39 dự án ở Củ Chi triển khai chậm, đội vốn vì giá bồi thường thấp

Ngày 20.9, Ban Đô thị HĐND TP.HCM đã có buổi giám sát về việc thực hiện công tác thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các dự án đã có Nghị quyết của HĐND TP.HCM trên địa bàn huyện Củ Chi.

Trưởng Ban Đô thị HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Vân (áo xanh) đi thực địa tại khu vực mở rộng Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi.

Trưởng Ban Đô thị HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Vân (áo xanh) đi thực địa tại khu vực mở rộng Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi.

Theo báo cáo của UBND huyện Củ Chi, trên địa bàn có 95 dự án đã được HĐND TP.HCM có nghị quyết thông qua, với tổng diện tích trên 1.686 ha, trong đó, 56 dự án thu hồi đất. Dự án thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất lúa dưới 10 ha là 32 dự án; dự án có đất lúa trên 10 ha là 7 dự án.

Đến nay, số lượng đã hoàn thành rất khiêm tốn, chỉ đạt 30/95 dự án (chiếm tỉ lệ 31%). Có 39 dự án đang triển khai (41%), đề xuất hủy bỏ là 22 dự án (trong đó có hai dự án đã được HĐND TP chấp thuận).

Nói về việc các dự án triển khai chậm, ông Nguyễn Văn Vững, Phó Trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Củ Chi, cho hay bồi thường là khâu khó nhất.

Ông Nguyễn Văn Vững, Phó Trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Củ Chi, cho hay địa phương gặp khó ở khâu giải phóng mặt bằng.

Ông Nguyễn Văn Vững, Phó Trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Củ Chi, cho hay địa phương gặp khó ở khâu giải phóng mặt bằng.

Theo ông Vững, Luật Đất đai quy định là phải có khu tái định cư trước khi thực hiện dự án. Huyện Củ Chi đa phần là đất nông nghiệp và người dân trước đây sử dụng đất không quan tâm đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhiều người xây nhà từ lâu nhưng không được công nhận nên cũng không đủ điều kiện tái định cư. "Đây là vòng lẩn quẩn, không có khu tái định cư và không đủ điều kiện tái định cư thì không cưỡng chế được" – ông Nguyễn Văn Vững nói.

Để giải quyết khó khăn trên, huyện Củ Chi đã có văn bản đề xuất Sở Tài chính, Ban chỉ đạo 167 thành phố về 2 khu đất công và hiện nay cơ quan chức năng đang rà soát quỹ đất theo quy định.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Vững, một số khu công nghiệp lớn trên địa bàn có thành lập khu tái định cư nhưng chưa được công nhận chủ đầu tư, chưa giao đất thì không đủ cơ sở cưỡng chế và đưa những người đủ điều kiện tái định cư vào đây.

Một số dự án đã được phê duyệt từ năm 2015 nhưng đến nay thì vẫn chưa xong công tác bồi thường và việc chậm triển khai dẫn tới đội vốn. Đơn cử như một dự án cây xanh ban đầu có vốn 526 tỉ đồng nhưng gặp khó khăn trong khâu bồi thường nên đến nay theo dự toán của Sở Tài nguyên – Môi trường đã là gần 2.600 tỉ đồng.

Theo ông Vững, giá bồi thường thấp khiến người dân ít đồng thuận bồi thường để bàn giao mặt bằng. Tại dự án mở rộng Tỉnh lộ 8 đến nay đã nhiều lần điều chỉnh tổng mức đầu tư, ảnh hưởng đến ngân sách thành phố. Ở dự án này, giá người dân chuyển nhượng đất nông nghiệp ở mặt tiền đường là khoảng 40-50 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, giá bồi thường khi áp dụng quyết định 28 của UBND TP hồi tháng 8 chỉ khoảng 3,5 triệu đồng/m2 nên rất khó vận động người dân bàn giao mặt bằng.

Thực tế, đa phần người dân mua bán đất kê khai giá thấp để đóng thuế thấp. Vì vậy, thu thập 3 hợp đồng giao dịch tại một vị trí đất hiện nay giá đất thường không chính xác so với thực tế.

Ngoài ra, một nguyên nhân nữa khiến việc bồi thường chậm là quyết định 28 của UBND TP quy định hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số k) ở Củ Chi tăng từ 13 lên 15 lần. Trong khi đó, đất nông nghiệp trong khu dân cư trước đây hệ số k là 25, ngoài khu dân cư là 15 nhưng đến nay đều ở mức 15 so với bảng giá đất, điều này dẫn đến việc bồi thường giá đất nông nghiệp thấp hơn trước đây.

Huyện Bình Chánh loại hàng chục dự án chậm triển khai

Ngày 21.9, Ban Đô thị HĐND TP.HCM đã có buổi giám sát về việc thực hiện công tác thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các dự án đã có Nghị quyết của HĐND TP.HCM trên địa bàn huyện Bình Chánh.

Theo báo cáo của UBND huyện Bình Chánh, tổng số dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng đã được HĐND TP thông qua từ năm 2015 đến nay trên địa bàn huyện là 244 dự án, trong đó 71 dự án hoàn thành (đạt tỉ lệ 29%); 121 dự án đang thực hiện (chiếm gần 50%). Số dự án quá 3 năm chưa thực hiện đã loại khỏi kế hoạch sử dụng đất hàng năm là 52 dự án (chiếm tỉ lệ 21%).

Đời sống người dân trong dự án khu E (thuộc khu đô thị Nam thành phố) gặp nhiều khó khăn do không được sửa chữa nhà cửa, hạ tầng kỹ thuật không đảm bảo.

Đời sống người dân trong dự án khu E (thuộc khu đô thị Nam thành phố) gặp nhiều khó khăn do không được sửa chữa nhà cửa, hạ tầng kỹ thuật không đảm bảo.

UBND huyện Bình Chánh đánh giá công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án trên địa bàn huyện đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, gần 50% tổng số lượng các dự án đang triển khai từ các nghị quyết năm 2016, 2019 đến nay vẫn chưa hoàn thành, trên 21% số lượng dự án đã loại hoặc không tiếp tục thực hiện do chưa đảm bảo nguồn vốn đầu tư công, chưa đảm bảo pháp lý chủ trương đầu tư.

Nguyên nhân chủ yếu các dự án chậm hoàn thành do công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư gặp nhiều khó khăn, trong đó, đơn giá bồi thường chưa thực sự sát với giao dịch thực tế trên thị trường. Ngoài ra, một số chủ đầu tư chưa thật sự phối hợp cùng địa phương giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong công tác chi trả tiền bồi thường.

Ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, thừa nhận trên địa bàn còn nhiều dự án chậm triển khai và gây ảnh hưởng đến quyền lợi người dân. Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh dẫn ví dụ là dự án Khu đô thị Sing Việt tại xã Lê Minh Xuân đã 20 năm nay nhưng chưa xong và địa phương vẫn còn giải quyết hàng chục trường hợp người dân khiếu nại về dự án.

Huyện Bình Chánh kiến nghị UBND TP giao các sở, ngành xem xét, sớm hoàn tất thủ tục giao đất khu tái định cư Sing Việt để chủ đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng dự án; làm việc với chủ đầu tư đề nghị chuyển trả kinh phí hỗ trợ bổ sung cho người dân.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Tài, dự án Khu E (khu đô thị Nam thành phố) đã 22 năm qua nhưng vẫn còn hơn 3 ha chưa bồi thường xong, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn vì hạ tầng không đảm bảo. Dự án cây xanh cách ly bãi rác Đa Phước cũng chậm triển khai và đến nay đã đội vốn. Và theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường, chỉ trong vài năm, tổng mức đầu tư dự án cây xanh cách ly bãi rác Đa Phước đã tăng 1.400 tỉ đồng.

Vì vậy, đối với dự án cây xanh cách ly bãi rác Đa Phước, lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh kiến nghị nếu chậm triển khai thì cho phép người dân sửa chữa nhà cửa và cho, tặng, mua bán đất để không ảnh hưởng đến quyền lợi người dân. Tại dự án khu E, thành phố nên cho phép người dân được sửa chữa nhà.

Về xử lý các dự án quá 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, UBND huyện Bình Chánh đã tổ chức công bố công khai, tuy nhiên chưa có quy định sau khi công khai có phải thực hiện thủ tục thu hồi, hủy bỏ các thông báo thu hồi đất đã ban hành để đảm bảo quyền lợi của người dân. UBND huyện Bình Chánh kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường sớm có báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành hướng dẫn thực hiện.

Quốc Anh

Quốc Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/39-du-an-o-cu-chi-trien-khai-cham-doi-von-vi-gia-boi-thuong-thap-36578.html