Bốn năm, xử lý hơn 700 vụ buôn lậu thuốc lá thế hệ mới

Từ năm 2020 đến quý I/2024, cơ quan chức năng đã xử lý trên 700 vụ liên quan thuốc lá thế hệ mới, xử lý và tiêu hủy hàng hóa trị giá khoảng 10.000 tỷ đồng.

Tiêu hủy hàng hóa trị giá khoảng 10.000 tỷ đồng

Ông Thân Đức Công, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, khoảng 10 năm trở lại đây, xuất hiện trên thị trường "chợ đen" hai loại thuốc lá mới là thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng (gọi chung là thuốc lá thế hệ mới), chiều hướng ngày càng gia tăng.

Qua thống kê, kiểm soát, từ năm 2020 đến quý I/2024, cơ quan chức năng đã xử lý trên 700 vụ liên quan thuốc lá thế hệ mới, xử lý và tiêu hủy hàng hóa trị giá khoảng 10.000 tỷ đồng.

Ông Thân Đức Công, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường.

Ông Thân Đức Công, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường.

Số lượng này chiếm 10% tổng số vụ liên quan đến thuốc lá nói chung, nhưng giá trị hàng chiếm trên 80%. Từ tháng 1/2023 đến nay, cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử lý trên 400 vụ. Gần đây, ở Hưng Yên, lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với công an kiểm tra 1 vụ có trên 163.000 sản phẩm, gần 10 tấn phụ kiện các loại kèm theo.

Tuy nhiên, đại diện lực lượng QLTT cho rằng, số vụ việc cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử lý được chỉ là con số nhỏ, còn thực tế thị trường diễn ra có thể còn cao hơn. Nguyên nhân là do chưa có quy định, nên chủ yếu mặt hàng này là nhập lậu.

Thất thu khoảng 10.000 tỷ đồng cho nền kinh tế

Trung tá Nguyễn Minh Tiến, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP. Hà Nội cho biết, các sản phẩm thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử đang ngày càng phổ biển. Những dòng thuốc lá nung nóng chủ yếu đến từ Đông Âu, Nhật Bản... qua đường xách tay hoặc nhập lậu qua biên giới. Đây là loại hình giá trị cao, khoảng 4-5 triệu đồng/thùng.

Về vấn đề hàng thuốc lá nhập lậu qua biên giới gây thất thu cho nền kinh tế, ông Thân Đức Công, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, mỗi năm, trung bình thuốc lá nhập lậu gây thất thu khoảng 10.000 tỷ đồng cho nền kinh tế.

"Với thuốc lá thế hệ mới, tôi chưa nói đến những chính sách về thuế, bởi chưa có điều chỉnh cụ thể. Nhưng chỉ tính riêng cho hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý tang vật tịch thu, tiêu hủy thì qua 4 năm vừa qua, với hàng trăm vụ và hàng trăm nghìn sản phẩm, chi phí cũng lên tới nhiều tỷ đồng", ông Công thông tin.

Ông Đỗ Hồng Trung, Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

Ông Đỗ Hồng Trung, Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

Theo ông Đỗ Hồng Trung, Phó chánh Văn phòng Thường trực, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong nhiều năm qua, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia có một số thuận lợi.

Đầu tiên là có sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, Trưởng Ban chỉ đạo 389, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính… và tất cả các thành viên của Ban Chỉ đạo 389.

Thứ hai là lực lượng chức năng các cấp đã quyết liệt vào cuộc triển khai nghiệp vụ trên nhiều tuyến, nhiều địa phương. Nhờ đó, nhiều vụ việc buôn lậu, sản xuất và nhập lậu thuốc lá bị triệt phá.

Lượng lớn thuốc lá nhập lậu bị thu giữ tại Đồng Tháp. Ảnh: Cục QLTT Đồng Tháp.

Lượng lớn thuốc lá nhập lậu bị thu giữ tại Đồng Tháp. Ảnh: Cục QLTT Đồng Tháp.

Tuy nhiên, công tác của Ban Chỉ đạo 389 vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn như, trang thiết bị, phương tiện chống buôn lậu ở biên giới và nội địa còn thiếu, nhất là giữa bối cảnh thương mại điện tử phát triển, tội phạm buôn lậu có nhiều thủ đoạn tinh vi; thiếu nhân sự về nghiệp vụ thương mại điện tử, để phát hiện kịp thời các vụ việc buôn lậu.

Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn chưa thống nhất, chưa kịp thời. Dẫn đến việc nhiều nội dung chưa rõ ràng, khiến lực lượng chức năng gặp lúng túng trong việc xử lý.

"Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng nhìn chung Ban Chỉ đạo 389 và lực lượng chức năng thời gian qua đã cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ. Minh chứng là từ năm 2013 đến nay, nhiều vụ triệt phá các cơ sở sản xuất thuốc lá lậu tại Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, TP HCM… đã được thực hiện. Hằng năm, lực lượng thuộc Ban 389 đã bắt giữ được hàng trăm nghìn sản phẩm thuốc lá vi phạm quy định của pháp luật.

Từ khi có công điện của Thủ tướng, các lực lượng chức năng đã vào cuộc tích cực, kiểm tra, xử lý, triệt phá nhiều vụ việc liên quan tới buôn bán, vận chuyển thuốc lá thế hệ mới", ông Đỗ Hồng Trung nói.

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/4-nam-xu-ly-hon-700-vu-buon-lau-thuoc-la-the-he-moi-192241021110141987.htm