4 chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam là ai?
Các chủ tịch ngân hàng này được bầu vào 'ghế nóng' từ khi còn rất trẻ, chưa đến 40 tuổi.
Trần Hùng Huy - Chủ tịch HĐQT ACB
Tính đến nay, ông Trần Hùng Huy - Chủ tịch HĐQT ACB vẫn là người đảm nhận vị trí chủ tịch ngân hàng vào độ tuổi trẻ nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam. Ông Hùng chính thức trở thành Chủ tịch ngân hàng khi chỉ mới 34 tuổi.
Doanh nhân Trần Hùng Huy sinh năm 1978 tại TP.HCM. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm ngân hàng, là con trai cả của ông Trần Mộng Hùng – đại gia ngân hàng kì cựu, một trong những người sáng lập ngân hàng ACB. Mẹ là bà Đặng Thị Thu Thủy, hiện là một trong các thành viên HĐQT của ngân hàng ACB.
Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy. Ảnh: Vietnamnet
Ông Hùng Huy tốt nghiệp thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Đại học Chapman (Mỹ) năm 2002. Đến năm 2011, ông bảo vệ xong luận án Tiến sĩ kinh tế tại Đại học Golden Gate (Mỹ).
Ông Trần Hùng Huy có nhiều năm công tác tại ACB và được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch HĐQT ngân hàng vào tháng 9 năm 2012 (34 tuổi) sau khi nhà băng này có sự biến động lớn về nhân sự cấp cao.
Ông Hùng Huy cũng từng thừa nhận với truyền thông, thời điểm đó, ông chưa được chuẩn bị gì cả.
Lúc ấy, nhiều người cho rằng ông Hùng Huy chỉ là phương án tạm thời để yên lòng cổ đông trước những biến động nhân sự của ACB. Thế nhưng, cho đến nay, sau gần 10 năm tiếp quản "ghế nóng", ông Trần Hùng Huy đã đưa ACB vượt qua giai đoạn khủng hoảng, lấy lại vị thế nhà băng nằm trong top đầu tại Việt Nam.
Hiện, Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy sở hữu hơn 74 triệu cổ phiếu ACB, tương đương tỷ lệ 3,43% vốn ngân hàng. Khối tài sản này đang có giá trị hơn 2.500 tỷ đồng.
Trần Thị Thu Hằng – Chủ tịch HĐQT Kienlongbank
Mới đây, HĐQT Kienlongbank đã thông qua đơn từ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT Kienlongbank nhiệm kỳ 2018 - 2022 của ông Lê Hồng Phương theo nguyện vọng cá nhân, đồng thời nhất trí bầu bà Trần Thị Thu Hằng, Phó chủ tịch HĐQT, giữ chức danh Chủ tịch HĐQT Kienlongbank nhiệm kỳ 2018 - 2022 kể từ ngày 26/5.
Như vậy, đến thời điểm này bà Thu Hằng sẽ trở thành nữ chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam hiện nay khi mới 36 tuổi (sinh năm 1985).
Chủ tịch Kienlongbank Trần Thị Thu Hằng. Ảnh: Kienlongbank
Bà Trần Thị Thu Hằng tốt nghiệp Thạc sỹ Tài chính Ngân hàng - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, hiện giữ cương vị Tổng giám đốc điều hành CTCP Tập đoàn Sunshine (Sunshine Group) và Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần đầu tư SIPT.
Trước đó, bà Trần Thị Thu Hằng có hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành ngân hàng, giai đoạn 2011-2018, bà trải qua một số vị trí quản lý ở MB, LienVietPostBank và MSB.
Đến tháng 1/2021, bà được bầu làm thành viên HĐQT Kienlongbank.
Tính đến tháng 1/2021, bà Hằng nắm giữ hơn 15,3 triệu cổ phiếu KLB, chiếm 4,75% vốn điều lệ ngân hàng. Ngoài ra, tại Công ty cổ phần KS Group, bà Hằng sở hữu gần 14,6 triệu cổ phần, tương đương 33% vốn điều lệ, công ty này hiện chưa niêm yết trên sàn chứng khoán.
Dương Nhất Nguyên - Chủ tịch HĐQT VietBank
Cuối tháng 4/2021, ông Dương Nhất Nguyên (sinh năm 1983) cũng chính thức được bầu làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank).
Ông Dương Nhất Nguyên là con trai của nguyên Chủ tịch HĐQT VietBank Dương Ngọc Hòa và bà Trần Thị Lâm – Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm.
Dương Nhất Nguyên - Chủ tịch HĐQT VietBank. Ảnh: Vietbank
Trước khi ngồi vào “ghế nóng” tại VietBank, ông Dương Nhất Nguyên là cử nhân trường Greenwich University (Anh), có trình độ Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Trường Đại học Devry (Mỹ).
Ông Dương Nhất Nguyên bắt đầu vào Ban Điều hành Vietbank từ tháng 1/2013 với vị trí Phó Tổng giám đốc. Từ năm 2013 đến nay, ông đã kinh qua nhiều chức vụ lớn khác tại VietBank như: Phó Tổng giám đốc kiêm Thành viên HĐQT, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2016 - 2020.
Ít người biết, ông Dương Nhất Nguyên từng là cử nhân ngành Dược và bắt đầu làm việc tại Dược phẩm Hoa Lâm trước khi chuyển sang ngành ngân hàng. Trước khi về Vietbank, ông Nguyên từng có nhiều năm kinh nghiệm trong việc quản lý, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như Giám đốc đầu tư Công ty CP Đầu tư Phát triển Hoa Lâm; Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Lâm.
Chủ tịch HĐQT VietBank Dương Nhất Nguyên hiện trực tiếp sở hữu 12,8 triệu cổ phần VietBank tương đương với 3,05% cổ phần của ngân hàng (hơn 170 tỷ đồng). Cộng với số cổ phiếu của bố mẹ và các em, gia đình ông Nguyên nắm giữ 13,4% cổ phần Vietbank và là nhóm cổ đông lớn tại ngân hàng.
Nữ Chủ tịch ngân hàng Eximbank ngồi “ghế nóng” hơn 2 tháng
Ngoài ông Dương Nhất Nguyên và bà Trần Thị Thu Hằng, ngành ngân hàng Việt Nam đã chứng kiến một nhân vật 8X khác từng ngồi “ghế nóng” nhà băng là bà Lương Thị Cẩm Tú tại ngân hàng Eximbank.
Cuối tháng 3/2019, bà Lương Thị Cẩm Tú được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VI (2015 – 2020) thay cho ông Lê Minh Quốc. Tuy nhiên, bà Tú chỉ ngồi ghế Chủ tịch Eximbank trong một thời gian ngắn do tranh chấp nội bộ không ngừng tại ngân hàng này. Theo đó, bà Lương Thị Cẩm Tú đã phải chuyển giao vị trí “ghế nóng” tại Eximbank cho ông Cao Xuân Ninh vào cuối tháng 5/2019.
Bà Lương Thị Cẩm Tú. Ảnh: Dân Việt
Bà Lương Thị Cẩm Tú sinh năm 1980 tại Khánh Hòa, có học hàm học vị là cử nhân chuyên ngành Quản lý kinh doanh (ĐH Văn Lang); thạc sỹ Quản trị kinh doanh (Griggs University). Bà đã có hơn 15 năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Bà Lương Thị Cẩm Tú tham gia Eximbank với tư cách là Thành viên Hội đồng Quản trị từ tháng 4/2018. Sau khi trúng cử, bà Cẩm Tú đã mua thành công 13,8 triệu cổ phiếu của ngân hàng, tương đương với tỷ lệ sở hữu 1,12% vốn cổ phần hóa của Eximbank thời điểm đó.