startup) phải đương đầu liên quan đến con người, sản phẩm và thị trường.
Hachi là một ví dụ điển hình. Cuối năm 2015, làng khởi nghiệp Việt Nam xuất hiện cái tên Hachi mà nhiều người vẫn ưu ái gọi là startup làm nông thời công nghệ. Sản phẩm đầu tiên của startup này là công nghệ thủy canh tự động, phát triển giàn trồng cây trong nhà bằng thủy canh, dùng đèn led để cung cấp ánh sáng.
Công nghệ thủy canh tự động của Hachi được ứng dụng trên thiết bị di động, bao gồm việc quản lý, kiểm soát các thông số môi trường về độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng, kích hoạt led và máy bơm. Đối tượng khách hàng của doanh nghiệp này lúc đó là những người muốn trang trí không gian trong nhà bằng giá cây không cần nước và ánh sáng tự nhiên, có thể trồng được nhiều loại cây.
Sản phẩm này phát triển tương đối tốt trong giai đoạn đầu, giành giải nhất ở nhiều cuộc thi, tổng giá trị giải thưởng thu về thậm chí con lớn hơn doanh thu. Nhưng sau một năm, Hachi gặp rất nhiều khó khăn khi phát triển dự án, từ vấn đề vốn đến việc hoàn thiện và thương mại hóa sản phẩm.
Bà Hạnh Trần, đại diện Vietnam Silicon Valley - đơn vị tham gia hỗ trợ giải quyết khó khăn tài chính và cố vấn phát triển sản phẩm cho Hachi vào thời điểm đó cho biết, nhu cầu người dùng không thực sự cao, thị trường không đủ lớn mặc dù sản phẩm đạt chất lượng để bán ra thị trường.
Bà Hạnh nhận định, tố chất của nhà sáng lập rất quan trọng để lắng nghe tư vấn và đưa ra những quyết định mang tính sống còn cho doanh nghiệp. Đội ngũ vẫn giữ nguyên nhưng ý tưởng về mô hình kinh doanh phải thay đổi.
Cách tư vấn của Vietnam Silicon Valley là song hành thay vì áp đặt nhưng phải có khả năng nói chuyện, thuyết phục và startup cũng cần lắng nghe.
“Khi trao đổi, phải đưa ra các lập luận rất rõ là làm cho công ty tốt hơn, không có kỳ vọng lợi ích cá nhân. Nếu đó là thực tế thì các nhà sáng lập sẽ nhìn ra vì tình yêu của họ dành cho doanh nghiệp rất lớn”, ông Huy cho biết.
Sở hữu nhiều chuyên gia hiểu sâu về Internet vạn vật và công nghệ cao, Hachi quyết định ngừng bán giàn cây để tập trung cung cấp giải pháp cho các nông trại vì tỷ lệ chuyển đổi khi làm việc với các nông trại thường rất lớn.
Mỗi gói thầu có giá trị từ 1 - 2 tỷ đồng có thể mang lại cho Hachi khoảng 30 - 40% lợi nhuận. Đến nay, doanh thu của startup này đã đạt khoảng 40 tỷ đồng/năm. Thậm chí, đã có các đơn vị từ Australia thuê đội của Hachi sang để xây nông trại.
“Sự khác biệt là làm thế nào thuyết phục người dùng tối ưu hóa chi phí. Hầu hết các mô hình ở Việt Nam đã có sẵn trên thế giới, chẳng có gì mới cả. Càng về sau, ý tưởng càng bão hòa, quan trọng là ai làm tốt hơn ai”, ông Huy nhận định.
Như vậy, liên quan đến rủi ro về con người, startup dù gia nhập thị trường sau một thời gian dài nhưng nếu nhà sáng lập và đội ngũ có đủ tố chất xây dựng công ty thì đã nắm được một nửa cơ hội thắng cuộc.
Trên thực tế, không chỉ Vietnam Silicon Valley, nhiều nhà đầu tư cá nhân hay các quỹ đầu tư khác đều coi con người là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu khi đưa ra quyết định hỗ trợ và rót vốn.
Với giai đoạn đầu, ông Huy cho rằng startup nên tin vào năng lực của bản thân, đội ngũ và ý tưởng của mình vì đó là giai đoạn khó khăn, thiếu niềm tin sẽ rất dễ buông. Họ cũng nên tìm đối tác, cần có người đồng hành bởi nếu chỉ có mỗi nhà sáng lập thì doanh nghiệp sẽ chạy chậm, hoặc dễ chết.
Rủi ro thứ hai là về sản phẩm. Sản phẩm có đủ tốt để người dùng sẵn sàng trả tiền hay không là bài toán startup cần giải. Nhiều startup hay ngộ nhận về công nghệ, về ý tưởng của họ, cho rằng đó là bí quyết, là độc đáo nhưng lại khác xa hoàn toàn khi mang ra bán trên thị trường.
Để có thể đưa ra quyết định mua hàng hay không đòi hỏi một quá trình trải nghiệm của người dùng trong khi đa phần startup không có kiến thức xây dựng sản phẩm đáp ứng mong muốn của khách hàng.
Và rủi ro thứ ba là rủi ro về thị trường. Startup mới ra đời thường loay hoay với câu hỏi sẽ bán sản phẩm của mình ở đâu, thông tin mơ hồ và không hình dung được thị trường nào tốt nhất.
Để giải ba bài toán về con người khi làm việc với startup, ông Huy cho biết không kỳ vọng thay đổi họ. Thay vào đó, Vietnam Silicon Valley chọn ra những startup tốt nhất trước khi quyết định đồng hành. Việc tìm kiếm những startup tốt nhất cũng không quá khó khăn với Vietnam Silicon Valley vì ở Việt Nam hiện nay có rất ít đơn vị đầu tư cho khởi nghiệp ở giai đoạn sớm.
Quy trình tuyển chọn của Vietnam Silicon Valley mất khoảng hai tháng với bốn vòng loại, trong đó có đánh giá cả người sáng lập. Các startup khi điền hồ sơ sẽ phải trả lời khoảng 50 câu hỏi, như đang làm một bản mô tả kinh doanh để Vietnam Silicon Valley nắm được tình hình, cấu trúc công ty, sản phẩm, mô hình kinh doanh… Một phần ba hồ sơ sẽ được giữ lại sau vòng phỏng vấn trực tuyến với các chuyên gia, đây cũng là lần đầu tiên nhà đầu tư được tiếp xúc với đội ngũ và đánh giá con người.
Đến vòng ba, startup sẽ được các nhà đầu tư phỏng vấn trực tiếp ở Hà Nội. Trước khi chính thức ký hợp đồng và tiến hành ươm tạo, hai bên sẽ có một tháng làm việc thử với nhau để xem có hợp hay không bởi nếu không hiểu nhau thì nguy cơ đổ vỡ rất cao.
“Khi nói chuyện, dành nhiều thời gian tìm hiểu về đội ngũ, mối quan hệ giữa các thành viên, cách nói chuyện, cách phản ứng để xem họ có đủ tố chất và kỹ năng của người lãnh đạo hay không, đội ngũ có đủ mạnh hay không”, ông Huy nói.
Sau khi đã chọn được startup, hai bên sẽ có bốn tháng làm việc để cải tiến sản phẩm. Bốn tháng này được chia nhỏ thành các tuần theo dõi chặt chẽ. Chuyên gia của Vietnam Silicon Valley cũng sẽ tập trung toàn thời gian, đóng vai trò như một nhà sáng lập để hỗ trợ startup trong việc tìm hiểu các vấn đề của công ty, nghiên cứu đối thủ...
Thành lập công ty với xuất phát điểm là một hộ gia đình chuyên trồng cam, chị Nguyễn Thị Lê Na, Phó giám đốc Công ty CP Trang trại Nông sản Phù Quỳ nay nổi tiếng với thương hiệu cam Kỳ Yến (Nghệ An) từng tự tạo một hàng rào, nói không với các quỹ đầu tư vì ban đầu không có tư duy chiến lược.
Chị không muốn bị áp lực khi phải nghĩ đến câu chuyện doanh thu lợi nhuận của các nhà đầu tư. Chị cũng lo sợ một ai đó sẽ đến và lấy mất công ty của mình bởi định hướng ban đầu của chị là phát triển thành công ty gia đình, cho hai con của chị kế thừa.
Sau khi tiếp xúc với bà Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm Vietnam Silicon Valley, chị được giải thích và đưa ra gợi ý tham gia khóa học bốn tháng mà chưa nghĩ đến chuyện đầu tư vội. Sau khóa học, tư duy của chị thay đổi hoàn toàn.
Thay vì chỉ đi bán cam, chị cho thay đổi mô hình kinh doanh, rồi đóng gói thành quy trình trồng cam sinh thái, liên kết với hộ nông dân để phát triển quy mô. Hiện chị đang làm đề án làng cam sinh thái 500ha ở Nghệ An bao gồm khu nghiên cứu, khu bán hàng và kết hợp du lịch, đẩy mạnh áp dụng công nghệ.
Còn về yếu tố thị trường, ông Huy cho biết sau khi nghiên cứu và phân tích thị trường cũng như khi startup đã có sản phẩm hoàn thiện, đội ngũ Vietnam Silicon Valley sẽ làm việc, hỗ đưa ra thị trường kiểm nghiệm.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/3-rui-ro-lon-startup-phai-duong-dau-1567765622139.htm