3 vấn đề lớn tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4
Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch COVID-19; Phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản; Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng chuỗi cung ứng là chủ đề chính của 3 hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ sự kiện Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4.
Ngày 5/6 tới, tại TP.HCM, Ban Kinh tế Trung ương sẽ chủ trì, phối hợp với Chính phủ tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 với chủ đề "Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập sâu rộng trong tình hình mới".
Ngày 31/5, tại họp báo Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong cho biết, trọng tâm của Diễn đàn là thảo luận, trao đổi, chia sẻ quan điểm giữa các bộ, ban, ngành, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, chuyên gia... để làm rõ các nội hàm về kinh tế độc lập, tự chủ của Việt Nam trong bối cảnh và điều kiện mới.
Cấu trúc của sự kiện lớn này gồm 3 hội thảo chuyên đề và 1 Phiên toàn thể và đối thoại chính sách cấp cao. Phiên toàn thể và đối thoại chính sách cấp cao có 4 nội dung chính: Kinh tế toàn cầu và những xu hướng lớn về hợp tác kinh tế quốc tế hiện nay; Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay: Cơ hội và thách thức; Đào tạo nhân lực công nghệ số để tạo mũi đột phá về khoa học và công nghệ; Quản trị rủi ro quốc gia trong bối cảnh mới. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dự và phát biểu tại Phiên họp.
Trước đó, tại Công văn số 2528/VPCP-KTTH, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đồng ý Chính phủ phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2022.
Phó Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT là đầu mối phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương trong việc tổ chức Diễn đàn; tổng hợp các nội dung, tài liệu tham luận của các cơ quan của Chính phủ tại các Hội thảo chuyên đề và Phiên toàn thể và đối thoại chính sách cấp cao của Diễn đàn; chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và các cơ quan liên quan dự thảo nội dung phát biểu chỉ đạo và các nội dung trao đổi của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên toàn thể và đối thoại chính sách cấp cao.
Các Bộ, cơ quan: LĐ-TB&XH, Tài chính, Công thương, NN&PTNT, Y tế, VH-TT&DL, Ngoại giao, GTVT, TT&TT, TN&MT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Ban Kinh tế Trung ương, Bộ KH&ĐT để chuẩn bị nội dung thuộc lĩnh vực theo dõi; cử lãnh đạo cơ quan đồng chủ trì các Hội thảo chuyên đề theo đề nghị của Ban Kinh tế Trung ương và tham dự Phiên toàn thể và đối thoại chính sách cấp cao của Diễn đàn.