30 năm làm tốt nhiệm vụ quản lý ngân quỹ nhà nước

Trụ sở KBNN Phú Yên được xây dựng khang trang, hiện đại. Ảnh: LÊ HẢO

Cùng với sự kiện tái thành lập hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN), KBNN Phú Yên chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/4/1990. Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, KBNN Phú Yên luôn bám sát chủ trương, định hướng phát triển của ngành, của địa phương để xây dựng kế hoạch công tác, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý ngân quỹ nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Ngày 4/1/1990, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) có Quyết định 07/HĐBT tái thành lập hệ thống KBNN trực thuộc Bộ Tài chính. Hệ thống KBNN chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/4/1990 với chức năng, nhiệm vụ chủ yếu là quản lý thu - chi quỹ ngân sách nhà nước (NSNN); các quỹ tài chính nhà nước; quản lý các khoản vay và trả nợ dân; quản lý tiền, tài sản tạm thu, tạm giữ, tạm gửi chờ xử lý.

30 năm qua, KBNN đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách; từng bước hoàn thiện chức năng, hiện đại hóa công nghệ, phát triển nguồn nhân lực gắn với cải cách hành chính nhằm nâng cao chất lượng hoạt động quản lý và phục vụ. Qua đó đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới và lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia, thực hiện các chính sách xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng; huy động một lượng vốn lớn cho đầu tư phát triển; kế toán và cung cấp thông tin chính xác, kịp thời về tình hình thu, chi NSNN, góp phần đắc lực vào việc nâng cao chất lượng quản lý, điều hành tài chính - ngân sách của Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các cấp.

Những ngày đầu gian khó

Trải qua 30 năm xây dựng và trưởng thành, nhiều tập thể và cá nhân cán bộ, công chức trong toàn hệ thống KBNN Phú Yên đã vinh dự được tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng nhì, Huân chương Lao động hạng ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Cờ Tập thể thi đua xuất sắc của Bộ Tài chính, của UBND tỉnh; Danh hiệu Chiến sĩ thi đua ngành Tài chính; Bằng khen Bộ Tài chính, UBND tỉnh; Giấy khen của Tổng Giám đốc KBNN...

Tại Phú Yên, KBNN tỉnh hình thành và đi vào hoạt động từ ngày 1/4/1990. Những ngày đầu thành lập, đơn vị đã gặp nhiều khó khăn về công tác nhân sự, hoạt động nghiệp vụ và cơ sở vật chất. Đội ngũ cán bộ vừa thiếu, vừa yếu từ hai ngành Tài chính và Ngân hàng bàn giao sang; trụ sở làm việc từ tỉnh đến huyện đều phải mượn tạm của hai ngành này. Thời điểm này, cơ chế quản lý quỹ NSNN đang trên đà đổi mới; nền kinh tế vừa xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, chuyển sang cơ chế thị trường; tình trạng lạm phát, giá cả tăng nhanh vẫn còn diễn ra.

Bên cạnh đó, Phú Yên là một tỉnh nghèo, mới được tách ra từ tháng 7/1989, tình hình thiếu hụt ngân sách và tiền mặt xảy ra thường xuyên... Những khó khăn chủ quan và khách quan đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc tổ chức điều hành các hoạt động của KBNN Phú Yên.

Tuy vậy, nhờ sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của KBNN, Bộ Tài chính, cấp ủy, chính quyền địa phương; sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan tài chính, thuế, ngân hàng; sự phấn đấu, nỗ lực của tập thể cán bộ công chức, KBNN Phú Yên đã nhanh chóng khắc phục khó khăn, không ngừng củng cố, ổn định, vươn lên thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được ngành và địa phương giao.

30 năm qua, khối lượng thu, chi NSNN trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, KBNN Phú Yên đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan tài chính, thuế, ngân hàng thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp thu NSNN, đa dạng phương thức thu, tạo thuận lợi cho các đối tượng thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước; đồng thời tập trung nhanh nguồn thu, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, kế hoạch thu NSNN được giao. Nếu như năm 1990, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh chỉ hơn 15 tỉ đồng thì đến cuối năm 2004, con số này tăng lên hơn 540 tỉ đồng. Và đến cuối năm 2019 là 7.022 tỉ đồng, đạt 127,7% dự toán tỉnh giao. Trong đó, thu qua ngân hàng thương mại là 5.969 tỉ đồng, chiếm 85% tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh.

Về chi NSNN, KBNN Phú Yên đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện quản lý, kiểm soát chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm trong phạm vi dự toán được giao; đảm bảo giải quyết kịp thời nhu cầu của các đơn vị sử dụng ngân sách; góp phần phục vụ mục tiêu ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng. Trong khi chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 1990 khoảng 33 tỉ đồng, thì đến năm 2004 đã hơn 995 tỉ đồng và đến ngày 31/12/2019 là 5.711 tỉ đồng, đạt 88,6% dự toán tỉnh giao. Chi đầu tư xây dựng cơ bản năm 1990 hơn 18 tỉ đồng, năm 2004 gần 784 tỉ đồng, và đến cuối năm 2019 là 3.682 tỉ đồng, đạt 72,4% kế hoạch năm. Đặc biệt, nguồn vốn thực hiện những công trình trọng điểm của tỉnh như cầu Hùng Vương, công viên ven biển Tuy Hòa, khu đô thị Nam Tuy Hòa, cầu Dinh Ông... đều được kiểm soát, thanh toán, cấp phát qua KBNN Phú Yên.

Giao dịch tại KBNN Phú Yên. Ảnh: LÊ HẢO

Giao dịch tại KBNN Phú Yên. Ảnh: LÊ HẢO

Hướng đến kho bạc điện tử

Bên cạnh công tác quản lý, điều hành thu chi NSNN, thời gian qua, KBNN Phú Yên đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ và quản lý nội bộ như triển khai thực hiện và khai thác Hệ thống thông tin quản lý ngân sách (TABMIS), dự án hiện đại hóa quy trình thu nộp NSNN (TCS), thanh toán điện tử liên kho bạc, thanh toán liên ngân hàng, thanh toán điện tử song phương…; niêm yết công khai thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ tại nơi giao dịch; đồng thời triển khai mạnh mẽ dịch vụ công trực tuyến cho các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư có mở tài khoản giao dịch với KBNN trên địa bàn, góp phần làm cho hoạt động của cơ quan Nhà nước minh bạch, hiệu quả hơn, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Thời gian tới, nhằm tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, cùng với hệ thống KBNN, KBNN Phú Yên sẽ không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý quỹ NSNN thông qua việc gắn kết chặt chẽ các khâu của quá trình phân bổ, thực hiện, quyết toán NSNN trên cơ sở liên thông dữ liệu điện tử và hoàn thiện khung kiểm soát chi NSNN. Về huy động vốn và quản lý ngân quỹ, KBNN Phú Yên nỗ lực huy động vốn cho đầu tư phát triển; quản lý ngân quỹ nhà nước, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu thanh toán, chi trả của NSNN và các đơn vị giao dịch tại KBNN. Về tổng kế toán Nhà nước và thực hiện báo cáo tài chính, KBNN Phú Yên hướng tới việc thống nhất chế độ kế toán và kế toán đồ (COA) áp dụng cho khu vực Nhà nước; góp phần xây dựng sổ cái chung để cung cấp thông tin, dữ liệu đầy đủ, kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch và tin cậy về tình hình tài chính ngân sách. Bên cạnh đó, KBNN Phú Yên tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ được giao; chú trọng phát triển nguồn nhân lực, phát huy ý thức trách nhiệm và tinh thần phục vụ trong quá trình thực thi công vụ...

Ngoài ra, KBNN Phú Yên còn phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, hải quan và các ngân hàng thương mại trên địa bàn để thực hiện hiệu quả công tác phối hợp thu, tăng cường kiểm soát chi NSNN. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến KBNN mức độ 4 theo lộ trình được phê duyệt; phấn đấu đến 31/3/2020, tất cả các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư, ban quản lý dự án trên địa bàn tỉnh đều tham gia dịch vụ công trực tuyến KBNN...

ĐOÀN KIM KHUYÊN

Giám đốc Kho bạc Nhà nước Phú Yên

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/237020/30-nam-lam-tot-nhiem-vu-quan-ly-ngan-quy-nha-nuoc.html